Trong tỉnh

Cậu trò nghèo học giỏi Vương Đình Huệ trong ký ức thầy cô

Không chỉ học giỏi nổi tiếng ở xứ Nghệ, cậu học trò Vương Đình Huệ còn được thầy cô, bạn bè quý mến bởi là người sống rất tình cảm.

Thầy Nguyễn Huy Hiền kể lại câu chuyện về cậu học trò Vương Đình Huệ khi còn là lớp phó học tập

Những ngày này, sau khi đón nhận thông tin ông Vương Đình Huệ được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Quốc hội, người dân làng chài Xuân Lộc, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An ai ai cũng vui mừng. Trong ký ức của nhiều người, cậu học trò Vương Đình Huệ có dáng vẻ thư sinh, nổi tiếng thông minh và học giỏi ngay từ nhỏ.

Nhớ lại kỷ niệm xưa, thầy Nguyễn Huy Hiền, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc I (nay là Nguyễn Duy Trinh – PV), cũng là giáo viên chủ nhiệm lớp 8G mà cậu học trò Vương Đình Huệ theo học, kể: “Ngày đó, cả huyện Nghi Lộc chỉ có hai trường cấp ba, trong đó, trường Nghi Lộc I là nơi đa số con em các xã vùng phía đông huyện theo học. Vì thế, có nhiều học sinh muốn tới trường phải vượt một quãng đường rất xa. Huệ cũng không ngoại lệ, hàng ngày phải đi bộ 10 km trên những con đường đất trơn trượt từ xã Nghi Xuân lên cầu Nhọn, xã Nghi Trung. Đường xa cách trở là vậy, nhưng Huệ chưa bỏ một tiết học nào”.

“Năm 1971, tôi được phân công chủ nhiệm lớp 8G. Ngày đó, chiến tranh rất ác liệt, vì thế tất cả học trò mới nhập trường phải góp 10 cái tranh (liếp tranh –PV), 5 cây tre để dựng lớp học. Đối với các bạn to, cao, có thể lực đã vất vả, đằng này, Huệ lại là một trong những học sinh nhỏ bé nhất lớp, nhà lại xa, nhưng vẫn mang nộp đủ tranh, tre cho nhà trường. Tôi không nghĩ một cậu học trò trắng trẻo, thư sinh ấy lại có thể vượt qua những thử thách lớn như vậy”, thầy Hiền cười tươi khi nhớ lại kỷ niệm với cậu học trò mà ông rất yêu quý.

Theo thầy Hiền, trò Huệ viết chữ rất đẹp, lại là người cẩn thận, tỉ mỉ chu đáo trong công việc nên được các bạn tín nhiệm bầu làm lớp phó học tập, kiêm văn thư (giữ sổ điểm, các loại giấy tờ cho lớp- PV). Mặc dù chỉ làm giáo viện chủ nhiệm lớp 8G một năm rồi chuyển sang làm công tác đoàn, nhưng thầy Hiền lại có 3 năm gắn bó với người học trò cưng này thông qua việc giảng dạy môn Hóa học.

“Huệ rất thông minh, tính toán nhanh và thường đưa ra những cách giải độc đáo, đến các thầy cô giáo dạy giỏi cũng phải ngỡ ngàng. Huệ không chỉ giỏi các môn khối tự nhiên mà học giỏi toàn diện, từng gặt hái được nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Đặc biệt, từ khi còn ở trường, tôi đã thấy Huệ có tố chất làm lãnh đạo. Huệ rất dễ mến, có nụ cười hiền, luôn chiếm được cảm tình của bạn bè, thầy cô”, thầy Hiền tự hào nói.

Theo thầy Hiền, thuở ấy, cuộc sống rất khó khăn, thiếu cơm rách áo nhưng tình thầy trò luôn ấm áp. Các học trò dù nghèo nhưng ai cũng chăm ngoan, học giỏi, kính trọng các thầy cô. “Huệ là người có tài, có tâm. Tôi tin rằng ở cương vị nào Huệ cũng sống và làm việc hết lòng vì nước, vì dân”, thầy Hiền chia sẻ.

Vợ chồng thầy Nguyễn Huy Hiền và cô Vũ Thị Nhài

Tiếp lời chồng, cô Vũ Thị Nhài (cựu giáo viên trường Nghi Lộc I) kể: “Huệ là người sống trọng tình nghĩa. Mặc dù đã đảm nhiệm những cương vị rất cao, bận trăm công nghìn việc nhưng mỗi lần về quê, Huệ vẫn dành thời gian thăm trường, thầy cô cũ và những bạn bè gặp khó khăn. Có lần nghe tin thầy giáo cũ mất Huệ đã sắp xếp thời gian, vượt hàng trăm km về thắp hương. Đó là tấm chân tình đáng trân quý của một người học trò dành cho thầy cô của mình”.

Ông Vương Đình Huệ dành thời gian thăm hỏi các cháu nhỏ khi về dự lễ thông xe cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, nối hai tỉnh Nghệ An- Hà Tĩnh.

Theo một người bạn học kể lại, tuy sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, nhưng Vương Đình Huệ học rất giỏi, không những nổi tiếng ở Nghi Lộc mà cả tỉnh Nghệ An. Năm lớp 10 (năm 1974), Huệ được tỉnh Nghệ An tặng một chiếc xe đạp do thành tích học tập xuất sắc của mình.

Ông Nguyễn Văn Trường, Bí thư xã Nghi Xuân cũng cho biết: “Gia đình bác Huệ là gia đình giàu truyền thống cách mạng. Trong đó có một người anh trai đã hy sinh cho Tổ quốc trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đó là năm 1973. Lần đầu tiên quê hương Nghi Xuân có một người con ưu tú được Đảng và Nhà nước tím nhiệm giao cho trọng trách lớn, ai ai cũng hi vọng bác Huệ sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, ông Trường nói.

Ông Vương Đình Huệ (SN 1957, quê ở Nghi Xuân, Nghi Lộc, Nghệ An; Giáo sư, tiến sĩ kinh tế). Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, XIII; ĐBQH khóa XIII, XIV.

Ông Huệ từng công tác 22 năm ở Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính) với nhiều cương vị khác nhau.

Tháng 7/2001, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó tổng Kiểm toán Nhà nước; 5 năm sau, ông làm Tổng kiểm toán Nhà nước.

Ông Huệ giữ chức Bộ trưởng Tài chính từ tháng 8/2011, đến tháng 12/2012 được phân công làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương (kiêm nhiệm Bộ trưởng Tài chính đến tháng 5/2013). Ông giữ cương vị Phó thủ tướng từ tháng 4/2016.

Đến tháng 2/2020, ông Huệ được Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Ông được Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng tại kỳ họp tháng 6/2020.

Sáng 31/3, với 100% ĐBQH tham gia bỏ phiếu tán thành , ông Vương Đình Huệ, được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Tác giả: Văn Thanh - Thủy Tiên

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP