Nhà đẹp

Những lưu ý khi trồng cây trong nhà bếp

Sự hiện diện của mảng xanh tươi mát ngay trong khu vực nấu nướng mang đến nhiều lợi ích, do đó việc bày trí cây xanh trong bếp ngày càng được nhiều người nội trợ quan tâm.

Những chậu cảnh xanh mướt tạo điểm nhấn sinh động cho không gian bếp, giúp "làm mềm" đường nét thô cứng của tường bê tông, đồng thời tạo sự hài hòa và cân bằng màu sắc. Bên cạnh đó, cây xanh tựa như máy lọc không khí hiệu quả, hút khí độc hại trong bếp. Mặc dù, việc nấu nướng khiến căn bếp ám khói, mùi hay dính dầu mỡ, có thể ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng, một số loài cây khắc phục được tình trạng này. Tùy vào cách bố trí không gian của mỗi căn bếp, bạn có thể lựa chọn cây trồng khác nhau. Ảnh: Home and Garden.

Ánh sáng là điều đầu tiên và quan trọng nhất để bạn cân nhắc việc trồng cây trong nhà bếp. Phần lớn cây trồng đều cần ánh sáng Mặt Trời để quang hợp và sinh trưởng. Bệ cửa sổ là nơi lý tưởng để bài trí cây xanh trong gian bếp. Nếu không có cửa sổ, bạn có thể bổ sung hệ thống chiếu sáng cho cây. Ngoài ra, bạn cũng nên mang cây ra ngoài tắm nắng thường xuyên để chúng phát triển tốt hơn. Đối với những loại cây chỉ ưa bóng râm như lan ý, trầu bà vàng, lưỡi hổ, tỏi rừng... bạn đặt ở nơi khuất nắng hoặc có thêm rèm che chắn. Ảnh: Flickr.

Về mặt phong thủy, bếp có vai trò quyết định sự thịnh vượng, nguồn tài lộc của cả nhà. Để góp phần tăng năng lượng tích cực cho bếp, nhiều người chọn trồng cây phong thủy. Việc quyết định chọn loại cây gì, màu sắc và bày trí như thế nào phụ thuộc vào mệnh của mỗi người. Ảnh: The Kitchn.

Tiếp đến là các loại cây nên trồng trong nhà bếp. Bạn có thể chọn cây dễ trồng, tồn tại được ở nơi có nhiệt độ cao, thiếu sáng như lô hội, lan y, trầu bà, lưỡi hổ... Cây gia vị như húng quế, cỏ chanh, rau ngổ, ngò rí, mùi tây, hành lá... vừa trang trí vừa sử dụng chế biến món ăn. Một số cây thực phẩm nhỏ như rau bina, tỏi, gừng, cà chua bi... cũng là gợi ý hay. Bên cạnh đó, cây có hương sắc như lavender, hương thảo, bạc hà, hoa phong tử... tạo cảm giác thư giãn, hài hòa cho căn bếp, đồng thời giúp khử mùi thức ăn, dầu mỡ. Ngoài ra, những loại cây có tác dụng thanh lọc không khí, hấp thụ cacbonic, lọc khí gas và một số khí độc từ các chất tẩy rửa như thường xuân, dương xỉ, lan ý, hành tây… cũng rất cần thiết. Ảnh: Pinterest.

Nếu bếp có quá nhiều cây sẽ là không gian thuận lợi cho côn trùng, nấm mốc phát triển. Việc kết hợp các loại cây phù hợp có thể giúp bạn khắc phục được điều này. Một vài tổ hợp cây được nhiều người áp dụng là húng quế - hẹ - tiêu với vị cay nồng của tiêu giúp ngăn chặn cỏ dại phát triển trong chậu. Tổ hợp cà tím - đậu - húng tây - rau bina chung sống hòa hợp, cây họ đậu cung cấp nitơ cho cà tím, húng tây giúp đuổi côn trùng và rau bina triệt tiêu cỏ dại. Ảnh: The Gazette.

Vị trí đặt cây cũng là điều bạn cần lưu ý. Mỗi vị trí trong gian bếp phù hợp với loại cây có đặc điểm và kích thước khác nhau. Bàn ăn bày trí với lọ hoa tươi. Chậu cây cảnh thân mảnh có kích thước vừa phải đặt dưới sàn bếp, ở góc trống hoặc sát tường. Khu vực kệ bếp trở nên sinh động, bắt mắt hơn với một vài cây có màu sắc tươi sáng. Trong khi bức tường với giá treo ngập tràn sắc xanh là giải pháp lý tưởng mang thiên nhiên vào không gian sống chật hẹp. Đặc biệt, bậu cửa sổ đón ánh sáng tự nhiên. Ảnh: Ikea.

Cùng với đó, bạn nên tránh trồng một số loại cây trong bếp như cây có thể phát triển quá lớn, lan rộng hoặc có thành phần độc hại mặc dù chúng đẹp, lọc không khí khá tốt hay mang ý nghĩa phong thủy. Các loại cây độc với phòng bếp phổ biển có thể kể đến như vạn niên thanh, hoa thiên điểu, lan quân tử, hồng môn… Một số cây dễ rụng lá, hoa như trúc nhật, mai vạn phúc… cũng không nên trồng trong nơi có không gian hạn chế như bếp. Ảnh: Completehome.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP