Giáo dục

Lãng phí chứng chỉ ngoại ngữ: “Rối” quy định chứng chỉ, chứng nhận ngoại ngữ, nhà tuyển dụng e ngại chất lượng

Có những người dành cả tuổi thanh xuân để đi học chứng chỉ ngoại ngữ cho đủ hồ sơ bởi mỗi đơn vị tuyển dụng lại yêu cầu một kiểu. Điều này cũng xuất phát từ thực tế “rối” các quy định chứng chỉ, chứng nhận ngoại ngữ dẫn đến bệnh hình thức, mua bán chứng chỉ nên khiến không ít nhà tuyển dụng e ngại chất lượng.

Chứng chỉ ngoại ngữ do một trung tâm ngoại ngữ ở Bắc Ninh cấp.

Rối quy định

Hiện tại ở Việt Nam có quá nhiều loại chứng chỉ, chứng nhận tiếng Anh như chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam (chứng chỉ A2, B1, B2…), chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên (chứng chỉ A, B, C… mới dừng cấp mới từ 15.1.2020).

Bên cạnh đó, có 4 loại chứng chỉ tiếng Anh quốc tế được công nhận rộng rãi nhất là IELTS, TOEFL, TOEIC và các chứng chỉ của Cambridge (FCE, CAE, CPE).

Chưa kể còn có hiện tượng lẫn lộn chứng chỉ và chứng nhận. Nguyễn Huyền (30 tuổi), học viên cao học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), vì muốn hoàn thiện hồ sơ bảo vệ luận văn thạc sĩ, Huyền phải dành 2 tháng và nộp học phí gần 20 triệu đồng để ôn, thi chứng chỉ B1. Thế nhưng, khi giấy chứng nhận B1 với điểm số khá cao của Trường Đại học Hà Nội đi nộp hồ sơ, thì Huyền mới “té ngửa” đã thi nhầm hệ được quy định.

“Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), về nguyên tắc, giấy chứng nhận trình độ ngoại ngữ không tương đương với chứng chỉ ngoại ngữ vì giấy chứng nhận do trường đại học cấp, theo các quy định của nhà trường; chứng chỉ được cấp theo quy định của Bộ GDĐT. Thế nhưng, với người không chuyên sâu về nội dung này sẽ rất dễ nhầm lẫn, vì vậy, không ít người đã đăng ký thi sai hệ. Cá nhân mình, hiện đã sở hữu 2 tấm chứng chỉ và vẫn sẽ phải đi thi tấm thứ 3” - Nguyễn Huyền chia sẻ.

Chia sẻ về quy định này, Thu Hương - một giáo viên chuyên luyện thi chứng chỉ tại Hà Nội cho biết: Thực tế, đang có sự thiếu nhất quán giữa khái niệm khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc theo chuẩn chung Châu Âu (CEFR - Common European Framework for Reference) và khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam; giữa quy định về chứng nhận và chứng chỉ khiến người học bị bối rối, các đơn vị tuyển dụng cũng không biết quy đổi như thế nào. Ví dụ, điểm IELTS 6,5 theo chuẩn quốc tế là B2 bậc 4. Trên chứng chỉ cũng có ghi rõ B2 nhưng Việt Nam lại quy đổi thành C1 bậc 5 của người Việt. Ngay quy đổi chứng chỉ thành điểm xét tuyển đại học cũng mỗi trường một kiểu, không nhất quán. Điều này dẫn đến thực trạng nơi công nhận nơi không công nhận khiến người học phải bổ sung một chứng chỉ khác nếu muốn được tuyển dụng.

Không mặn mà chứng chỉ trong nước

Theo bà Trịnh Thu Thuỷ - Giám đốc Công ty TNHH TM Experts - chuyên về lĩnh vực tư vấn du học chia sẻ: Những chứng nhận của các trường hoặc Bộ GDĐT thường sẽ phù hợp đối với những công ty mang hình thức nhà nước nhiều hơn, còn đối với những công ty tư nhân và công ty nước ngoài thì họ vẫn đưa ra yêu cầu tuyển dụng ngay từ đầu vào là những bằng cấp quốc tế ví dụ như: IELTS, TOEFL, TOEIC… Các chứng chỉ này đều là chứng chỉ quốc tế, mỗi chứng chỉ thi đều có 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, sẽ phản ánh rõ được năng lực của một ứng viên. Chứng chỉ ở Việt Nam thường hạn chế ở một vài kỹ năng nhất định.

Tương tự, ông Chung Trịnh - Giám đốc Công ty CP Giáo dục TPHCM - cũng cho rằng, các đơn vị ngoài công lập thường ưu tiên những ứng viên có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Nhiều sinh viên mang chứng chỉ trong nước với điểm số khá cao nhưng lại không thể vượt qua vòng phỏng vấn bằng tiếng Anh.

Chứng chỉ nước ngoài “lên ngôi”

Nếu như, chứng chỉ trong nước đang bị “lép vế”, thậm chí từ chối khi tuyển dụng thì chứng chỉ nước ngoài ngày càng được ưa chuộng. Học sinh chỉ cần có thêm các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc chứng chỉ quốc tế như A-level, SAT. Trong quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020 mà Bộ GDĐT vừa ban hành có quy định: Thí sinh sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ nếu có các chứng chỉ quốc tế.

Theo đó, với môn tiếng Anh, nếu thí sinh có chứng chỉ TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 45 điểm hoặc IELTS 4.0 là có thể được miễn bài thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, nếu thí sinh có các chứng chỉ quốc tế tiếng Trung, Nga, Pháp, Nhật, Đức cũng sẽ được miễn thi môn này. Thí sinh được miễn thi ngoại ngữ sẽ được tính 10 điểm cho bài thi này để xét công nhận tốt nghiệp.

Đặc biệt, trong mùa tuyển sinh những năm gần đây, những chứng chỉ này trở thành “giấy thông hành” giúp thí sinh rộng cửa vào nhiều trường đại học uy tín như Đại học Ngoại thương, Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế Quốc dân, các trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM...

Tác giả: HUYÊN NGUYỄN

Nguồn tin: Báo Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP