Đại gia Lê Phước Vũ “lên núi ở ẩn”, Hoa Sen hiện ra sao?
Tập đoàn của đại gia Lê Phước Vũ đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên cho niên độ tài chính 2019-2020. Với kế hoạch tiếp tục tái cấu trúc, giảm áp lực nợ, Hoa Sen dự kiến thu về 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong niên độ này, tăng 11% so với niên độ 2018-2019.
Ông chủ Hoa Sen cho biết, doanh nghiệp của ông bị mất cân đối tới 1.700 tỷ đồng trong niên độ trước là do những chính sách khó lường từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Do đó, trong niên độ mới, chiến lược của Hoa Sen là phòng thủ thay vì liên tiếp “đánh” như trước.
Theo tường thuật của báo giới khi ông Vũ đã nói trước đại hội đồng cổ đông, trong thời gian 3 năm vừa qua (sau vụ Cà Ná), ông ít lên công ty mà chủ yếu ở trên núi, thỉnh thoảng thăm vợ con ở Úc. Hai tháng ông Vũ mới đến công ty 1 ngày và cũng chỉ trong vòng 1 giờ, nên mọi vấn đề hầu hết do ban lãnh đạo quán xuyến. “Hoa Sen không còn lệ thuộc vào Lê Phước Vũ” - vị đại gia ngành tôn thép nhấn mạnh.
Ông Lê Phước Vũ cũng khẳng định, trong trường hợp không có biến động về thị trường, Hoa Sen sẽ giải quyết xong tình trạng mất cân đối trong năm nay và giá cổ phiếu sẽ phục hồi về mức 14.000-15.000 đồng.
Người con gái "giấu kín" của bầu Đức bất ngờ lộ diện
Theo thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cà phê Ông Bầu là công ty mới được thành lập từ ngày 25/11/2019, tức tuổi đời chưa đầy 2 tháng. Công ty này có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do 3 cá nhân góp vốn là bà Trần Thị Kim Oanh, bà Đoàn Hoàng Anh và ông Võ Quốc Lợi.
Con gái bầu Đức và con trai bầu Thắng góp vốn |
Bà Đoàn Hoàng Anh là một trong ba người con của Bầu Đức, nắm 24,5% vốn tại cà phê Ông Bầu. Ông Võ Quốc Lợi cũng nắm 24,5% vốn cà phê Ông Bầu. Ông Lợi là con trai ông Võ Quốc Thắng, còn được biết đến với tên gọi bầu Thắng.
Lý giải việc chọn cái tên "Ông Bầu", bầu Đức chia sẻ: "Tôi nhận thấy nếu lấy tên là 'cà phê ông Đức' e rằng không ai biết nên quyết định chọn thương hiệu 'cà phê Ông Bầu' - cà phê sạch cũng như phong cách bóng đá sạch mà tôi theo đuổi".
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “đóng cửa” hãng bay
Chiều ngày 14/1, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính thức rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không, “đóng cửa” hãng bay Vinpearl Air khi thời gian dự kiến cất cánh khai thác bay thương mại chỉ còn 6 tháng.
Nói về lý do rút khỏi lĩnh vực hàng không, ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup - cho biết: “Thị trường Hàng không Việt Nam rất tiềm năng và đang phát triển mạnh, nhưng cũng có các công ty lớn đang tham gia. Việc Vingroup đầu tư mạnh vào hàng không có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây lãng phí cho xã hội, đồng thời chúng tôi cũng cần tập trung nguồn lực cho việc phát triển mảng công nghệ - công nghiệp của mình, vì vậy chúng tôi quyết định rút lui”.
Theo lãnh tập đoàn này, đây là bước đi nhất quán trong việc tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ và công nghiệp của Vingroup, quyết định nói trên cũng không ảnh hưởng đến mảng đào tạo phi công do Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không VinAviation đảm nhiệm.
“Hung tin” với công ty nhà nữ đại gia Chu Thị Bình
Cục Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) thông báo đã bắt đầu điều tra cáo buộc liên quan đến việc Mseafood, một thành viên của Minh Phú, vi phạm luật thương mại của Mỹ khi sử dụng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ để lẩn tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ.
Cơ quan này đã gửi thông báo tới “vua tôm” Lê Văn Quang - Chủ tịch Minh Phú, thông qua văn phòng Mseafood tại Fountain Valley, California vào ngày 14/1. Theo đó, CBP sẽ trình đơn kiện dựa trên Đạo luật Bảo vệ và Thực thi, đồng thời sẽ áp dụng các biện pháp tạm thời, bao gồm yêu cầu Mseafood cung cấp các chứng từ nhập cảnh và ký quỹ tiền mặt trước khi hàng hóa được thông quan vào Mỹ.
Trước đó, các nhà sản xuất tôm nội địa Mỹ - Liên minh Tôm miền Nam (SSA) cũng đã tiếng và gửi đơn khiếu nại đến Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ để yêu cầu khởi xướng vụ việc điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm nhập khẩu đến từ 6 nước, trong đó có Việt Nam.
Bán “đất vàng", ông Đặng Thành Tâm bất ngờ mua lại
Tổng CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) vừa có thông báo về việc chuyển nhượng phần vốn góp của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh tại Công ty TNHH MTV Phát triển khách sạn Hoa Sen.
Cụ thể, giá trị nhận chuyển nhượng là hơn 1.854 tỷ đồng, tương ứng 100% vốn điều lệ của Công ty Hoa Sen nếu hoàn tất chuyển nhượng.
KBC cử ông Lê Huy Vũ là người đại diện theo pháp luật tại Hoa Sen.
Điều đáng lưu ý, Công ty Hoa Sen trước đây thuộc về KBC của ông Đặng Thành Tâm.
Tác giả: Thế Hưng
Nguồn tin: Báo Dân trí