Cuộc sống

Nghị lực của cô gái 25 tuổi bị mắc bệnh ung thư xương

Tôi khóc, tôi nghĩ mình "ra đi", con trai tôi sẽ chẳng còn mẹ, tôi nghĩ tới bố mẹ mình khi chứng kiến cảnh “lá xanh rụng trước lá vàng”.

Tôi sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo ở Nghệ An. Từ nhỏ cuộc sống không có gì đầy đủ, khi cha mẹ đều vất vả làm nông, chưa kể tôi lại là con lớn trong gia đình có 5 chị em đang tuổi ăn học. Dù thế, cha mẹ vẫn có gắng làm lụng để chị em tôi có cuộc sống đàng hoàng, bằng bạn bằng bè.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi về quê nộp đơn xin việc, hạnh phúc vỡ òa khi tôi được nhận vào làm cho một cơ quan nhà nước. Sau khi công việc ổn định, tôi lấy chồng và sinh con trai đầu lòng.

Có thể nói rằng, với một người con gái sinh ra ở quê như tôi, được sống gần cha, mẹ, lấy chồng gần nhà, sinh được con trai đầu lòng là giấc mơ nhiều người mong ước. Những tưởng như thế là hạnh phúc, nhưng rồi bao giấc mộng tan vỡ khi vừa chào đón sinh nhật tuổi 25, khi con trai đang ấm sữa mẹ tôi phát hiện mình thường xuyên đau đầu, chóng mặt.
Thế là tôi tự nhủ, tôi phải cố gắng, tôi tự tin mình sẽ là người đầu tiên dám "đấu tranh" với K xương (Ảnh: NVCC)

Đi khám, tôi được chẩn đoán Ung thư xương (K xương) giai đoạn cuối, điều mà tôi chưa bao giờ có khái niệm trong đầu. Tôi đau đớn gục ngã, nhiều lúc còn uất hận nghĩ rằng tại sao ông trời lại bất công, bạc bẽo cho số phận của mình như vậy. Khi cầm kết quả xét nghiệm, tôi đã khóc rất nhiều, tôi nghĩ tới con, nghĩ tới người chồng đang làm ăn xa, rồi tôi nghĩ tới cha mẹ ở quê nắng mưa tảo tần…Sau đó, tôi lên mạng tìm hiểu về K xương và tôi biết hi vọng sống của mình rất mong manh.

Tôi khóc, tôi nghĩ mình "ra đi", con trai tôi sẽ chẳng còn mẹ, tôi nghĩ tới bố mẹ mình khi chứng kiến cảnh “lá xanh rụng trước lá vàng”. Thế là tôi tự nhủ, tôi phải cố gắng, tôi tự tin mình sẽ là người đầu tiên dám "đấu tranh" với K xương.

Trở về Nghệ An, tôi sống vui vẻ, còn bố mẹ tôi khóc rất nhiều. Mẹ tôi không giấu nổi sự đau đớn khi cứ ôm tôi hỏi đủ chuyện, mẹ tôi cứ bảo “bác sĩ nhầm” khi chẩn đoán tôi bị K xương. Còn cha tôi từ ngày biết con gái mắc bệnh, ông không ngủ được, đôi mắt sâu, thâm quầng. Khi đó, tôi từ người mang bệnh, lại phải mạnh mẽ làm chỗ dựa cho cha mẹ mình. Sau khi nghe những lời tôi nói, bố mẹ tôi dần lấy lại được tinh thần, mẹ đưa tôi trở lại viện K3 (Tân Triều- Hà Nội) và bắt đầu hành trình điều trị.

Những ngày ở khoa Nhi tôi bắt gặp những ánh mắt của em thơ chưa biết cuộc sống là thế nào, đang nằm trong vòng tay của cha mẹ ẵm bế từng ngày. Hay những cô cậu 15, đôi mươi đang tuổi đẹp nhất cuộc đời cũng mất cánh tay, hay cụt 1 chân do bệnh K xương. Rồi khuôn mặt của những người thân, họ thẫn thờ, héo hon cầu mong một phép màu sẽ đến với những người bệnh. Bất chợt, nhìn xuống tôi thấy mình còn may mắn hơn các em khi cơ thể còn lạnh lặn.

Các em còn ít tuổi, các em chưa hình dung được những gì đang xảy ra với mình nên vẫn vô tư, yêu đời. Thấy những nụ cười hồn nhiên, yêu đời của các em mà tôi tan biến một phần u ám. Tôi tự nhủ mình phải gắng vì các em còn làm được sao mình không thể? Rồi tôi may mắn gặp được bác sĩ nhiệt tình, ân cần, chính bác sĩ là người đã động viên tôi, khuyên tôi cố gắng. Tôi nhớ, những lời chị nói về tôi về một tương lai tươi sáng bên con trai. Chính điều đó khiến tôi tự tin và có động lực hơn trong hành trình tìm lại sự sống của mình.

Quá trình điều trị đôi lúc tôi cảm thấy mệt mỏi vô cùng, mỗi đợt chuyền hóa chất tôi rụng rời chân tay, tóc tôi cũng rụng hết, tôi cảm thấy sợ khi nghe tới hai từ "hóa chất”. Nhưng có anh, em luôn bên cạnh, cha mẹ lo lắng, tôi tự động viên: "Mình không vì thế mà gục ngã, phải có hi vọng chứ. Phải mạnh mẽ để người thương yêu mình không buồn". Còn chồng tôi nữa, anh cũng rất thiệt thòi khi phải xa vợ trẻ, con thơ để đến vùng đất xứ người làm ăn, kiếm thêm thu nhập.

Tôi biết anh suy nghĩ rất nhiều, thương anh lắm, tôi phải vững tâm để anh còn yên tâm. Rồi con của chúng tôi, nó cần có một người mẹ để lo lắng, tôi phải trải qua những cơn đau hành hạ của khối u, hay những cuộc phâu thuật cắt bỏ chân, rồi sợ nhất là những chai hóa chất mà bất kể bệnh nhân nào cũng phải cần tới nó.

Giờ đây, tôi đã ra viện được vài tháng, vẫn đến hẹn đi khám định kỳ, tôi tự tin mang trên mình đôi nạng gỗ để di chuyển, lòng tự nhủ "cố gắng lên", dù biết cuộc sống phía trước sẽ rất khó khăn. Rất may tôi được sự quan tâm chia sẻ của chồng, gia đình. Rồi đồng nghiệp, họ san sẻ với tôi những lúc khó khăn. Thật lòng tôi cảm ơn mọi người rất nhiều!

Tác giả bài viết: Phương VY

Nguồn tin:

  Từ khóa: bố mẹ ,ra đi ,chứng kiến

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP