Trong nước

Ký ức tự hào của nhân chứng lịch sử Điện Biên Phủ

65 năm đã trôi qua, nhưng những hình ảnh về năm tháng “ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, những trận chiến đấu ác liệt với địch giành giật từng tấc đất, từng đoạn hào diễn ra trên Đồi A1, những cảm xúc đặc biệt hân hoan trong ngày vui chiến thắng vẫn còn đó trong ký ức của ông Phạm Bá Miều, người từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Cựu chiến binh Phạm Bá Miều kể lại ký ức trận đánh lịch sử trên Đồi A1.

Nhờ sự giới thiệu của Hội Cựu chiến binh thành phố Điện Biên Phủ, chúng tôi tìm về ngôi nhà ở tổ 16, phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, nơi ông Phạm Bá Miều - chiến sĩ Điện Biên năm xưa đang vui hưởng tuổi già sau khi cống hiến phần lớn cuộc đời mình cho cách mạng. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà hai tầng khang trang, rộng rãi, người cựu chiến binh nay đã ở tuổi 89 như nhanh nhẹn hẳn lên khi nhớ lại những ngày tháng hào hùng ấy.

Ông Miều cho biết, ông sinh ra và lớn lên ở vùng quê Thái Hòa, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Năm 1949, khi thực dân Pháp đốt nhà, phá làng, giết hại người dân vô tội với lòng căm thù giặc tột cùng, chàng trai 19 tuổi Phạm Bá Miều đã đi theo lý tưởng cách mạng và gia nhập QĐND Việt Nam. Sau đó, ông được huấn luyện ở chiến khu Việt Bắc và cùng đồng đội chinh chiến ở các chiến trường Cao - Bắc - Lạng, rồi trở về giải phóng thị xã Lai Châu vào cuối năm 1953.

Cuối tháng 12-1953, đơn vị của ông nhận được lệnh bí mật hành quân về tham gia chiến dịch Trần Đình. Khi về đến Điện Biên Phủ thì ông Miều và đồng đội mới biết được đó là chiến dịch Điện Biên Phủ . Lúc đó, ông Miều là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Trung đội 2, Đại đội 76, Tiểu đoàn 938, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Miều kể: “Về Điện Biên, chúng tôi đóng quân ở khu vực Tà Lèng xuống đến Noong Hẹc, nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là xây dựng, củng cố hệ thống công sự trú ẩn, được dùng cho việc cơ động pháo, vận chuyển thương binh, điều động bộ đội với số lượng lớn và đường hào tiếp cận địch. Các loại đường hào này đều có chiều sâu 1,7m và không quá rộng để bảo đảm an toàn trước bom đạn địch, giữ bí mật cho bộ đội khi di chuyển”.

Chiến hào được xây dựng vào ban đêm, ngụy trang kỹ và triển khai cùng một lúc trên toàn thể mặt trận nên đã phân tán được sự đánh phá của quân địch. Việc đào hào, xây dựng trận địa thực sự cũng là một cuộc chiến đấu. Bộ đội phải lao động cật lực từ 14 đến 18 giờ mỗi ngày, dù thời tiết không thuận lợi cũng như bị quân địch bắn phá dữ dội, nhưng với lòng quyết tâm, quân ta đã vây lấn đào hào đến tận chân lô cốt cố thủ, khu vực kiểm soát của quân Pháp, giúp cho việc tấn công trở nên thuận lợi hơn.

Ngày 31-3-1954, ông Miều và đơn vị được lệnh nổ súng tấn công Đồi A1, đây là một trong những trận đánh quan trọng trong giai đoạn 2 và 3 của chiến dịch Điện Biên Phủ. Do vị trí đặc biệt quan trọng, quân Pháp đã xây dựng Đồi A1 trở thành ổ đề kháng mạnh nhất Điện Biên Phủ với hệ thống hầm ngầm bí mật vô cùng kiên cố, bố trí hỏa lực mạnh với các ổ súng máy, lỗ châu mai.

Đồng thời, quân Pháp liên tục tăng viện những lực lượng mạnh nhất và hỗ trợ tối đa hỏa lực để bảo vệ cứ điểm này đến cùng. Do vậy, nhiều lần, đơn vị ông Miều đánh chiếm được nửa quả đồi nhưng lại bị địch đánh bật ra. Hai bên giao tranh dữ dội, giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn chiến hào trên Đồi A1. “Trước tình thế đó, cấp trên quyết định sử dụng phương án đào hầm bí mật để đặt bộc phá nhằm tiêu diệt cứ điểm Đồi A1. Đơn vị tôi cùng một đại đội công binh được giao nhiệm vụ đào một đường hầm từ vị trí của ta đến nơi dự kiến là hầm ngầm của địch”, ông Miều kể.

Đêm 20-4, công việc đào hầm ngầm bắt đầu. Mọi người phải làm trong tư thế ngồi nghiêng như móc hàm ếch. Để đảm bảo bí mật, an toàn cho hầm ngầm, công việc ngụy trang cửa hầm được làm rất công phu; ngoài cửa hầm có mái che phủ đất để vừa chống lựu đạn và mảnh pháo từ trên cao ném xuống, vừa che mắt Pháp; đất đá đào ra đều cho vào bao dù đưa ra ngoài, sau khi đổ còn ngụy trang rất kỹ.

Dù đã chọn những chiến sĩ khỏe mạnh nhất, nhưng do đất Đồi A1 rất rắn và cứng, nên việc đào đường hầm dự tính trong 7 ngày phải kéo dài hơn dự kiến. Các chiến sĩ ta phải mất 12 ngày mới đào được khoảng 33m đến chỗ nghi là hầm ngầm của địch thì mới dừng lại. “Sau đó, chúng tôi vận chuyển thuốc nổ vào vị trí, trong một đêm, chúng tôi đã chuyển 960kg đến cuối đường hầm. Để hoàn thành nhiệm vụ này, 41 đồng chí của tôi đã anh dũng hy sinh”, ông Miều nghẹn lời.

Đêm 6-5, sau khi nhận lệnh từ cấp trên, đồng chí Phạm Văn Bạch đã kích nổ khối bộc phá. Làm rung chuyển cả quả đồi, trung tâm cứ điểm Đồi A1 như nổ tung, thổi bay chiếc lô cốt bên trên và tiêu diệt phần lớn một đại đội của địch. Sau khi bộc phá nổ, bộ binh của Trung đoàn 174 đồng loạt xung phong, chia thành hai cánh tiến lên đồi hình thành thế bao vây quân Pháp. Quân địch hoảng loạn, mất tinh thần chiến đấu nghiêm trọng, nhiều tên buông súng đầu hàng, số còn lại theo đường hầm bí mật chạy trốn sang cứ điểm Đồi C2. Sáng 7-5-1954, lá cờ đỏ sao vàng tung bay tại trung tâm cứ điểm Đồi A1, báo hiệu giờ tàn sắp tới của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

“Chiều tối 7-5, sau khi nghe tin toàn bộ quân địch tại khu trung tâm cứ điểm Điện Biên Phủ đã đầu hàng. Chúng tôi không kìm được sự sung sướng, ôm nhau nhảy múa, hô vang: Hồ Chủ tịch muôn năm! Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên Giáp!”, ông Miều nhớ lại những phút giây lịch sử trong ngày chiến thắng. Và cũng chính thời khắc đó, ông đã bật khóc khi nhớ đến những đồng đội của mình đã anh dũng hy sinh trước đó ít giờ đồng hồ, những đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại Đồi A1.

Ông Miều nhớ nhất kỷ niệm sau ngày chiến thắng 7-5, đó là khi ông và đơn vị có dịp được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào ngày 9-5-1954. Khi đó, Đại tướng tới kiểm tra việc tìm kiếm thi hài và an táng các liệt sĩ hy sinh tại Đồi A1. Đại tướng đứng nghiêm, chào các liệt sĩ theo quân lệnh và căn dặn các chiến sĩ: Phải gắng tìm cho hết đồng đội của mình, không như thế là chúng ta có tội. “Hình ảnh ấy, cử chỉ ấy, lời dạy ấy của Đại tướng cứ theo suốt cuộc đời tôi” - Ông Miều xúc động cho biết.

Đến nay, mặc dù đã ở tuổi 89, với 63 năm tuổi Đảng, nhưng cựu chiến binh Phạm Bá Miều vẫn đang sinh hoạt ở Chi hội Cựu chiến binh thành phố Điện Biên Phủ, là người có uy tín tại địa phương. Qua câu chuyện của mình, ông Miều muốn nhắn nhủ thế hệ trẻ hôm nay rằng: “Hãy phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng giàu đẹp, văn minh”.

Tác giả: Thành Chung

Nguồn tin: Báo Biên Phòng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP