Kinh tế

Kỳ vọng gì ở cổ phiếu ngành điện?

Các cổ phiếu ngành điện đang có thị giá khá tốt, dù cho quyết định tăng giá điện vừa qua khiến dư luận dậy sóng, phản ứng không đồng tình.

Nhà máy điện mặt trời ở Trung tâm điện lực Vĩnh Tân. Ảnh: PECC2

Tăng tốc thoái vốn

Dự kiến ngày 25/6 tới đây, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức bán đấu giá cổ phiếu của Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 3 (TV3). Tập đoàn Điện lực VN (EVN) hiện là cổ đông lớn nhất công ty này, sở hữu hơn 4 triệu cổ phiếu TV3, tương ứng 48,78% vốn điều lệ. Giá khởi điểm là 76.700 đồng/cổ phiếu, cao hơn nhiều thị giá TV3 hiện nay (40.000 đồng/cổ phiếu). Năm 2019, TV3 đặt kế hoạch doanh thu 390 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 16 tỷ đồng.

Đến ngày 2/7, HNX dự kiến tiếp tục bán đấu giá cổ phiếu của CTCP Tư vấn Xây dựng điện 4 (TV4). Theo đó, EVN bán đấu giá hơn 11,3 triệu cổ phiếu TV4, tương đương 71,6% vốn điều lệ TV4. Giá khởi điểm EVN đưa ra là 59.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền dự kiến thu về khoảng 671 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh của TV4 khá ổn định qua các năm với mức lợi nhuận khoảng 20 - 25 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2019, TV4 đặt kế hoạch doanh thu 235,5 tỷ và lợi nhuận sau thuế 25,1 tỷ đồng. Trên thị trường chứng khoán, TV4 vừa có chuỗi tăng giá khá tốt, từ khoảng 17.000 đồng/cổ phiếu đầu tháng 5, lên mức 26.300 đồng/cổ phiếu (31/5), và hiện ở mức 30.000 đồng/cổ phiếu. Dù vậy, mức giá này vẫn thấp hơn nhiều so với giá khởi điểm mà EVN muốn thoái vốn.

Công tác thoái vốn của EVN diễn ra vài năm qua, đặc biệt đang đẩy nhanh tiến độ trong năm 2019. Theo đề án tái cơ cấu của EVN, giai đoạn 2017 - 2020, EVN phải thoái toàn bộ vốn tại 6 CTCP là: Cơ điện Thủ Đức, Tài chính Điện lực, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh, Phong điện Thuận Bình, Tư vấn Xây dựng Điện 3, Tư vấn Xây dựng Điện 4. Trong đó, EVN đã thoái vốn xong tại CTCP Cơ điện Thủ Đức. Đối với 5 CTCP còn lại, EVN đang xúc tiến các thủ tục theo quy định để tiếp tục thoái vốn trong năm 2019 - 2020.

Cổ phần hóa tiếp diễn

Song song công tác thoái vốn, EVN vẫn tiếp tục cổ phần hóa một số đơn vị trực thuộc tập đoàn. Cụ thể, EVN đã hoàn thành chuyển Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) sang CTCP từ ngày 1/10/2018. Sau đó, cổ phần của EVNGENCO 3 đã được giao dịch trên sàn UpCom với mã PGV. Hiện nay, EVN đang xúc tiến các thủ tục, để cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1), Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO 2)…

Đây là những công ty phát điện chủ lực, nắm trong tay nhiều nhà máy điện lớn trong cả nước như: Nhiệt điện Phú Mỹ, Nhiệt điện Vĩnh Tân, Nhiệt điện Mông Dương, Thủy điện Buôn Kốp (EVNGENCO 3); Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhiệt điện Duyên Hải, Nhiệt điện Uông Bí, Thủy Điện Bản Vẽ, Thủy điện Đại Ninh, Thủy điện Đồng Nai, Thủy điện Sông Tranh (EVNGENCO 1); Nhiệt điện Cần Thơ, Thủy điện Quảng Trị, Thủy điện Sông Bung, Thủy điện An Khê-Kanak (EVNGENCO 2);…

Trong bối cảnh một số dự án nhà máy điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, bị chậm tiến độ, dự báo thiếu điện trong 2 - 3 năm tới là rất cao, dẫn đến khả năng sản lượng điện phát từ các nhà máy điện của các Tổng công ty Phát điện trên là rất lớn, cho thấy giá trị tiềm tàng của cổ phiếu các Tổng công ty Phát điện này.

Kỳ vọng cổ phiếu ngành điện

Ngày 6/6, cổ phiếu TV2 (CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2) vừa chính thức giao dịch trên sàn HoSE, sau khi hủy niêm yết trên HNX từ ngày 28/5. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 157.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, chốt phiên giao dịch cuối cùng ngày 27/5 ở HNX, TV2 có thị giá 160.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn so với giá khởi điểm trên HoSE. TV2 là gương mặt mới trên sàn HoSE, đang kỳ vọng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư hơn nữa, sau gần 10 năm giao dịch trên sàn HNX.

Không chỉ các cổ phiếu điện lực “gốc” EVN, mà cổ phiếu điện lực “gốc” dầu khí cũng có giao dịch rất tốt. Đơn cử như POW (Tổng Công ty Điện lực Dầu khí), mới đây được Tạp chí Forbes công bố lọt vào “Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất” năm 2019. Danh sách do Forbes Việt Nam xếp hạng, lựa chọn các công ty có kết quả kinh doanh tốt nhất, đang niêm yết tại HoSe và HNX. Mặc dù mới xuất hiện trên TTCK nhưng POW đã liên tiếp đạt được những thành công lớn. Mới đây, ngày 14/5/2019, MSCI cũng đã đưa mã POW vào rổ MSCI Frontier Markets Index. Bên cạnh đó, cổ phiếu NT2 (CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2) cũng luôn được nhiều nhà đầu tư quan tâm…

Với sự tham gia của hàng loạt cổ phiếu ngành điện lực trên thị trường, trước hết, nhà đầu tư có thêm sự lựa chọn, cân nhắc trong chiến lược đầu tư của mình. Câu chuyện dư luận thường cáu gắt “giá điện chỉ có tăng, chứ không giảm”, là hình ảnh cho thấy nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư trong dài hạn.

Về phía các doanh nghiệp điện, sau khi cổ phần hóa, niêm yết trên sàn, là mở ra thêm kênh huy động vốn, từ đó có thêm nguồn lực phục vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh và chiến lược đầu tư của doanh nghiệp.

Trong nửa đầu năm 2019, do chịu ảnh hưởng từ những diễn biến của TTCK thế giới, cũng như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang, khiến TTCK trong nước cũng chao đảo. Tuy nhiên, dù cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung còn giằng co, sự khó lường giá cả các nguồn cung nguyên, nhiên liệu quan trọng như dầu, khí đốt, than đá, cao su… gây ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng giao dịch cổ phiếu của các nhóm ngành liên quan thì ở nửa sau của năm 2019, TTCK vẫn được các nhà đầu tư trông chờ hơn. Bởi, mùa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp niêm yết đang đến gần, nếu tích cực sẽ kéo dòng tiền trở lại sau một giai đoạn dài đứng im hoặc tạm rút lui. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bắt đầu vào giai đoạn tăng tốc, để chuẩn bị về đích cuối năm. Sự có mặt thêm các cổ phiếu “họ” điện sẽ làm thanh khoản thị trường bớt đi sự ảm đạm và có những đợt sóng tạo hấp lực thu hút dòng tiền vào thị trường.

Tác giả: Quốc Minh

Nguồn tin: Báo Hải Quan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP