Thể thao

SLNA: Không yêu xin đừng nói lời cay đắng

Sau pha phạm lỗi thô bạo của Ngô Hoàng Thịnh với Đỗ Hùng Dũng, một bộ phận người hâm mộ bắt đầu lấy lò SLNA làm thước đo của hình ảnh bóng đá xấu xí. Nhưng đó là cách nhìn nhận vấn đề một cách phiến diện.

Vừa qua, tình huống phạm lỗi thô bạo của Ngô Hoàng Thịnh với Đỗ Hùng Dũng ở trận đấu giữa CLB TP.HCM và Hà Nội FC trên sân Thống Nhất đã làm rúng động cả nền bóng đá Việt Nam. Thậm chí pha vào bóng ấy còn được cả báo chí quốc tế quan tâm về độ nguy hiểm, tính chất phi thể thao của người vào bóng.

Sau chấn thương kinh hoàng của cẩu thủ Hùng Dũng, trên mạng xã hội một bộ phận người hâm mộ bắt đầu lấy lò SLNA làm thước đo của hình ảnh bóng đá xấu xí. Hoàng Thịnh sinh năm 1992, trưởng thành từ lò đào tạo SLNA. Anh đá cho đội một quê hương từ năm 2011 tới 2016 trước khi chuyển tới đầu quân cho Thanh Hoá, rồi TP HCM vào năm 2019.

Hoàng Thịnh trưởng thành từ lò đào tạo SLNA

Nhìn vào tiểu sử của Hoàng Thịnh, người ta bắt đầu lấy đó là cái cớ để chỉ trích lối đá chém đinh chặt sắt của những cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo bóng đá xứ Nghệ. Trong lịch sử V.League, rất nhiều cầu thủ trưởng thành từ xứ Nghệ đã bị cấm thi đấu dài hạn sau những hành vi bạo lực trên sân cỏ. Trước kia là Hữu Thắng, Huy Hoàng, gần đây có Đình Đồng, Quế Ngọc Hải và mới nhất là Ngô Hoàng Thịnh. Tuy nhiên khi nhắc về những cái tên này mà đánh giá cả nền bóng đá Nghệ An thì đó là cách nhìn phiến diện mang tính chủ quan.

SLNA – Niềm tự hào của bóng đá Việt Nam

Không thể phủ nhận một điều, Nghệ An là cái nôi của bóng đá Việt Nam khi sản sinh ra rất nhiều ngôi sao lớn. Họ là CLB giàu truyền thống và đậm bản sắc nhất Việt Nam, đoạt rất nhiều danh hiệu từ giải vô địch, cúp quốc gia cũng như các lứa tuổi trẻ và là một trong những câu lạc bộ đóng góp cầu thủ cho đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam nhiều nhất. Trong đó có những cái tên làm rạng danh bóng đá nước nhà.

Đó là những Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Văn Quyến, Lê Công Vinh, Dương Hồng Sơn trước đây hay Phan Văn Đức, Nguyễn Trọng Hoàng hay Quế Ngọc Hải bây giờ.

Bóng đá xứ Nghệ sản sinh ra rất nhiều tài năng

Đi cùng với những thành tích đáng nể mà hiếm có đội bóng nào ở Việt Nam có được, SLNA cũng bị “mang tiếng” là có lối đá “chém đinh chặt sắt”. Không giống như lối chơi ban bật, phối hợp nhỏ đội bóng xứ Nghệ luôn có một thứ vũ khí vô cùng lợi hại đó là yếu tố tinh thần, sự quyết liệt trong thi đấu. Và đặc biệt là lối chơi khó “bắt bài” dựa trên cảm hứng thay vì có chiến thuật rõ ràng như trong sách vở.

Đã ra sân là phải chơi cho máu là bản chất của các cầu thủ xứ Nghệ. Đương nhiên không một CLB nào, một HLV nào lại đi dạy học trò trở thành máy chém, triệt hạ đối phương và bất chấp hậu quả cả. Vậy nên đừng nhìn vào một vài vụ việc để quy chụp một tập thể.

Không chỉ có SLNA mà cầu thủ nào khi ra sân cũng đều đá hết mình, đá lăn xả, vì đó là bản chất của bóng đá - một môn thể thao đối kháng mạnh mẽ.

Không yêu xin đừng nói lời cay đắng

Nhiều người đang lấy vụ của Hoàng Thịnh mà chỉ trích lò SLNA đang đào tạo ra những “thợ săn ống đồng” nhưng không ai nhớ chính cầu thủ xứ Nghệ cũng nhận không ít pha vào bóng thô bạo từ các cầu thủ đội bạn. Tiêu biểu như vụ cầu thủ Văn Sỹ Hùng cũng từng là nạn nhân của cầu thủ ở CLB Hải Phòng khiến cựu tuyển thủ quốc gia bị gãy chân vào thập niên 80.

Bóng đá xứ Nghệ đã "đẹp" hơn xưa rất nhiều

Rõ ràng, bóng đá là một cuộc chơi mang tính đối kháng, sự hết mình và lăn xả là việc cần được khuyến khích, nhất là ở SLNA. Quan trọng hơn, để có thể “chém đinh chặt sắt” theo đúng nghĩa của nó, không phải là chuyện dễ dàng nếu không có tố chất, sự tỉnh táo hoặc thâm niên chơi bóng. Ở một phương diện nào đó, lối đá “chém đinh chặt sắt” cũng là minh chứng cho sự đoàn kết, thống nhất trong cách triển khai lối chơi hoặc tập trung phòng ngự làm giảm sức mạnh của đối thủ.

Tuy vậy trong những năm gần đây, ban lãnh đạo SLNA cho rằng họ đang mềm hoá lối chơi với những lớp cầu thủ có chất lượng kỹ thuật cao. Tuy nhiên không thể phủ nhận điều này làm cho các cầu thủ xứ Nghệ đang dần mất đi chất “lửa” trong thi đấu.

Nói như vậy không có nghĩa rằng những tình huống vào bóng nguy hiểm của Hoàng Thịnh được bảo vệ mà ngược lại cần có những biện pháp răn đe kịp thời và thích hợp. Tuy nhiên để lấy một cá nhân để nói về cả một nền bóng đá đã và đang làm rạng danh bóng đá Việt Nam thì đó là điều không nên.

Tác giả: Phong Trần

Nguồn tin: bongda365.club

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP