Giáo dục

Loại bỏ đặc quyền sẽ xóa được 'lạm phát' giáo sư

Trở thành giáo sư mức lương tăng gần gấp đôi, nhiều quyền lợi khác cũng tăng nên nhiều người tìm mọi cách đạt được.

TS Trịnh Thái Bình, chuyên gia nhân sự tại Paris (Pháp) chia sẻ quan điểm về việc xét công nhận đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam.

Gần đây những lùm xùm xung quanh việc xét công nhận giáo sư đã làm dấy lên nhiều tranh luận. Mọi người đều công nhận rằng có nhiều giáo sư, phó giáo sư là tốt cho đất nước nếu nó thực chất và hiệu quả. Vậy làm thế nào để có thực chất và hiệu quả?

Đây là vấn đề của quản lý con người và chính sách. Nếu thay đổi chính sách quản lý con người thì mọi việc sẽ thay đổi. Tôi xin được đóng góp một vài ý kiến trong vấn đề này.

Công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư - nên giao về các đại học

Hiện nay quy trình công nhận và bổ nhiệm tưởng như rất kín kẽ, chặt chẽ nhưng nhiều nhà khoa học đã chỉ ra những điểm bất cập ở đó mà trong bài này tôi không nhắc lại. Tôi chỉ đóng góp rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên phân cấp theo lộ trình của tự chủ đại học. Trong đó Bộ nên xây dựng các tiêu chí chuẩn, thực chất, tiếp cận với các nước phát triển. Vấn đề xem xét, chấm điểm, công nhận và bổ nhiệm gắn với sử dụng nên giao lại cho các trường.

Hiện nay, Hội đồng cấp Nhà nước vẫn quản nhưng xem xét, chấm điển thì lại phân cấp dẫn đến chất lượng yếu kém và tiêu cực nếu có thì ở cấp dưới, nhưng trách nhiệm và búa rìu dư luận lại do Bộ gánh chịu. Ở đây, có người sẽ lo ngại nếu giao cho các trường thì sẽ dẫn đến tràn lan, khó quản lý. Tuy nhiên, nếu gắn việc xét đạt, công nhận đi đôi với sử dụng, giao trách nhiệm và đãi ngộ thì mọi việc sẽ khác.

Thay đổi việc sử dụng và đãi ngộ đối với những người có học hàm

Một trong những lý do chạy đua học hàm dẫn đến chưa minh bạch là do việc sử dụng và đãi ngộ chưa gắn với thực tế công việc. Việc những người có học hàm đương nhiên có đặc quyền đặc lợi dẫn đến tiêu cực và không thực chất.

Giải pháp thứ nhất là cần thay đổi việc công nhận, bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư. Trước hết, nên khẳng định giáo sư là một chức danh khoa học, chứ không là phẩm hàm. Chức danh khoa học gắn với chức danh trong công việc. Đã là chức danh thì bổ nhiệm có thời hạn và được hưởng chế độ theo chức danh đó. Hết chức danh công việc và chức danh khoa học thì hết quyền lợi.

Giáo sư không phải là chức danh cả đời, đến lúc chết. Những giáo sư không thực chất, không có cống hiến sẽ không được tiếp tục bổ nhiệm. Người không còn làm khoa học và giáo dục, hết hời gian bổ nhiệm thì không còn là giáo sư nữa. Điều này tránh được tình trạng làm quản lý hành chính hay giữ chức vụ chính quyền cũng là giáo sư.

Giải pháp thứ hai là cần thay đổi việc tăng lương cho người có học hàm. Thực tế do chỉ cần đạt được học hàm là đương nhiên mức lương được tăng lên gần gấp đôi, chế độ từ giảng dạy và nhiều quyền lợi khác tăng lên khiến nhiều người cố sống cố chết tìm mọi cách đạt được học hàm mà lại thiếu thực chất.

Thực tế cho thấy tuy nhiều giáo sư, phó giáo sư, nhưng chất lượng khoa học đóng góp cho đời sống cũng như số lượng công bố quốc tế, sáng chế của Việt Nam rất thấp. Nhiều người sau khi đạt được học hàm để có được mức lương cao trọn đời thì không có sách, không có bài báo, cũng chẳng có đóng góp gì.

Người được phong giáo sư, phó giáo sư chất lượng giảng dạy, nghiên cứu vẫn thế, trách nhiệm cũng không thay đổi mà lương lại nghiễm nhiên được tăng lên, hưởng thụ đến già. Mâu thuẫn giữa thụ hưởng và đóng góp của những người có học hàm chính là căn nguyên gây ra sự phản ứng của xã hội.

TS Trịnh Thái Bình đề nghị giao việc xét công nhận, bổ nhiệm giáo sư về các trường đại học, gắn trách nhiệm với trường. Ảnh minh họa.

Nếu bỏ đặc quyền và tăng trách nhiệm của người có học hàm thì mọi việc sẽ thay đổi. Nên bỏ tăng lương theo học hàm và giao cho các trường tự chủ vấn đề này. Các trường đại học được giao xem xét, công nhận và bổ nhiệm vị trí giáo sư, phó giáo sư gắn với vị trí việc làm quản lý trong trường (và chịu trách nhiệm trước Bộ), tự chủ việc tăng lương, phụ cấp cho người đó. Khi không còn là giáo sư thì hết bổng lộc.

Làm được điều này thì các hội đồng cơ sở sẽ phải cân nhắc kỹ trước khi xem xét, công nhận và bổ nhiệm vì sẽ phải tự lo trả lương. Nếu công nhận và bổ nhiệm tràn lan, không có chất lượng thì phải trả lương nhiều mà hiệu quả kém. Bên cạnh đó nhiều ứng viên sẽ thay đổi suy nghĩ, không sống chết để có học hàm giáo sư, phó giáo sư nữa.

Để làm được điều này không dễ vì đụng chạm đến quyền lợi của nhiều người và cần sự chung tay của các bộ Nội vụ, Tài chính và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Nhưng tôi tin rằng đây là một trong những điểm quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết số 29 “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội rất quan tâm. Làm được điều này sẽ là cuộc cách mạng lớn không chỉ trong công tác học hàm mà sẽ thay đổi và nâng tầm chất lượng giáo dục Việt Nam.

Ngày 2/2, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Số người đạt tiêu chuẩn năm nay gấp 1,7 lần năm 2016 và 2,3 lần năm 2015 khiến dư luận nghi ngại chất lượng của ứng viên trong "chuyến tàu vét" trước khi có quy định tiêu chuẩn mới.

Ngày 8/2, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục - Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước - xem xét, rà soát kỹ lưỡng đảm bảo chất lượng xét công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2017.

Ngày 6/3, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố quyết định của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng công nhận 1.131 người đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Một người xin rút, 94 người còn lại, trong đó có nhiều quan chức, đang chờ xác minh do chưa đủ tiêu chuẩn, có đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Tác giả: TS Trịnh Thái Bình

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: phó giáo sư ,giáo sư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP