Giáo dục

Nghị lực sống của thầy giáo cao 1m17

Câu chuyện của thầy giáo Nguyễn Văn Hùng - giảng viên môn Tin học tại Trung tâm Nghị lực sống sẽ khiến nhiều người xúc động. Dù bị khuyết tật nhưng thầy Nguyễn Văn Hùng luôn mang trong mình một nghị lực sống mạnh mẽ.

Bên cạnh công việc giảng dạy, thầy Hùng còn tham gia Dự án 'Thu hẹp khoảng cách với người khuyết tật' và đặc biệt hơn, thầy còn có một câu chuyện cổ tích về tình yêu khiến nhiều người cảm động.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng hiện là giảng viên môn Tin học tại Trung tâm Nghị lực sống

“Khi mẹ mất, ai sẽ lo cho Hùng?”

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, Nguyễn Văn Hùng sớm phải chịu nhiều thiệt thòi khi mang trong mình căn bệnh lùn tuyến yên khiến thể trạng nhỏ bé, yếu ớt. Căn bệnh lùn tuyến yên khiến thầy giáo Nguyễn Văn Hùng dù đã 33 tuổi nhưng chỉ cao 1m17, nặng 19kg, giọng nói cũng nhỏ nhẹ như một cậu bé.

Những khiếm khuyết trên cơ thể tưởng như sẽ khiến anh mặc cảm, gục ngã, nhưng không, anh đã vượt qua tất cả những khó khăn bằng nghị lực cùng tinh thần lạc quan của mình. Tuổi thơ của anh lớn lên trong sự trêu chọc, bắt nạt, kỳ thị của bạn bè và những ánh mắt ái ngại của những người xung quanh. “Khi đi học tôi hay bị các bạn trêu chọc. Những lúc như thế, tôi hay ngồi một mình khóc nhưng không để cho bố mẹ biết, sợ mọi người lo lắng và buồn hơn” - anh Hùng kể lại.

Nỗi đau bắt đầu ập đến khi mẹ anh Hùng qua đời vì tai biến. Anh nhớ như in lời mẹ nói với mình trên giường bệnh, rằng mẹ chỉ lo khi mẹ đi rồi ai sẽ là người chăm sóc cho anh, anh nhỏ bé như vậy liệu có làm được việc gì? “Mẹ bảo, mẹ chỉ lo sau này Hùng bé như thế sẽ không làm được gì, không biết tương lai sau này, khi mẹ mất, ai sẽ lo cho Hùng? Những điều đấy mình luôn nhớ trong lòng” - anh Hùng rưng rưng kể.

“Trước kia tôi hay có tư tưởng, mình là người khuyết tật phải được ưu tiên, được quan tâm, ưu ái hơn chứ nhưng từ khi ra Hà Nội làm, tiếp xúc rất nhiều các bạn khuyết tật có hoàn cảnh hơn mình, mình thấy mình quá may mắn vì mình còn đi được, nhìn được. Giờ trong suy nghĩ, tôi phải luôn cố gắng, muốn có vị trí mọi cái phải cân bằng nhau, ai có năng lực thì mới được làm, không có sự ưu tiên”.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng

Với niềm đam mê kiến thức, bỏ qua những dè bỉu, kỳ thị, không phụ lòng mẹ, anh Hùng quyết tâm học và sau khi tốt nghiệp THPT ở Nghệ An, anh đã thi đỗ trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học ở Đồng Nai. Sau khi tốt nghiệp, anh Hùng ra Hà Nội, làm việc tại Trung tâm Nghị lực sống. Ở đây, hàng ngày thầy Hùng đảm nhận công việc dạy các bạn trẻ khuyết tật bộ môn Công nghệ thông tin.

“Trước kia tôi hay có tư tưởng, mình là người khuyết tật phải được ưu tiên, được quan tâm, ưu ái hơn chứ nhưng từ khi ra Hà Nội làm, tiếp xúc rất nhiều các bạn khuyết tật có hoàn cảnh hơn mình, mình thấy mình quá may mắn vì mình còn đi được, nhìn được. Giờ trong suy nghĩ, tôi phải luôn cố gắng, muốn có vị trí mọi cái phải cân bằng nhau, ai có năng lực thì mới được làm, không có sự ưu tiên” - anh Hùng chia sẻ.

Hạnh phúc đơn sơ ở Trung tâm Nghị lực sống

May mắn hơn, cũng chính nơi đây anh Hùng gặp được nửa kia của cuộc đời mình. Bạn gái anh Hùng cũng là người khuyết tật với chiều cao cũng không nhỉnh hơn anh là mấy. Họ gặp nhau ở Trung tâm Nghị lực sống. “Hai đứa chúng tôi ra bờ Hồ ngồi nói chuyện với nhau. Các bác đi qua tưởng hai đứa nhỏ ở đâu, không có mẹ sợ rơi xuống hồ”, anh Hùng chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ. Giờ họ vẫn hàng ngày đưa đón nhau đi làm. Vẫn vui vẻ bên nhau, cùng nhau làm việc. Hạnh phúc bình dị đơn sơ ấy không phải ai cũng có được…

Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng đã gặp được nửa kia của cuộc đời mình tại Trung tâm Nghị lực sống

Anh Hùng nói: “Hạnh phúc đối với người bình thường đã khó thì với người khuyết tật càng khó khăn hơn. Đối với tôi, sự khiếm khuyết ấy không ảnh hưởng đến hạnh phúc của hai người, chủ yếu mình tìm được cho mình một người phù hợp, có thể đồng cảm, chia sẻ cùng mình, như thế mới hạnh phúc được”.

Là người khuyết tật, anh Hùng hiểu hơn ai hết những nỗi khó khăn, khổ tâm của những người khuyết tật. Anh nhắn nhủ tới những người cùng cảnh ngộ, rằng hãy đừng sợ hãi, hãy vượt qua rào cản, hãy đưa tay ra để được nắm lấy. “Hãy vượt qua rào cản, nỗi sợ hãi của bản thân mình để đi ra ngoài. Ở ngoài, có rất nhiều người đưa tay ra đón các bạn. Nếu các bạn không vượt qua được rào cản ấy, không nói lên được khó khăn của mình, những người ấy không biết giúp bạn bằng cách nào cả” - anh Hùng chia sẻ.

Tác giả: Phú Khánh

Nguồn tin: Báo An ninh Thủ đô

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP