Trong nước

Đề xuất thêm 3 lãnh đạo được bảo vệ đặc biệt

Dự thảo Luật cảnh vệ bổ sung thêm Bộ trưởng Ngoại giao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao được bảo vệ đặc biệt.

Sáng 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã khai mạc phiên họp thứ 2 cho ý kiến về dự thảo Luật cảnh vệ.

Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, trình bày, dự thảo Luật Cảnh vệ bổ sung đối tượng được cảnh vệ là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện VKSND Tối cao, để phù hợp với tình hình hiện nay về công tác cảnh vệ.

Theo thượng tướng Tô Lâm, họ là những người đứng đầu các cơ quan xét xử, kiểm sát hoạt động tố tụng và ngoại giao, với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy hiểm và rủi ro cao.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày dự thảo Luật cảnh vệ. Ảnh: Quochoi.vn

Thượng tướng Tô Lâm cho rằng, xu hướng đẩy mạnh cải cách tư pháp, tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm và mở rộng hợp tác quốc tế thì tính chất công việc của họ ngày càng phức tạp.

Ngoài ra, những vị trí trên thường nảy sinh nhiều tình huống bất trắc, khó lường đe dọa tính mạng, sức khỏe của những người này. Vì vậy, cần phải áp dụng chế độ bảo vệ đặc biệt nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho họ.

Về việc này, ông Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Quốc phòng, Công an cũng là đối tượng rất quan trọng phải bảo vệ, vì vậy nên thiết kế để có thể mở rộng linh hoạt chứ không chỉ giới hạn ở số lượng chức danh nhất định.

Góp ý về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng băn khoăn chức danh Chánh án cũng là Bí thư Trung ương Đảng, cũng là đối tượng được bảo vệ đặc biệt rồi, có cần thiết phải ghi vào luật không? Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là đại diện ngoại giao nên khi ra nước ngoài có cần người bảo vệ cũng là vấn đề cần bàn.

“Nguyên tắc cố gắng không tăng đầu mối. Biên chế thì tăng cường phối hợp giữa cơ quan ở trung ương và địa phương, tăng cường mối quan hệ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ với công an các địa phương", bà Phóng nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, không nhất thiết mở rộng đối tượng cảnh vệ vì nếu đưa Bộ trưởng Ngoại giao vào thì các hoàn cảnh khác, Bộ trưởng khác thế nào trong khi Bộ trưởng Ngoại giao đã cơ cấu Bộ Chính trị rồi.

"Thực tiễn hoạt động cảnh vệ cho thấy không nhất thiết mở rộng đối tượng. Kinh nghiệm các nước thì những đối tượng như thế cũng không cần. Vậy nên giữ như pháp lệnh hiện nay là được"- bà Ngân đề nghị.
Lo ngại việc cảnh vệ nổ súng khi làm nhiệm vụ

Vấn đề cũng được quan tâm là các trường hợp nổ súng được quy định trong dự thảo Luật cảnh vệ vì việc nổ súng của lực lượng cảnh vệ liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân nên theo quy định của Hiến pháp năm 2013 phải quy định trong Luật.

Trước đây, các trường hợp được nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ: Pháp luật hiện hành quy định các trường hợp được nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ tại Nghị định số 128/2006 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Cảnh vệ (là văn bản mật).

Lo ngại quyền nổ súng của cảnh vệ, bà Nguyễn Thị Kim Ngân góp ý, cần quy định cụ thể việc sử dụng vũ khí, trao quyền quá lớn với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ, khi nào được nổ súng, khi nào được tiêu diệt đối tượng.

"Cảnh vệ của mình đều học võ cả, đâu phải lúc nào cũng cần nổ súng đâu, có thể quật ngã, khoá tay… Gây thương tích cũng đâu nhất định phải nổ súng, không nên ghi về quyền tiêu diệt đối tượng sớm quá", bà Ngân lo ngại.

Giải đáp lại Bộ Công an Tô Lâm nhìn nhận, pháp luật hiện tại rất khắt khe trong việc được nổ súng, lực lượng cảnh vệ không dám nổ súng vì sợ vi phạm. Vì vậy, ông kiến nghị cần quy định quyền nổ súng trong Luật cảnh vệ.

Tác giả bài viết: Thắng Quang

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP