Thể thao

"Bóng đá Trung Quốc thất bại với mô hình kim tự tháp ngược, họ nên cắp sách học HLV Park"

Tờ Best Eleven (Hàn Quốc) đã có bài viết phân tích thất bại của bóng đá Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Cụ thể, bài viết của tờ Best Eleven có tiêu đề: "Mô hình kim tự tháp ngược chính là nguyên nhân khiến bóng đá Trung Quốc thất bại". Chúng tôi xin lược dịch lại toàn bộ bài viết này.

Mô hình kim tự tháp ngược của bóng đá Trung Quốc

"Bóng đá Trung Quốc trong thời gian gần đây rất tệ hại. Tình hình tài chính khó khăn ảnh hưởng nhiều đến các đội bóng tại Chinese Super League. Trong khi đó, tuyển nam Trung Quốc đã hết cơ hội giành vé đến World Cup 2022 dù có đội hình nhiều cầu thủ nhập tịch từ Brazil.

Tuyển nữ Trung Quốc đã thay đổi bầu không khí với chức vô địch Asian Cup. Tuy nhiên điều đó vẫn không làm giảm sự ảm đạm từ thất bại của đội tuyển nam.

Những người làm bóng đá Trung Quốc hiểu rõ lý do tại sao tuyển Trung Quốc tỏ ra bất lực trong trận thua Việt Nam. Shun Jihai, một cựu cầu thủ tuyển Trung Quốc từng chỉ ra vấn đề của bóng đá nước nhà: "Trong số 1,4 tỷ dân Trung Quốc, liệu có bao người được cha mẹ tạo điều kiện theo nghiệp bóng đá? Có thể nhiều người thích bóng đá, nhưng số người theo học bóng đá từ nhỏ lại quá ít".

Bóng đá Trung Quốc đang "xây nhà từ nóc".

Các cầu thủ xuất sắc không thể nào được tạo ra bởi những khoản đầu tư khổng lồ trong thời gian ngắn. Mọi thứ cần thời gian và sự kiên trì.

Những khoản đầu tư của Trung Quốc đã không thành công ngay từ đầu. Khi xu thế phát triển của bóng đá theo mô hình kim tự tháp, thì Trung Quốc lại nảy ra ý tưởng xây dựng mô hình kim tự tháp ngược. Họ cố gắng chiêu mộ những cầu thủ nhập tịch và cho họ thi đấu bên cạnh những cầu thủ trưởng thành. Theo mô hình kim tự tháp ngược, các cầu thủ trẻ sẽ không được tạo điều kiện thi đấu".

Bài học từ Hàn Quốc và thầy Park

"Trung Quốc ghen tỵ khi chứng kiến bóng đá Hàn Quốc sản sinh ra nhiều cầu thủ xuất sắc. Về vấn đề nhân khẩu học, thật đáng kinh ngạc khi đất nước có dân số chưa đến 100 triệu dân như Hàn Quốc lại sở hữu nhiều cầu thủ có đẳng cấp thế giới.

Bóng đá ở Hàn Quốc và Trung Quốc khác nhau. Người dân cả 2 nước đều thích bóng đá, tuy nhiên người Hàn Quốc không chỉ đơn thuần thích xem đá bóng.

Trong những năm gần đây, các đội trẻ tại Hàn Quốc đã gia tăng đáng kể. Từ đó, bóng đá Hàn Quốc có thể sàng lọc được nhiều cầu thủ ưu tú hơn.

Có thể tiềm lực tài chính và dân số của Trung Quốc lớn hơn Hàn Quốc, nhưng về chuyên môn bóng đá, Hàn Quốc rõ ràng hơn Trung Quốc.

Những người làm bóng đá Hàn Quốc nhận thức rõ về việc phát triển bóng đá trẻ. Ví dụ tiêu biểu có thể kể đến HLV Park Hang-seo, người đang dẫn dắt tuyển Việt Nam. Ông đã nâng tầm lứa cầu thủ trẻ Việt Nam, để rồi hiện tại họ trở thành nòng cốt của ĐTQG.

Thầy Park xây dựng ĐT Việt Nam từ những cầu thủ trẻ tiềm năng.

Một ví dụ khác chính là HLV Shin Tae-yong của tuyển Indonesia. Ông ấy tập trung phát triển lứa cầu thủ U19 và họ đã có màn thể hiện tốt.

Tất nhiên phương pháp này không thể thành công ngay lập tức. Thậm chí người xây dựng nền móng không được hưởng quả ngọt, thay vào đó lại là người kế nhiệm. Nhưng dù khó khăn đến nhường nào thì đây vẫn là điều nên làm.

Việc các HLV Hàn Quốc nâng tầm các đội bóng nước ngoài bằng phương pháp ưu tiên dùng cầu thủ trẻ đã tạo ra những thành công đáng nể. Bóng đá Trung Quốc nên học hỏi điều này".

Tác giả: Đặng Phong

Nguồn tin: Pháp luật & Bạn đọc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP