Du lịch

Về Con Cuông, xem phụ nữ bản Thái làm du lịch

Sự thân thiện, hiếu khách của con người Con Cuông, những món ăn truyền thống của các mế, các chị chế biến từ những nguyên liệu có sẵn tại địa phương, những món quà nhỏ của các làng nghề truyền thống, điệu khắp, điệu lăm, múa sạp bên chum rượu cần sẽ là những điểm nhấn thu hút du khách đến với huyện miền núi Con Cuông

Huyện Con Cuông hiện có 4 bản được chọn để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gồm bản Khe Rạn xã Bồng Khê, bản Nưa xã Yên Khê, bản Xiềng và bản Thái Hòa xã Môn Sơn. Đây là bốn bản thuần nông với đa phần dân cư là đồng bào dân tộc Thái, vốn quen với nếp sống cũ như nhà vệ sinh, chuồng chăn nuôi gắn liền hoặc gần nhà ở. Đường xá chưa được chỉnh trang sạch đẹp do bà con chưa có hố rác, hố phân, chưa chú trọng công tác vệ sinh đường làng ngõ xóm. Từ khi đẩy mạnh xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, bà con đã xem trọng công tác vệ sinh môi trường. Nhờ đảm bảo môi trường xanh- sạch- đẹp các bản du lịch cộng đồng ở Con Cuông đã “ghi điểm” với du khách gần xa.
11
Chị em tổ tự quản bảo vệ môi trường tại bản Khe Rạn - xã Bồng Khê thường xuyên vệ sinh để đường làng ngõ xóm sạch, đẹp

Bên cạnh việc đảm bảo vệ sinh môi trường, Hội phụ nữ huyện Con Cuông còn tận dụng mọi nguồn lực để hỗ trợ hội viên phụ nữ duy trì và phát triển các nghề truyền thống phục vụ du lịch như nghề dệt thổ cẩm, nghề mây tre đan, nghề nấu rượu cần, rượu men lá. Bên cạnh đó, thường xuyên mở các lớp truyền nghề, dạy nghề nấu ăn. Các học viên được truyền đạt, hướng dẫn nấu các món ăn truyền thống của dân tộc Thái như cơm Lam, gà nướng, nộm hoa chuối, mọc, các loại bánh; và các món ăn hiện đại như sườn nướng, thịt nướng, thịt hộp, cá hấp, cá kho, bò bóp chua, bò kho, bò xào, sốt vang, ếch nướng, ếch xào cà, ếch chiên bơ, nộm thập cẩm, sa lát…
12
Mâm cơm truyền thống của dân tộc Thái qua bàn tay chế biến của các mế, các chị

Qua việc xây dựng các mô hình hợp tác xã, làng nghề truyền thống, tổ hợp dịch vụ nấu ăn đã góp phần phục vụ du lịch cộng đồng, phục vụ khách tham quan thác Khe Kèm, Tạ bó, đập Phà Lài - sông Giăng, rừng nguyên sinh Pù Mát và phục vụ lễ hội của địa phương. Qua đó, thu hút thêm du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương, tăng thêm thu nhập cho bà con nhân dân.
13
Nghề dệt thổ cẩm được phụ nữ bản Thái giữ gìn và phát huy

Chị La Thị Hà - Chủ tịch Hội LHPN huyện Con Cuông chia sẻ: Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Hội phụ nữ huyện Con Cuông đã vận dụng các nguồn dự án trong và ngoài nước đào tạo nghề cho chị em để gìn giữ các nghề truyền thống phục vụ du khách, mở các lớp dạy nấu ăn, các mô hình tự quản về môi trường; cho hội viên phụ nữ đi tham quan học tập mô hình du lịch cộng đồng ở Mai Châu Hòa Bình. Qua đó, góp phần thúc đẩy ngành du lịch của địa phương phát triển.
14
Nấu rượu men lá đang được huyện Con Cuông chú trọng để xây dựng làng nghề

Huyện Con Cuông đang chuyển bị bước vào mùa du lịch năm 2017, hi vọng với những chuyển biến tích cực trong cách thức xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, sự đầu tư của các đơn vị, doanh nghiệp để hoàn thiện các tổ hợp dịch vụ phục vụ du khách. Sự thân thiện, hiếu khách của con người Con Cuông, những món ăn truyền thống của các mế, các chị chế biến từ những nguyên liệu có sẵn tại địa phương, những món quà nhỏ của các làng nghề truyền thống, điệu khắp, điệu lăm, múa sạp bên chum rượu cần sẽ là những điểm nhấn thu hút du khách đến với huyện miền núi Con Cuông.

Tác giả bài viết: (Minh Hạnh - Thu Trang)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP