Trong nước

Từ 1/7/2022, mức lương thấp nhất sẽ thay đổi thế nào?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán cân đối ngân sách nhà nước để đề xuất phương án cải cách tiền lương năm 2022.

Ảnh Như Ý

Đề xuất phương án cải cách tiền lương

Sáng 28/7, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Phú Cường báo cáo tiếp thu, giải trình về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021- 2025.

Theo ông Nguyễn Phú Cường, quá trình thảo luận, một số ý kiến ĐBQH đề nghị làm rõ thêm về định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với đội ngũ cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và lương hưu đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995.

Về việc này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm 2021- 2025 đã dự kiến lộ trình cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương 7 (Khóa XII).

Theo đó, từ ngày 1/7/2022, mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp, đồng thời mở rộng quan hệ tiền lương.

Đối với lương hưu, theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương 7 (Khóa XII), việc điều chỉnh sẽ thực hiện độc lập đối với tiền lương của người đang làm việc và quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm người có mức lương hưu thấp, nghỉ hưu trước năm 1995, nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán cân đối ngân sách nhà nước để đề xuất phương án cải cách tiền lương năm 2022, trong đó có lương hưu với lộ trình và bước đi phù hợp với tinh thần Nghị quyết 27 và 28 của Trung ương, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tháng 10 tới.

Giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%

Cũng theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính- Ngân sách, một số ý kiến đề nghị trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID -19, cần có giải pháp quyết liệt giảm tỷ lệ chi thường xuyên xuống 60%, tăng tỷ lệ chi đầu tư phát triển lên 29% tổng chi ngân sách.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong cơ cấu chi thường xuyên hiện nay, tỷ trọng chi tiền lương, chi cho con người chiếm khoảng 61- 62%. Trong dự toán chi thường xuyên, các khoản chi được ưu tiên bao gồm: chi quốc phòng, an ninh, chi lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công, chi bổ sung có mục tiêu cho địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội...

Do vậy, việc phấn đấu giảm thêm chi thường xuyên chỉ có thể tập trung ở lĩnh vực chi quản lý hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng xã hội hóa cao. Việc cắt giảm chi thường xuyên cần có lộ trình tương ứng với việc thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, điều chỉnh giá, phí dịch vụ sự nghiệp công.

Thường vụ đề nghị Chính phủ cân đối ngân sách tích cực hơn nữa, tiếp tục phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên để tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển lên 29%, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60% tổng chi.

Tổng thu 5 năm khoảng 8,3 triệu tỷ đồng

Uỷ ban Tài chính- Ngân sách cũng cho biết, một số ý kiến đề nghị giải trình rõ hơn về cơ sở của việc dự kiến quy mô huy động ngân sách nhà nước thấp hơn giai đoạn 2016- 2020.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, quy mô thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021- 2025 khoảng 8,3 triệu tỷ đồng, gấp khoảng 1,2 lần giai đoạn trước. Nhiều khoản thu quan trọng dự kiến tăng thấp hoặc thậm chí giảm so với giai đoạn 2016-2020 như: thu từ dầu thô giảm 1/2 và thu từ tiền đất, xổ số kiến thiết, thoái vốn, cổ tức, lợi nhuận sau thuế cơ bản không tăng.

Đồng thời, do tác động của đại dịch COVID-19 “rất nghiêm trọng” và có thể kéo dài. Vì vậy, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia đã được xây dựng với các chỉ tiêu thận trọng để đảm bảo khả thi trong triển khai thực hiện.

Tiếp thu ý kiến, trong điều hành ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có các giải pháp hiệu quả để khẩn trương kiểm soát dịch bệnh, khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, tích cực khai thác các dư địa thu, chống thất thu và tăng thu, ví dụ từ quỹ đất của các dự án BT sẽ không thực hiện, đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống chính sách thu và công tác quản lý thu, phấn đấu quy mô thu cao hơn 1,2 lần và trình Quốc hội quyết định dự toán thu hằng năm phù hợp.

Tác giả: Luân Dũng

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP