Kinh tế

Truy thu thuế 1,5 tỷ đồng đối với chủ kênh Youtube thu nhập 19 tỷ đồng trong 3 năm bằng căn cứ pháp lý nào?

Theo quan điểm của chuyên gia, việc Cục thuế TP. HCM truy thu thuế 1,5 tỷ đồng đối với chủ kênh Youtube nói trên là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật.

Mới đây, qua rà soát, Cục thuế TP.HCM phát hiện một cá nhân sinh sống trên địa bàn TP HCM là chủ của một kênh Youtube đã có thu nhập 19 tỷ đồng trong ba năm (2016-2018) nhưng không kê khai và nộp thuế.

Sau khi làm việc với cơ quan thuế, cá nhân này thừa nhận chưa thực hiện nghĩa vụ thuế và đến nay người này đã nộp đủ số thuế bị truy thu là 1,5 tỷ đồng.

Cũng theo Cục thuế TP. HCM, vài năm gần đây cơ quan này đã phát hiện và truy thu thuế đối với nhiều cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook... nhưng chưa kê khai thuế.

Cụ thể, tháng 8/2018, một chương trình trò chơi được tải nhiều trên mạng xã hội Facebook, Google, YouTube... và đã chạy quảng cáo trên các chương trình này. Người viết chương trình được trả hơn 41 tỷ đồng trong hai năm 2016, 2017 nhưng không kê khai và nộp thuế. Sau đó, cơ quan thuế đã truy thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân của người này với số tiền hơn 4,1 tỷ đồng.

Trước đó, hồi cuối năm 2017, một cá nhân bán mỹ phẩm trên Facebook cũng bị truy thu thuế tới 9,1 tỷ đồng.

Một kênh Youtube có lượng truy cập "khủng". Ảnh: NLĐ

Câu chuyện trên hiện đang trở thành chủ đề nóng, được dư luận bàn tán xôn xao.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, ông Nguyễn Gia Hải, chuyên gia pháp lý (Văn phòng luật sư Vạn Xuân Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Việc truy thu thuế của Cục thuế TP.HCM đối với chủ nhân kênh Youtube nói trên là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Điều này giúp Nhà nước tránh được tình trạng thất thu thuế và góp phần tăng ngân sách.

Theo khoản 1, điều 1 của Thông tư số 92/2015 của Bộ Tài chính thì đối tượng phải nộp thuế là: "Cá nhân cư trú bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật".

Theo quy định pháp luật, nếu thu nhập từ kinh doanh 100 triệu đồng/năm trở lên thì phải nộp thuế 7%, bao gồm 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân.

Thông tư này cũng quy định về trường hợp không phải nộp thuế thu nhập cá nhân tại khoản 2 của điều luật này. Cụ thể:

"2. Người nộp thuế nêu tại khoản 1 Điều này không bao gồm cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống."

Về mặt xã hội, trào lưu tạo các kênh và sản xuất video, clip để thu hút người xem, từ đó tạo thu nhập cho bản thân đang được lan truyền và thu hút một lượng lớn người tham gia. Việc cơ quan thuế sát sao trong quá trình hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình tại các hình thức sản xuất, kinh doanh mới như thế này là rất cần thiết.

Ngoài ra, việc truy thu thuế đối với những trường hợp tương tự như trên cũng góp phần đảm bảo tính công bằng, khách quan trong môi trường hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ nước ta.

Tuy nhiên, nói là như vậy, còn trên thực tế, việc truy thu thuế đối với những cá nhân như câu chuyện trên hiện nay vẫn còn gặp phải nhiều vướng mắc, khó khăn. Bởi lẽ, hiện bất cứ cá nhân nào chỉ cần tạo lập tài khoản là có thể kiếm tiền mà không cần làm thủ tục đăng kí hay thông báo với bất kỳ cơ quan nhà nước nào. Chính vì vậy, công tác quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Tác giả: Đại Phong

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP