Kinh tế

Kỳ Sơn: Đồng bào Mông vào mùa thu hoạch khoai sọ

Khoai sọ là cây trồng truyền thống từ lâu đời của đồng bào Mông ở huyện miền núi Kỳ Sơn. Trước đây khoai sọ được trồng làm lương thực giúp người dân những lúc khó khăn, thiếu đói, nhưng những năm gần đây loại cây này trở thành đặc sản địa phương, tạo ra thu nhập ổn định so với trồng lúa rẫy.

Những ngày này, vợ chồng anh Thò Nềnh Dồng ở bản Huồi Viên, xã Đoọc Mạy đang tích cực vào vụ thu hoạch khoai sọ. Theo chia sẻ của anh Dồng: Từ năm 2013 đến nay, do có thị trường tiêu thụ thuận lợi, khoai bán được giá nên gia đình anh và nhiều hộ khác trong bản mạnh dạn mở rộng diện tích trồng, năng suất tăng đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình. Cũng theo anh Dồng, với 3 rẫy khoai hàng năm cho năng suất 2 – 3 tấn củ. Với giá bán từ 6.000 - 15.000 (tùy trọng lượng củ), mỗi năm gia đình thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng. Ngoài chăn nuôi, trồng khoai cho thu nhập ổn định, gia đình thoát nghèo.

Vợ chồng anh Thò Nềnh Dồng ở bản Huồi Viên, xã Đoọc Mạy đang tích cực vào vụ thu hoạch khoai sọ.

Đoọc Mạy là xã vùng cao có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp trồng giống cây khoai sọ. Hiện toàn xã có khoảng 15ha trồng khoai, trở thành một trong những địa phương có diện tích trồng khoai lớn nhất huyện.

Ông Già Chồng Nênh - Bí thư Đảng ủy xã Đoọc Mạy cho biết: “Trước đây xã chưa có đường giao thông đi lại thuận tiện, người dân trồng khoai chủ yếu phục vụ gia đình. Những năm gần đây khoai sọ Kỳ Sơn được người dân ngoài xã ưa chuộng, thương lái tìm đến thu mua tận vườn nên nhiều gia đình chủ động mở rộng diện tích trồng. Thu nhập từ cây khoai ổn định giúp cải thiện đời sống nhân dân trong xã, người dân phấn khởi, ổn định tư tưởng, giảm tình trạng di dịch cư tự do”.

Đang trong thời kỳ chính vụ thu hoạch khoai sọ, nông sản này có mặt ở tất cả các phiên chợ, ở các xã vùng trong và phố thị Mường Xén, Kỳ Sơn.

Khác với những giống khoai môn ở dưới miền xuôi chỉ ưa trồng trên các loại đất tốt như: đất ruộng, đất bãi giàu mùn..., khoai sọ Kỳ Sơn không hề kén đất, có khả năng chịu được hạn cao, ít bị sâu bệnh và có thể trồng trên các vùng đồi núi dốc. Đặc biệt sau mùa nương rẫy người dân tận dụng rơm rạ, và vùng đất rẫy bỏ hoang để trồng khoai sọ, vừa dùng rơm để làm phân, vừa bớt công chăm sóc, làm cỏ. Điều này không chỉ có tác dụng bảo vệ, chống xói mòn cho đất mà còn giúp người nông dân tận dụng được đất đai, giảm tình trạng phá rừng làm nương rẫy.

Giao thông thuận lợi, thương lái tìm đến tận nơi thu mua khoai sọ, tạo thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Ông La Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn khẳng định: “Với những hiệu quả mang lại từ cây khoai sọ, huyện xác định đây là loại cây thế mạnh của địa phương. Sắp tới huyện sẽ phối hợp cùng Tập đoàn TH xây dựng dự án, nhân rộng mô hình trồng khoai sọ trên địa bàn; xây dựng địa chỉ hàng hóa khoai sọ Kỳ Sơn trên thị trường để nâng cao giá trị loại nông sản này; góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân”.

Là giống khoai sọ được trồng trên vùng đồi núi, dễ sinh trưởng tự nhiên nên người trồng không cần dùng đến thuốc trừ sâu hay phân bón. Loại đặc sản từ núi rừng này rất an toàn và sạch, lại thêm hương vị đặc trưng nên nhiều du khách đến Kỳ Sơn thường tìm mua làm quà./.

Tác giả: Lữ Phú

Nguồn tin: Truyền hình Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP