Kinh tế

"Có ngân hàng khi đọc tên ra, ai cũng biết cá nhân nào đứng đằng sau"

Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng việc xử lý tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng đã xong, nhưng có những ngân hàng khi đọc tên thì ai cũng biết đứng đằng sau là doanh nghiệp, cá nhân nào.

Tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng chiều 8/6, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho biết nhu cầu vay vốn của cá nhân và doanh nghiệp khá cao, nhất là trong bối cảnh triển khai gói hỗ trợ 2% của gói 40.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng trong tình trạng hết room tín dụng và đề xuất với NHNN nới thêm hạn mức tín dụng để góp phần hỗ trợ tăng trưởng.

"Xin Thống đốc cho biết tính hợp lý của cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm của các ngân hàng thương mại hiện nay? Cơ chế này có phải can thiệp vào hoạt động của ngân hàng hay không? Khả năng nới room tín dụng trong thời gian tới như thế nào?", ông An nói.

Đại biểu đoàn Đồng Nai cũng đánh giá cao vai trò của NHNN trong việc xử lý tình trạng sở hữu chéo. Về số lượng, không còn cặp sở hữu chéo nào, nhưng ông An cho rằng "vẫn còn đâu đó bên trong sự lòng vòng, lắt léo nhiều quan hệ, nhóm lợi ích đan xen".

Đại biểu Quốc hội quan tâm đến hạn mức tín dụng, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng (Ảnh: Tiến Tuấn).

"Thực tế, ai cũng biết có những ngân hàng mà khi đọc tên thôi thì đứng đằng sau đó là những doanh nghiệp, cá nhân nào. Đề nghị Thống đốc đưa ra giải pháp để xử lý chặt chẽ vấn đề này", ông An đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi chất vấn, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, vốn đầu tư dựa rất lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Hiện nay, dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức 124% và theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đây là tỷ lệ thuộc nhóm cao nhất toàn cầu.

Khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng, mỗi khi có cú sốc như Covid-19, biến động tình hình kinh tế thế giới, doanh nghiệp và người dân khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì sẽ lập tức ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng. Nếu hệ thống ngân hàng có vấn đề, mất khả năng chi trả… thì sẽ hệ lụy đến cả nền kinh tế.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng, khi có cú sốc xảy ra sẽ hệ lụy đến cả nền kinh tế (Ảnh: Quốc Chính).

"Vấn đề đặt ra là kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Trên thực tế, NHNN áp dụng biện pháp này từ những năm 2011 và thấy đây là biện pháp hiệu quả trong tổ chức điều hành, chính vì vậy, đã đưa thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định trở lại. Trước đây khi không có chỉ tiêu kiểm soát, các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng rất cao, cá biệt có những năm tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống lên đến 53,8%", bà Hồng nhấn mạnh.

Vừa qua, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu phát triển thị trường vốn, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay trung, dài hạn từ những kênh này và chỉ vay vốn ngắn hạn từ ngân hàng cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi đó, áp lực trong kiểm soát tín dụng của NHNN sẽ bớt đi.

Đối với tình trạng sở hữu chéo "lòng vòng, có thể có cổ đông cố tình giấu tên hoặc nhờ đứng tên", bà Hồng cho rằng phải có cơ quan xác minh. Hiện nay, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an có kết nối với hệ thống dữ liệu công dân để minh bạch các giao dịch (cụ thể là qua căn cước công dân gắn chíp).

"Sau này, các giao dịch của nền kinh tế ngày càng minh bạch hơn, việc phát hiện ra các vấn đề không trung thực, nhờ người đứng tên, cố tình che giấu sẽ dễ dàng hơn", Thống đốc NHNN cho hay.

Tác giả: Văn Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP