Kinh tế

Livestream thuê thu trăm triệu mùa tết

Bật điện thoại livestream về quần áo, mỹ phẩm hay tới trung tâm thương mại, nhà hàng… kể trải nghiệm của mình, nhiều bạn trẻ nhận được thù lao đến hàng chục triệu đồng/lần.

Một lớp học livestream ở TP.HCM - Ảnh: B.MAI

Thay vì tuyển nhân viên tràn ra đường, cận tết, nhiều cửa hàng đang rầm rộ tuyển nhân viên livestream (phát trực tuyến) hoạt ngôn, ngoại hình đẹp để bán hàng trực tuyến với tiền công phổ biến từ 300.000 - 1 triệu đồng/giờ. Đã hình thành đội ngũ chuyên làm việc này.

Thu trăm triệu từ livestream

"Hello cả nhà, mọi người cho mình một like, một share với một bình luận nha. Cuối năm rồi, mong mọi điều suôn sẻ sẽ đến trong năm mới", đó là lời chào mở màn buổi livestream của cô gái Lê Ngọc Phương Quỳnh (22 tuổi), một gương mặt quen thuộc với nhiều bạn trẻ và đang sở hữu trang Facebook gần 500.000 người theo dõi.

Hẹn gặp Quỳnh, cô gái gây ấn tượng với vẻ ngoài ngây thơ, giọng nói ngọt ngào. Quỳnh tiết lộ: gần tết công suất làm việc tăng 2-3 lần so với mọi ngày. Ngoài phát video trên Facebook cá nhân, Quỳnh còn diện đầm đẹp hay áo dài để tới cửa hàng, thẩm mỹ viện, trung tâm thương mại... để livestream trải nghiệm thực tế, chụp hình quảng cáo.

"Hồi trước còn lóng ngóng chưa biết điều chỉnh webcam, mình phải dành cả tiếng để lên kịch bản, rồi cả tiếng trang điểm, chọn quần áo. Nhưng giờ quen rồi, làm nhanh" - Quỳnh vui vẻ nói nhưng cho hay với sản phẩm mới, bạn phải cẩn thận kiểm tra kỹ, thậm chí tự trải nghiệm một thời gian rồi mới dám giới thiệu cho khách.

Quỳnh tính tết này sẽ livestream đến 29 tháng chạp. Riêng 30 và mùng 1 sẽ đăng ảnh để duy trì tương tác, mùng 2 bắt đầu livestream lại. "Tết mọi người có nhiều thời gian rảnh, mình phải tranh thủ vào trò chuyện, tăng tương tác. Fan ủng hộ thì mới có nhiều cơ hội" - Quỳnh tính toán và ước tính đợt tết này sẽ kiếm được cỡ 70-100 triệu đồng.

Hiện trên Facebook có hàng trăm nhóm tuyển dụng việc làm livestream, thu hút từ 10.000-150.000 thành viên tham gia. Các bạn trẻ có nhiều fan như Quỳnh thường gia nhập một công ty để được sắp xếp công việc, lịch trình bài bản.

Chỉ mới là sinh viên năm 2 tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng nhưng Nguyễn Anh Bảo Chấn đã có gần 1 năm kinh nghiệm quản lý các bạn trẻ chuyên livestream bán hàng: "Giờ nhiều sinh viên làm việc này chứ không chỉ đi bưng bê phục vụ, bán quần áo. Thu nhập nghề này cao, mỗi tháng kiếm từ 20-100 triệu trở lên nhưng các bạn nữ được tuyển chọn thường phải có gương mặt dễ thương hoặc thân hình quyến rũ, biết đàn, hát... Nam thì cần duyên ăn nói, hài hước, khuấy động không khí".

Phương Quỳnh chuẩn bị livestream bán hàng- Ảnh: B.MAI

Kéo nhau đi học livestream

Bên cạnh các bạn trẻ tự rèn luyện kỹ năng, hiện đã có doanh nghiệp nhảy ra đào tạo nghề livestream để bán hàng thuê hoặc bán cho chính mình.

8h sáng một ngày đầu tháng 1-2021, ở phòng tổ chức sự kiện tại một khách sạn lớn ở Q.5 (TP.HCM), gần 100 người từ 25-40 tuổi kéo đến tham gia "Khóa học livestream bán hàng cơ bản".

Trong ba ngày, các học viên sẽ phải học cách thức chuẩn bị buổi livestream, xây dựng kịch bản bán hàng đúng và chuẩn, các công cụ quản trị trang bán hàng, cách tăng like, trình diễn trước ống kính, cách chốt đơn...

Kết thúc lớp học, học viên được sát hạch để cấp chứng chỉ, cam kết giới thiệu việc làm, học viên xuất sắc sẽ được bồi dưỡng thành người nổi tiếng, "hiện tượng" tạo doanh số cao. Lớp học này của Học viện livestream NextOn.

Tại buổi khai giảng vừa diễn ra, ông Nguyễn Hòa Bình (chủ tịch Tập đoàn NextTech) cho rằng quảng cáo, bán hàng qua video giúp tăng tương tác, đẩy doanh số so với các hình thức khác. Mà tương lai của video chính là livestream.

Dù hiệu quả, nhưng một hiện trạng tồn tại trong giới livestream ở VN là tâm lý e ngại, xấu hổ. Tuy nhiên theo ông Bình, sau dịch COVID-19 thì đây sẽ là một nghề chính thức, mở ra cơ hội cho tất cả mọi người, giúp một nhà hàng giới thiệu và bán hàng ngay trong bếp, giúp nông dân bán nông sản tại vườn mà không phải qua trung gian. Người yếu thế cũng có khả năng làm nghề này.

Chi tiền tỉ thuê người livestream bán hàng

Sở hữu mạng lưới hơn 3.000 influencer (người có tầm ảnh hưởng) với lượng người hâm mộ lớn, chuyên đăng hình, video, livestream quảng cáo, có kinh nghiệm chạy chiến dịch cho hơn 300 nhãn hàng, ông Andy Nguyễn (CEO 7Saturday) cho hay tết năm nay vẫn có nhiều doanh nghiệp tăng ngân sách để quảng cáo, đẩy doanh số qua công ty mình. Nhiều nhãn hàng mỹ phẩm, công nghệ, tiêu dùng nhanh... chi từ 100-300 triệu đồng/chiến dịch tết, tập đoàn lớn có thể chi từ 2 tỉ đồng trở lên. Với nhu cầu tăng mạnh, các influener bận rộn hơn nên khách hàng cần đặt lịch trước, tránh chồng chéo.

Theo ông Andy, thị trường thuê người có tầm ảnh hưởng để quảng bá, bán sản phẩm đang phát triển mạnh. Hai năm trước, một chiến dịch sử dụng vài chục người là tương đối, nhưng hiện tại có những chiến dịch lên đến hàng nghìn influencer tham gia. Quy mô thị trường đã đạt khoảng 70 triệu USD. Tại Trung Quốc, mảng kinh tế này đạt 15 tỉ USD và còn phát triển hơn nữa trong tương lai.

Ông Andy cũng cho biết với giải pháp quảng bá mới này, người chi tiền có thể dùng công cụ đo lường, giám sát hiệu quả theo thời gian thực, biết khúc nào tốt, không tốt rồi tối ưu, đồng thời chọn influencer phù hợp để tái hợp đồng. Nhờ các công cụ này, thời gian triển khai một chiến dịch giảm một nửa, chi phí giảm từ 30-50%, đáp ứng quy mô chiến dịch lên đến hàng ngàn người.

Từng làm việc ở Mỹ và Úc, ông Rufus Chang (giám đốc Công ty Apow Live VN) quyết định chuyển đến VN để phát triển nghề livestream. Đánh giá cao tiềm năng của các bạn trẻ Việt trong công việc này, ông Rufus tự tin về sự phát triển khi cho hay: "Nhiều khách hàng tăng ngân sách từ 20-40% để dùng người có ảnh hưởng quảng bá, bán sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, phân phối mỹ phẩm nước ngoài đang nỗ lực đưa sản phẩm vào VN, thông qua người có tầm ảnh hưởng để livestream quảng bá bán hàng"...

Phát triển nhanh, đa dạng lựa chọn

Bên cạnh các mega-influencer (trên 1 triệu fan), macro-influencer (trên 100.000 fan), thì các micro-influencer (dưới 100.000 fan), nano-influencer (dưới 10.000 fan) cũng lên ngôi. Dù không có lượng theo dõi vượt trội, những người này lại thân thiết hơn với fan, nhóm fan tập trung hơn, nên nhãn hàng chọn theo ngách của thị trường, nhóm này cũng có chi phí phù hợp với doanh nghiệp SME (vừa và nhỏ).

Dịp tết, các mega/macro-influencer nhận được từ 50-100 triệu đồng cho mỗi bài đăng kèm ảnh chụp/video có sản phẩm, chia sẻ bài viết từ trang của nhãn hàng. Ngoài ra, nhóm này cũng nhận tiền từ việc làm đại sứ thương hiệu, YouTube trả phí, hoa hồng từ bán hàng… nên thu nhập hàng tỉ đồng là bình thường. Nhóm micro, nano cũng nhận được mức thu nhập tốt, đạt từ 20-30 triệu đồng/tháng.

Dễ chịu nên thu hút khách

Nhiều người nhận định việc livestream bán hàng có những ưu điểm rất đáng giá. Là một khách hàng thường xuyên mua hàng qua livestream, chị Nguyễn Thanh Trúc (29 tuổi, ở TP.HCM) cho biết: "Mua hàng theo cách này được cái là mình vừa bình luận hỏi thông tin thì nhân viên trả lời ngay lập tức, không phải chờ đợi như mua hàng trên trang thương mại điện tử. Nhiều bạn bán hàng hoạt bát, nói chuyện có duyên, lâu lâu còn tâm sự, hát hò dễ thương. Chỗ nào bán hàng tốt thì mình sẽ mua tiếp...".

Tác giả: Bông Mai

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP