Giáo dục

Học sinh 19 trường mầm non Bắc Ninh được lấy mẫu xét nghiệm sán lợn

Sáng nay học sinh 19 trường mầm non huyện Thuận Thành được Sở Y tế lấy mẫu tại chỗ và gửi đến bệnh viện ở Hà Nội xét nghiệm.

Động thái này được Sở Y tế Bắc Ninh đưa ra sau hai ngày có hàng nghìn phụ huynh đưa con đến Hà Nội khám bệnh, kể từ khi bếp ăn trường mầm non Thanh Khương bị phát hiện dùng thịt bẩn. Sở Y tế sẽ chi trả phí xét nghiệm và cấp thuốc điều trị theo phác đồ cho các bé nhiễm sán.

Đến nay, có tổng cộng khoảng 1.700 trẻ ở Bắc Ninh được làm xét nghiệm sán lợn, trong đó 209 ca dương tính. Đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng, bởi nhiều phụ huynh vẫn tiếp tục đưa con lên Hà Nội xét nghiệm.

Tối qua, bác sĩ Trần Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết trong 461 mẫu xét nghiệm ngày 16/3 ghi nhận 58 mẫu dương tính với sán lợn, tỷ lệ 12,5%.

"Một số mẫu nghi ngờ sẽ xét nghiệm lại lần 3 để có thể khẳng định thêm", bác sĩ Ninh cho biết.

Cũng theo bà Ninh, tỷ lệ mẫu dương tính với sán lợn trong tổng số xét nghiệm trung bình 10-15%, tùy thuộc các xã khác nhau. Bệnh viện sẽ xét nghiệm tiếp nhóm giun sán thứ ba để đánh giá khả năng dương tính chéo giữa các loại ký sinh trùng trước khi đưa ra kết quả chính xác. Hiện, có 104 trẻ dương tính với sán lợn trên hơn 800 ca xét nghiệm tại viện này.

Viện Sốt rét Ký sinh trùng Trung ương phát hiện thêm 27 mẫu của trẻ Bắc Ninh nhiễm sán lợn. Như vậy từ ngày 12/3 đến nay, có 105 trường hợp tại Viện sốt rét được xác định dương tính sán lợn.

Bác sĩ Nguyễn Quang Thiều, Phó Viện trưởng Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương cho biết, hầu hết trẻ có kết quả dương tính với sán lợn đều khỏe mạnh, không có biểu hiện lâm sàng của bệnh. Để đảm bảo việc khám chữa bệnh chính xác hiệu quả, các phụ huynh cần phải bình tĩnh, không đưa con đến viện ồ ạt.

Trẻ được lấy máu xét nghiệm sán lợn tại Viện Sốt rét Ký sinh trung Côn trùng Trung ương ngày 17/3. Ảnh: Giang Huy.

Bệnh sán dây/ấu trùng sán dây lợn (sán lợn) được chia làm 2 loại là ấu trùng sán lợn và sán trưởng thành. Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện có 55 tỉnh, thành phố ghi nhận bệnh này.

Với bệnh ấu trùng sán lợn, người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn, sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại một số cơ quan trong cơ thể.

Trường hợp người bệnh có sán trưởng thành trong ruột, khi đốt sán già rụng, có thể đốt sán bị trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột tương tự ăn phải đốt sán mới, do đó số lượng ấu trùng sẽ rất lớn. Ấu trùng sán theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang. Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau, có trường hợp ấu trùng di chuyển lên não, làm tổ trong não.

Với bệnh sán trưởng thành ở ruột, người bệnh ăn phải thịt lợn sống hay chưa được nấu chín có chứa các nang sán (lợn gạo), khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành.

Sán dây trưởng thành phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng nghìn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành lên tới 2 đến 12 mét, chúng ký sinh trong ruột non nhiều năm.

Một mẫu sán dây thu hồi tại Phòng khám bệnh chuyên khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP HCM.

Bệnh sán dây trưởng thành thường không có triệu chứng rõ rệt như đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Dấu hiệu chủ yếu là người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài, đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân.

Phác đồ điều trị bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh bị bệnh ấu trùng sán lợn. Việc điều trị bệnh ấu trùng sán lợn phải thực hiện ở cơ sở y tế với trang bị phương tiện cấp cứu và phải được theo dõi.

Để phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

Tác giả: Lê Nga

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP