►Từ chối vay 7.000 tỷ vốn Trung Quốc: Chủ tịch Quảng Ninh nói gì?
►"Vay tiền Trung Quốc, làm đường cần trưng cầu dân ý Quảng Ninh"
►Vay Trung Quốc 7.000 tỷ làm cao tốc Vân Đồn – Móng Cái?
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ KH&ĐT) cho biết, nguồn gốc số vốn 300 triệu USD Trung Quốc cho vay làm cao tốc Vân Đồn – Móng Cái xuất phát từ chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo Trung Quốc cách đây 6 năm. Việc dùng vốn vào DA nào do Việt Nam quyết định.
Khi xây dựng tuyến cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, Chính phủ dự định dùng nguồn vốn này. Tổng vốn đầu tư toàn tuyến khoảng 1 tỷ USD vay từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Do bị “vênh” điều kiện kỹ thuật nên không thể kết hợp 2 nguồn vốn. Chính phủ từng tính phương án, nếu có thể chia nhỏ DA, sẽ dành 300 triệu USD này xây dựng đoạn tuyến gần biên giới Trung Quốc. Nhưng ADB đã sắp xếp đủ vốn cho toàn tuyến cao tốc, 300 triệu USD của Trung Quốc lỡ nhịp DA và “vất vưởng”.
Chính phủ tiếp tục yêu cầu tìm DA phù hợp, nằm trong hành lang vành đai biên giới để dùng vốn này. Lúc đó, giữa 2 DA (làm đường nối từ Cao Bằng tới Lạng Sơn và cao tốc Vân Đồn – Móng Cái), Chính phủ quyết định giao vốn cho DA Vân Đồn – Móng Cái.
“Khoản vốn 300 triệu USD có lãi suất cao, thời gian ân hạn vốn ngắn nên không đắt khách, đá đi đá lại ở nhiều DA. Tôi từng trao đổi với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh xây dựng DA theo hình thức dùng 300 triệu USD làm vốn mồi, hút thêm nguồn vốn tư nhân khác”, ông Nguyễn Xuân Tiến cho biết. Theo ông Tiến, việc chuyển 300 triệu USD để tiến hành theo hình thức này gặp khó khăn, vì Trung Quốc không cho vay tiền mặt mà viện trợ trên cơ sở DA và vướng ở điều kiện sử dụng nhà thầu. “Nếu DA cao tốc Vân Đồn – Móng Cái lỡ hẹn, khoản vay 300 triệu USD của Trung Quốc, Chính phủ sẽ chờ sắp xếp vào DA hợp lý hơn”, ông Tiến nói.
Lý giải nguyên nhân nguồn vốn 300 triệu USD bị nhiều DA từ chối, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, theo nguyên tắc thông thường của Việt Nam ký với đối tác, quy trình vay vốn gồm: Đàm phán vốn vay – ký hiệp định khung – ký hiệp định vốn vay – đấu thầu chọn nhà thầu – ký hợp đồng. Tuy nhiên, riêng Trung Quốc khác biệt trong quy trình, gồm: Ký hợp đồng trước rồi mới đàm phán về khoản vay. Vì ký hợp đồng trước nên bắt buộc phải chọn nhà thầu của Trung Quốc.
Theo Bộ KH&ĐT, bất cứ DA nào nhận khoản vay 300 triệu USD, đều phải đàm phán để điều kiện khoản vay “mềm” đi. Thời gian ân hạn vốn vay kéo dài thêm và lãi suất giảm bớt. Về việc chỉ định nhà thầu, không chỉ riêng Việt Nam, quy định chung của Trung Quốc với tất cả quốc gia vay vốn. Bản chất 300 triệu USD mới nằm trên cam kết giữa 2 nước. Theo tờ trình của Bộ KH&ĐT, nếu giao Bộ GTVT thực hiện sẽ tiếp tục đàm phán cụ thể về điều kiện cho vay. Chứ không phải Trung Quốc “chìa vốn tận tay”.
Nói về đề xuất xin làm chủ đầu tư và xây dựng DA theo hình thức BOT của Quảng Ninh, lãnh đạo Cục Kinh tế đối ngoại cho biết, nếu Thủ tướng đồng ý đề xuất này, sẽ thuộc chức năng của đơn vị khác. Cục chỉ quản lý vấn đề liên quan DA sử dụng nguồn vốn ODA.
Tác giả bài viết: Quỳnh Nga