Số hóa

Apple lại gặp rắc rối

Vụ kiện chống độc quyền của "cha đẻ" kho ứng dụng Cydia với Apple có thêm tình tiết gây bất lợi cho Táo khuyết.

Apple vừa thua một bước trong vụ tranh chấp liên quan đến Cydia, kho ứng dụng nổi tiếng ra mắt trên iPhone vào năm 2007. Trước đó, Táo khuyết đã yêu cầu tòa án bác bỏ đơn kiện do Jay Freeman, lập trình viên tạo ra Cydia nộp lên. Ông cáo buộc Apple lợi dụng quyền lực để khiến kho ứng dụng này sụp đổ, dọn đường cho App Store.

Theo Reuters, Apple muốn hủy bỏ vụ kiện vì cho rằng cáo buộc của Cydia vượt quá thời hạn 4 năm theo luật chống độc quyền. Tuy nhiên trong phán quyết đưa ra ngày 26/5, thẩm phán Yvonne Gonzalez Rogers tại tòa án California đã bác bỏ yêu cầu của Apple.

SaurikIT LLC, công ty sở hữu Cydia được xem là nguyên đơn. Thẩm phán Rogers cho rằng yêu cầu bồi thường của SaurikIT trong đơn kiện đầu tiên đã quá thời hiệu quy định. Tuy nhiên, bà cho phép công ty sửa đơn kiện để nộp lại vào tháng 1 năm nay.

Cydia ra đời năm 2007, trước cả App Store của Apple. Ảnh: Redmond Pie.

Trong đơn kiện mới, nhóm luật sư của Cydia lập luận rằng những bản cập nhật của Apple từ năm 2018-2021 chứa các sửa đổi "mạnh mẽ hơn", gây thiệt hại cho các bên phân phối ứng dụng iOS như Cydia một cách rõ ràng.

"Trong phạm vi thời gian về việc bản cập nhật Apple loại bỏ khả năng hoạt động của Cydia theo tuyên bố của nguyên đơn, những cáo buộc trên vẫn còn thời hiệu", Rogers cho biết.

Vào tháng 2, nhóm luật sư của Apple gọi những cáo buộc của Cydia là "quá thời hạn" và "cũ kỹ", kêu gọi thẩm phán Rogers bác bỏ mọi khiếu nại.

Jay Freeman là "cha đẻ" của Cydia. Khi dùng iPhone năm 2007, ông thất vọng bởi điện thoại thiếu nhiều tính năng quan trọng. Từ đó, Freeman tạo ra Cydia (tên đặt theo một loài sâu bệnh) và thành công vang dội.

Theo Freeman, khoảng 50% người dùng iPhone đầu tiên đã “bẻ khóa” (jailbreak) điện thoại để cài đặt Cydia. Từ khi App Store ra mắt năm 2008, Apple luôn cảnh báo người dùng về rủi ro khi jailbreak. Freeman cho rằng chúng đã bị thổi phồng quá mức.

Doanh thu Cydia đạt đỉnh vào năm 2011 và 2012, khoảng 10 triệu USD. Kho ứng dụng này cũng tính chiết khấu cho lập trình viên. Đến năm 2013 khi App Store có thêm nhiều ứng dụng và iOS hoàn thiện hơn, Cydia cũng đến lúc lụi tàn. Kho ứng dụng này ngừng hoạt động từ năm 2018.

Trong đơn kiện nộp lần đầu năm 2020, Freeman cáo buộc Apple "sở hữu và duy trì quyền lực độc quyền một cách sai trái" trong việc phân phối và thanh toán ứng dụng trên iOS, "tước đoạt" khả năng cạnh tranh với App Store của các kho ứng dụng bên thứ ba.

"Cha đẻ" Cydia muốn kiện Apple để mở ra môi trường phân phối ứng dụng, xử lý thanh toán trên iOS một cách công bằng, đồng thời khắc phục những thiệt hại mà Cydia chịu đựng.

Jay Freeman là người tạo ra Cydia. Ảnh: Jesus Villafranco Perez.

Trường hợp của Cydia tương tự vụ kiện của Epic Games, hãng phát hành Fortnite, tựa game bị gỡ khỏi App Store vào năm 2020 sau khi cập nhật hệ thống thanh toán riêng, không thông qua nền tảng thu phí 30% của Apple.

Vụ kiện của Cydia đang chờ xử lý tại Tòa phúc thẩm vòng 9 ở San Francisco. Trong khi đó, Apple có 21 ngày để kháng cáo. Đại diện Táo khuyết và Cydia đều không phản hồi.

Apple đang là mục tiêu giám sát của các cơ quan chính phủ. Hà Lan đã đưa ra những án phạt cho công ty vì cấm ứng dụng trong nước sử dụng hệ thống thanh toán riêng. Hàn Quốc thông qua luật yêu cầu Apple và Google chấp nhận nền tảng thanh toán của bên thứ ba, trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng muốn giảm quyền lực của các hãng công nghệ lớn.

Tác giả: Phúc Thịnh

Nguồn tin: zingnews.vn

  Từ khóa: Táo khuyết ,Apple ,iphone

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP