Giáo dục

Hợp nhất bằng ĐH chính quy - tại chức: Sẽ bùng phát học tại chức bằng mọi giá?

Đó là nhận định của ĐB Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về dự thảo luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) với việc không ghi hình thức đào tạo ĐH chính quy hay tại chức trên văn bằng.

ĐB Phạm Tất Thắng: "Không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng có thể làm bùng phát làn sóng mới là đi học ĐH tại chức bằng mọi giá." Ảnh: D.Thu

PV: Quan điểm của ông về quan điểm không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng trong dự thảo luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) đang được bộ GD&ĐT lấy ý kiến.

ĐB Phạm Tất Thắng: Luật quy định không phân biệt hình thức đào tạo, không phân biệt các loại hình trường nhưng xã hội lại rất phân biệt. Thậm chí, nhiều địa phương, cơ quan không tuyển người có bằng học theo hình thức đào tạo tại chức.

Theo tôi hiểu, cơ quan quản lý đề xuất như vậy vì họ muốn tạo điều kiện cho người học, dù học bất cứ hình thức nào ra trường đều có cơ hội như nhau. Nhưng thực tế, chất lượng đào tạo giữa các trường công, trường công với tư, giữa các hình thức đào tạo là khác nhau. Nếu tạo công bằng cho người học thì lại không công bằng với đơn vị quản lý, tuyển dụng lao động.

Một điều nữa là phổ điểm đầu vào các trường đã rất khác nhau. Điểm đầu vào 30 điểm phải khác với đầu vào 12,13 điểm. Chất lượng người học chắc chắn cũng có sự khác nhau. Đó là với hệ đào tạo chính quy còn với hệ đào tạo tại chức còn có sự khác biệt lớn. Và cơ quan tuyển dụng có quyền biết người được tuyển dụng học trường nào, hình thức đào tạo ra sao.

PV: Như ông nói ở trên, rõ ràng chất lượng đào tạo của hai hình thức đang có sự khác biệt rất lớn. Dư luận e ngại là nếu không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng có thể sẽ tạo nên trào lưu ồ ạt học ĐH tại chức, ông nhận định ra sao về e ngại này?

ĐB Phạm Tất Thắng: Tôi cho rằng e ngại, lo lắng này là có cơ sở. Bởi vì thực tế, nguồn thu của các trường ĐH chủ yếu là qua đào tạo, trong đó có đào tạo tại chức, đào tạo không tập trung. Trước đây, nhiều trường đã mở đào tạo tại chức ồ ạt rồi. Cơ quan quản lý đã phải mất rất nhiều nỗ lực mới tạm đưa đào tạo ĐH không tập trung vào nề nếp. Nếu bây giờ, bộ GD&ĐT không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng có thể làm bùng phát làn sóng mới là đi học ĐH tại chức bằng mọi giá.

PV: Lý giải với báo chí về việc đề xuất không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng, bộ GD&ĐT cho rằng muốn tạo sự công bằng, để các trường có trách nhiệm với bằng phát ra. Nhưng dư luận cho rằng, trước tiên, Bộ nên làm tốt việc kiểm soát năng lực, chất lượng đào tạo trước khi thực hiện việc này. Ông bình luận gì về điều này?

ĐB Phạm Tất Thắng: Đòi hỏi của dư luận là hoàn toàn đúng. Để chất lượng các loại hình đào tạo như nhau là đích phải hướng tới, tuy nhiên, bây giờ chất lượng đào tạo của các hệ thực sự chưa như nhau. Vì vậy, trách nhiệm của Bộ cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kiểm định chất lượng, xử lý nghiêm các vi phạm để làm sao, các trường đào tạo đúng khả năng, năng lực của họ chứ không phải đào tạo ồ ạt, chỉ quan tâm số lượng.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Tác giả: Đỗ Thơm

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP