Giáo dục

Nghệ An: Đến tận nhà ôn tập cho học sinh

Không sóng điện thoại, không điện lưới, nhiều điểm trường ở huyện vùng cao Nghệ An không thể dạy - học trực tuyến khi nghỉ phòng dịch bệnh COVID-19.

Giáo viên Vi Văn Tuân (bản Cà Moong xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) đi thuyền đến nhà ôn tập cho học sinh - Ảnh: ĐÀO THỌ

Dù được tập huấn về chương trình dạy học trực tuyến nhưng ở đây chúng tôi chẳng thể áp dụng được bởi điều kiện thiếu thốn, đường đi đã khó, điện lưới không có, sóng điện thoại cũng không.

Thầy Nguyễn Quốc Hội

Và nhiều giáo viên đã băng rừng, vượt sông suối đến từng nhà ôn tập cho học sinh.

Sợ học sinh quên mặt chữ

Có mặt tại bản Đống (xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn) những ngày học sinh nghỉ phòng dịch COVID-19, chúng tôi bắt gặp từng nhóm giáo viên Trường THCS Tây Sơn chuẩn bị từng tập đề cương ôn tập cho học sinh. Đây là điểm trường cách trung tâm xã hơn 20km và được xem là nơi khó khăn nhất của xã này.

Ở độ cao hơn 1.600m so với mực nước biển, mùa này khí hậu nơi đây vẫn lạnh buốt. Học sinh được nghỉ nhưng giáo viên cắm bản vẫn không rời trường. Họ ở lại vệ sinh trường lớp, chuẩn bị cho các nhân viên y tế phun thuốc khử trùng và chăm lo ôn tập cho học sinh.

Thầy giáo Nguyễn Hồ Quang - 20 năm cắm bản - cho hay do không có điện lưới nên dân bản phải dùng điện chạy bằng tuabin nước để thắp sáng. Thời gian nghỉ kéo dài ba tuần, sợ học sinh về nhà quên hết mặt chữ nên giáo viên vượt rừng xuống thị trấn Mường Xén photocopy đề cương ôn tập.

"Đặc điểm của học sinh người Mông nơi đây là hễ được nghỉ thì các em đều theo bố mẹ lên nương rẫy, rất dễ hổng kiến thức. Mùa này sương mù dày đặc, đường dốc đứng, trơn trượt nhưng chúng tôi vẫn phân công nhau hằng ngày đến tận nhà chỉ bảo và ôn tập cho các em" - thầy Quang chia sẻ.

Chèo thuyền đến nhà học sinh

Trong khi đó, tại điểm trường bản Kèo Pà Tú của xã biên giới Bắc Lý (huyện Kỳ Sơn), nơi có cộng đồng dân tộc người Khơ Mú sinh sống, những thầy cô giáo của Trường tiểu học Bắc Lý 2 hằng ngày vẫn miệt mài ôn tập cho học sinh. Kèo Pà Tú là điểm bản khiến nhiều người e ngại bởi đường vào đây rất hiểm trở, nhất là mùa mưa. Chân mang ủng, tay ôm tập đề cương vừa mới chuẩn bị xong, thầy Nguyễn Quốc Hội cười bảo: "Nhiều hôm tới bản ngã lên ngã xuống mấy lần, nhưng vì các em nên mình phải cố gắng".

Không chỉ cuốc bộ tới nhà học sinh, nhiều giáo viên tại huyện Tương Dương còn phải chèo thuyền đến nhà để củng cố kiến thức cho các em. Hai điểm trường Cà Moong, Xốp Cháo (xã Lượng Minh) được ví như "ốc đảo" bên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Muốn đến được các điểm trường này có hai con đường: đường bộ phải qua nhiều ngọn núi và khe suối nhưng sạt lở rất khó khăn và nguy hiểm. Còn đường thủy thì xuất phát từ bến trên thượng lưu ở nhà máy thủy điện mất chừng 40 phút. Hầu hết các giáo viên dạy học ở đây đều chọn cách đi thuyền để đảm bảo an toàn.

Điểm bản Xốp Cháo năm nay có 3 lớp với hơn 50 học sinh. Trong đó, có nhiều em ở rải rác bên sông Nậm Nơn, cách trường khá xa, rất vất vả trong việc đi lại. Thầy Nguyễn Văn Thanh - hiệu trưởng Trường tiểu học Lượng Minh - cho biết: "Những ngày nghỉ phòng COVID-19, hằng ngày nhà trường đều phân công giáo viên tới từng cụm để ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Muốn đến được nhà học sinh, thầy cô cũng phải tự chèo thuyền hoặc thuê thuyền của dân để đi...".

Không thể dạy trực tuyến

Giáo viên (ở Kèo Pà Tú, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đến tận nhà ôn tập cho học sinh - Ảnh: ĐÀO THỌ

Ông Phan Văn Thiết - trưởng Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn - cho hay: "Hầu hết các nhà trường đều đã được tập huấn về công tác tổ chức dạy học trực tuyến, song phần lớn các xã điều kiện còn khó khăn nên việc thực hiện là điều không thể. Do đó, ngay từ lúc bắt đầu nghỉ học, chúng tôi đã đề ra kế hoạch tổ chức dạy ôn cho học sinh tại từng điểm bản. Đến nay các trường đều thực hiện rất tốt".

Tác giả: Đào Thọ

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP