Trong nước

Áp thấp thành bão số 14, lại uy hiếp Nam Trung Bộ

Cơn bão thứ hai trong nửa tháng, có thể đổ bộ vào các tỉnh Khánh Hòa - Bình Thuận ảnh hưởng đến TP HCM.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ướng, sáng 18/11, sau khi đi vào khu vực phía Đông quần đảo Trường Sa, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão - cơn bão số 14 đi vào biển Đông năm nay.

Lúc 5h, tâm bão ở trên khu vực phía Đông quần đảo Trường Sa, sức gió mạnh nhất gần tâm bão đến 75 km/h (cấp 8), giật cấp 11.

Hướng di chuyển của bão số 14. Ảnh: NCHMF.

Trong 24 giờ tới, bão theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 25km/h và được dự báo tiếp tục mạnh thêm.

Đến 4h ngày 19/11, tâm bão còn cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa - Bình Thuận khoảng 150 km về phía Đông. Lúc này, gió mạnh nhất gần tâm bão đạt cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 12.

Cơ quan khí tượng Trung ương nhận định cơn bão sẽ giữ nguyên hướng di chuyển, tốc độ và đi vào khu vực Nam Trung Bộ. Sau đó, bão suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, đi sâu vào đất liền và thành vùng áp thấp.

Đến sáng sớm ngày 20/11, trung tâm vùng áp thấp ở trên khu vực miền Nam Campuchia với sức gió mạnh nhất còn dưới 40 km/h.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực giữa và Nam Biển Đông (gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão có gió cấp 8-9, giật cấp 12. Biển động rất mạnh.

Từ sáng sớm 19/11, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Bà Rịa - Vũng Tàu (gồm đảo Phú Quý – Bình Thuận) gió mạnh dần lên cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 12. Sóng biển cao 2-4 m, vùng gần tâm bão cao 5-6m. Biển động rất mạnh.

Tại cuộc họp khẩn chiều qua, UBND TP HCM chỉ đạo các sở ngành và địa phương lên phương án đối phó cơn bão và luôn trong tình trạng sẵn sàng ứng phó dù thành phố chỉ nằm trong vùng bị ảnh hưởng gián tiếp. Nguyên nhân do bão số 14 có thể vào đất liền trùng thời điểm triều cường lên cao (1,6 m), đồng thời thành phố có nhiều công trình xây dựng, cần trục, cây xanh...

Nửa tháng trước, cơn báo Damrey - số 12 với gió mạnh cấp 12 khi vào đất liền đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Nam Trung Bộ, trong đó nghiêm trọng nhất là Khánh Hòa và Phú Yên.

Trong 9 tiếng hoành hành, bão đã gây gió mạnh, mưa to suốt từ Thừa Thiên Huế tới Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên. Lũ các sông dâng cao, hầu hết vượt báo động 3, một số nơi gần chạm mức lũ lịch sử năm 2013 và 2009.

Bão 12 và lũ đã làm 100 người chết, 18 người mất tích và 174 người bị thương.

Tác giả: Hữu Nguyên

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP