Giải trí

15 năm… và 'sự tích Táo Quân' mỗi giao thừa

Ê-kíp Táo Quân đang gấp rút hoàn thiện kịch bản. Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online vào 5-1-2018 các nghệ sĩ sẽ bắt đầu tập luyện. Chương trình dự kiến sẽ ghi hình cuối tháng 1-2018.

Táo Quân là chương trình giải trí hiếm hoi ở Việt Nam phản ánh những vấn đề vĩ mô tầm quốc kế dân sinh. Có lẽ vì thế mà suốt 15 năm qua, những người chịu trách nhiệm chương trình như… đi trên dây.

Kỉ niệm 15 năm phát sóng Táo Quân là một chặng đường trải đầy hoa hồng niềm tin yêu của khán giả, những cũng đầy những thách thức với người làm chương trình.

Có thể nói Táo Quân là chương trình giải trí duy nhất trên lãnh thổ Việt Nam dám đùa tếu với những vấn đề to tát mang tầm quốc gia.

"Ngọc Hoàng" Quốc Khánh và "Nam Tào" Xuân Bắc - Ảnh: VFC

Cắt phần 'nhạy cảm' vào giờ chót

Dù luôn làm với tiêu chí "giã từ năm cũ một cách vui vẻ", nhưng những người làm chương trình Táo Quân luôn biết dù châm biếm, hài hước có "ngưỡng" của nó.

Trong lịch sử 15 năm tồn tại Táo Quân, ê-kip sản xuất đã phải chịu rất nhiều áp lực.

Đã có năm, đúng ngày 30 Tết, Táo Quân bị yêu cầu phải cắt bớt những đoạn "nhạy cảm" và ê-kíp đã phải làm ngay để chuẩn bị tối phát sóng luôn.

Cho nên không khó hiểu khi mỗi mùa Táo Quân bắt đầu, ê-kíp làm nội dung đồng lòng "kéo khóa miệng" để tránh dư luận bàn ra tán vào, để nghệ sĩ được tự do sáng tạo trong khuôn khổ cho phép.

Kịch bản Táo Quân luôn thay đổi cho đến phút chót

Ít ai biết kịch bản Táo Quân dẫu là khâu quan trọng, nhưng không phải quan trọng nhất vì trong quá trình tập kịch bản sẽ thay đổi rất nhiều.

Kịch bản Táo Quân thường do một nhóm viết. Kịch bản này chỉ tạo nên cái khung sự kiện, còn diễn viên và đạo diễn mới chính là người làm nên linh hồn cho kịch bản.

Từ kịch bản ban đầu các diễn viên bắt đầu trổ tài biến báo. Những vấn đề quốc kế dân sinh, những vấn đề xã hội nóng hổi qua "miệng lưỡi" của đội ngũ diễn viên Táo Quân trở nên vô cùng sắc sảo, hài hước.

Ê-kip cho biết, có năm sản phẩm cuối cùng không còn giống một chút nào so với kịch bản ban đầu. Trên sân khấu, nếu khán giả cổ vũ hăng, diễn viên có thể sẽ sáng tạo thêm những thứ ngoài kịch bản.

Các nghệ sĩ Chí Trung, Xuân Bắc, Công Lý, Tự Long, Quang Thắng, Vân Dung, Quốc Khánh đã trở thành một ê-kíp Táo Quân ăn ý đến mức khó thay thế. Mỗi người một thế mạnh, tự tung tự tác trên nền kịch bản sẵn có.

Để kết nối tất cả các mảng miếng của nghệ sĩ, kiểm soát tiết tấu, nhịp độ của cả chương trình chính là đạo diễn. Với tầm nhìn bao quát và cái đầu lạnh, đạo diễn chương trình giữ vai trò vô cùng quan trọng để tạo ra sản phẩm cuối cùng.

Ngoài ra, do Táo Quân bám sát vấn đề thời sự nên khi vụ việc diễn biến theo chiều hướng khác thì ê-kíp cũng phải sẵn sàng tinh thần sửa hoặc cắt.

Bình cũ rượu mới suốt 15 năm

Táo Quân có nguồn gốc từ chương trình Gặp nhau cuối tuần do Trung tâm sản xuất phim truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam) thực hiện.

Những người làm chương trình này có ý tưởng làm Gặp nhau cuối năm để tổng kết những vấn đề đặt ra trong Gặp nhau cuối tuần. Vấn đề là Gặp nhau cuối năm phải tìm ra cách thức thể hiện đặc sắc hơn Gặp nhau cuối tuần.

Cuối cùng, ê-kíp Gặp nhau cuối năm nghĩ rằng tổng kết một năm tại sao không sử dụng tích Táo Quân. Thế là Táo Quân ra đời trong lòng chương trình Gặp nhau cuối năm như một tiểu phẩm độc lập, bên cạnh các tiểu phẩm khác.

Trong chương trình Gặp nhau cuối năm thời kì đầu, nhân vật Bắc Đẩu (nghệ sĩ Công Lý đóng, ảnh trái) có giới tính rõ ràng, tuy nhiên Công Lý có nguyện vọng đóng vai giả gái. Các đạo diễn cũng nhận thấy nếu có một vai giả gái thì sẽ có đất để tung ra nhiều trò hơn. Kể từ đó nhân vật Bắc Đầu được quy định thuộc giới tính thứ ba - Ảnh: VFC

Đến năm 2003, Táo Quân trở thành phần cứng của Gặp nhau cuối năm. Tuy nhiên phải tới năm 2006, Táo Quân mới chiếm lĩnh toàn bộ chương trình Gặp nhau cuối năm, trở thành một show diễn tấu trình của các Táo.

Nhưng về cơ bản, trong 15 năm, Táo Quân chỉ trung thành với format duy nhất. Cho đến bây giờ format này vẫn chứng minh sự tiện ích cũng như độ "an toàn" cho một chương trình hài đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm của xã hội.

Táo Quân là một show diễn tạp kĩ, trong đó các Táo lên tấu trình các vấn đề quan trọng của đất nước bằng ngôn ngữ của hài kịch và kết thúc là màn "xoa dịu", xí xóa của Ngọc Hoàng nhằm giã từ năm cũ để hướng tới năm mới một cách tốt đẹp hơn.

Trong suốt 15 năm Táo Quân đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của hàng triệu khán giả Việt Nam.

Khi Táo Quân 10 năm tuổi, truyền thông đã đặt ra vấn đề có nên bỏ Táo Quân, nhưng cuối cùng chương trình vẫn tiếp tục duy trì. Sau một năm đầy những bất cập, thì đến cuối năm khán giả vẫn có nhu cầu xem hài kịch. Thói quen cười vào những điều bất cập của đời sống do Táo Quân tạo ra suốt 15 năm nay xem chừng không dễ bỏ.

Năm nay, vẫn giữ nguyên ê-kíp cũ, gần như không thay đổi. Đó cũng là một lợi thế, vì họ có quá đủ kinh nghiệm để "đi trên dây" cùng Táo Quân.

Nghệ sĩ Vân Dung cho biết năm nào cũng vậy, ngay khi biết lịch tập là chị "đóng cửa trại" không chạy sô, không tụ tập để tập trung toàn lực cho chương trình.

"Đã nói đên Táo Quân là chúng tôi lăn xả, hết mình, không một ai thắc mắc về cát-sê. Vì có chương trình nào suốt 15 năm nay vẫn khiến hàng triệu người từ lớn đến bé hồi hộp chờ đón trước đêm giao thừa như Táo Quân đâu. Bản thân tôi cũng rất hồi hộp, lo lắng vì một năm chỉ làm duy nhất một chương trình, mà chương trình này dành cho hàng triệu người xem.

Bây giờ có gì là tẩm bổ hết vào người để dốc toàn lực tập trong gần một tháng. Lần nào tập xong cũng sút 3 – 5kg. Nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy mất lửa sáng tạo với Táo Quân, năm nào cũng hừng hực khí thế".

Nghệ sĩ Chí Trung rất thành công với vai Táo Giao thông

Nghệ sĩ Tự Long luôn được phát huy sở trường hát

Nghệ sĩ Vân Dung, một gương mặt nữ không thể thiếu của Táo Quân

Từ trái qua nghệ sĩ Trung "Ruồi", Quang Thắng và Minh "Tít"

Tác giả: NGỌC DIỆP

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP