Xã hội

Bán trứng xuyên biên giới: Bộ Y tế không nắm được

Sau loạt bài điều tra độc quyền của báo Người Đưa Tin về đường dây bán trứng, mang thai hộ xuyên biên giới, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, bộ Y tế thừa nhận, vấn đề này Bộ không nắm được và không quản lý được.

Như đã đưa, mới đây theo tìm hiểu từ PV của báo tại Hà Nội xuất hiện một nhóm người họ đứng ra nhận mua gom trứng của người phụ nữ và đưa người sang bên kia Trung Quốc để thực hiện việc buôn bán trứng. Mỗi một người phụ nữ bán trứng thành công, “cò” sẽ trả cho người bán 30 triệu đồng.

Trước những lời hứa hẹn mật ngọt này, không ít cô gái nhẹ dạ cả tin đã đi theo “cò” buôn trứng làm các xét nghiệm và chờ ngày vượt biên. Tuy nhiên, đằng sau những lời thỏa thuận đó liệu các cô gái có thể trở về Việt Nam một cách an toàn, có được cầm đủ số tiền 30 triệu đồng hay không thì chỉ người trong cuộc mới biết.

"Cò" tư vấn về đường dây đưa phụ nữ sang biên giới bán trứng, mang thai hộ kiếm tiền

Từ đường dây buôn trứng xuyên biên giới này, PV báo Người Đưa Tin cũng đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, bộ Y tế.

Thưa ông, việc quản lý những người hiến trứng và tinh trùng tại các bệnh viện hiện nay ra sao?

Điều này được quy định ở Nghị định 100 về hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ. Theo đó, mang thai hộ quy định chỉ được thực hiện ở 4 bệnh viện: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Mỹ Đức, bệnh viện đa khoa Trung ương Huế. Còn kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm hiện nay có khoảng trên 20 bệnh viện được bộ Y tế cho phép. Trong đó, có hiến trứng, hiến tinh trùng. Hiến trứng và hiến tinh trùng dựa trên cơ sở người hiến phải khác huyết thống, không được hiến trực tiếp mà hiến gián tiếp qua ngân hàng tinh trùng.

Vậy, việc xuất hiện đường dây mua bán trứng xuyên biên giới theo ông việc buôn bán này có đúng luật?

Hiện tại, xuất hiện đường dây đi Trung Quốc để bán trứng thì việc mua bán trứng này sai quy định của pháp luật. Việc bán trứng này sang tận biên giới thì bộ Y tế không nắm được và không quản lý được.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, bộ Y tế cho rằng buôn bán trứng là vụ lợi.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc buôn bán trứng để thu lợi là một việc làm đang lợi dụng tính nhân văn. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

Việc hiến tinh trùng có thể tái tạo lại rất nhanh, còn hiến trứng phải qua kích thích rụng trứng, nên rất hạn chế hiến trứng. Việc hiến trứng chỉ có chị cho em hoặc em cho chị là mang tính nhân đạo. Còn buôn bán trứng, tôi chắc chắn đó là vụ lợi. Trứng và tinh trùng chỉ có hiến, còn nếu xuất hiện hình thức mua bán, trao đổi là sai luật.

Liên quan đến đường dây bán trứng xuyên biên giới, tôi cho rằng đây là điều hết sức nghiêm trọng về mặt pháp luật, cũng như nghiêm trọng về mặt đạo đức của xã hội. Vì thế, đây là hành vi đáng lên án mạnh mẽ. Không ai ở Việt Nam lại sang tận Trung Quốc để hiến trứng cả. Tất cả đều đang núp dưới danh nghĩa “hiến” để “bán”.

Vậy, vụ Pháp chế có những lời khuyên như thế nào với người bán trứng, mang thai hộ?

Đối với những người hiến trứng, việc làm này có rủi ro về mặt sức khỏe rất lớn. Chỉ thực hiện việc hiến trứng ở những cơ sở đã được bộ Y tế cấp phép mới đảm bảo an toàn. Còn sang Trung Quốc hiến trứng, điều đầu tiên tôi khẳng định là vi phạm pháp luật. Tiếp nữa, rủi ro cho người bán trứng vì phải dùng thuốc kích thích rụng trứng mới lấy được trứng, nếu lấy ở những cơ sở không đảm bảo còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người bán trứng.

Thêm một vấn đề nữa liên quan đến con sinh học và con pháp lý, sau này có những tranh chấp pháp lý xảy ra. Những đứa con sinh học đó sau này đến nhận lại mẹ, sau đó nhận thừa kế… thì rất nguy hiểm.

Cho nên, lời khuyên của tôi là đừng có dại chỉ vì chút lợi trước mắt mà quyết định bán trứng. Như vậy, ảnh hưởng cả đến tương lai sau này. Và tôi mong không ai vướng vào vòng lao lý, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Trao đổi với PV về thực trạng đưa người vượt biên qua biên giới nhằm mục đích thương mại, luật sư Nguyễn Anh Tú (Giám đốc công ty Luật Fanci) cho rằng, việc đưa người vượt biên qua biên giới là hành vi vi phạm pháp luật.

Tại điều 275 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS) quy định về tội Tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép như sau: “1. Người nào tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 91 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 2. Phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm. 3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm”.

Điều luật quy định hai hành vi: tổ chức để người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài trái phép hoặc cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài trái phép.

+ Hành vi tổ chức thể hiện ở: rủ rê, dụ dỗ người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài trái phép, thu gom tài sản, lương thực và các vật cần thiết khác với vai trò là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy cho việc trốn đi nước ngoài. Đối với hành vi tổ chức để người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài trái phép hoàn thành khi nhóm người được tổ chức đưa đi đã đi được ra khỏi biên giới Việt Nam.

+ Hành vi cưỡng ép được thực hiện bằng mọi phương pháp, thủ đoạn (vũ lực, cưỡng bức tinh thần, vật chất…). Hành vi cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài hoàn thành khi người khác không còn cách nào từ chối đã đồng ý trốn đi nước ngoài chứ không cần người này đã thực tế có hành vi trốn ở lại nước ngòai hoặc trốn đi nước ngoài.

Tác giả: Nhóm phóng viên

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP