Xe

Nắng 40 độ: Bình cứu hỏa mini nổ, ô tô nát kính

Thời tiết nắng nóng gần 40 độ C khiến cho bình cứu hỏa mini để trong ô tô khi đỗ ngoài trời phát nổ. Vụ việc đã được một nhân viên của bãi gửi xe ghi lại.

Theo phản ánh của anh Hoàng Trọng Đại với Vietnamnet, nhân viên quản lý bãi đỗ xe, tiếng nổ lớn từ chiếc xe ô tô mang biển số 18A-XXX vào lúc 11 giờ trưa, khi đó chiếc xe này đang đậu ở ngoài trời. Tại hiện trường, bình cứu hỏa mini bị vỡ bắn tung tóe, bọt khí vương vãi trên ghế. Phần kính sau của xe bị rạn nứt và vỡ. Khi vụ nổ xảy ra, trong xe không có người nên không có ai bị thương.
Kính bị rạn nứt. (Ảnh: Trọng Đại)
Kính xe bị vỡ toang sau vụ nổ. (Ảnh: Trọng Đại)

“Đây là vụ nổ bình cứu hỏa mini trên ô tô đầu tiên xảy ra ở bãi đỗ xe này. Rất may thời điểm bình cứu hỏa phát nổ không có ai bên trong. Nếu có người thì không biết hậu quả như thế nào”, anh Đại cho biết.

Theo anh Đại, với những xe có bình cứu hỏa mini gửi tại bãi, anh Đại đều yêu cầu nhân viên nhắc nhở chủ xe cho bình xuống gầm. Trong thời tiết nắng nóng nên mở hé cửa xe để tránh nhiệt độ trong xe tăng cao.

Hình ảnh kính vỡ được đăng tải trên trang về ô tô xe máy.

Một vụ việc tương tự cũng đã xảy ra theo hình ảnh chia sẻ của thành viên H.T trên một diễn đàn về ô tô xe máy. Chiếc bình cứu hỏa mini để trong xe phát nổ gây vỡ kính. Một số thành viên cho rằng, việc để bình cứu hỏ mini trong xe dưới trời nắng quá lâu gây nổ.

Thời gian qua, ở nhiều địa phương liên tiếp xảy ra các vụ bình chữa cháy mini phát nổ trên xe. Gần đây nhất là vụ việc diễn ra Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội), một bình cứu hỏa mini để trong xe phát nổ. Chủ xe cho biết, thời điểm xe khi trời nắng đỉnh điểm buổi trưa suốt 3 tiếng. Bình cứu hỏa trang bị cho xe là loại bình 500 ml, cách đây hơn 5 tháng.

Loại bình cứu hỏa được nhiều chủ xe sử dụng. (Ảnh: Trọng Đại)

Nguyên nhân bình cứu hỏa mini trên ô tô phát nổ, nhiều thành viên cho rằng, có thể xảy ra nổ nếu bình kém chất lượng, được bảo quản không tốt, van an toàn không chịu được sẽ bị xì, không khí thoát ra ngoài và gây nổ.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nếu trang bị bình cứu hỏa nên chọn loại đảm bảo chất lượng, được kiểm định của cơ quan có chức năng về phòng cháy chữa cháy và bán tại cửa hàng uy tín.

Thông tư 57 của Bộ Công an có hiệu lực kể từ ngày 6/1 quy định, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 chỗ ngồi trở lên, xe rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc chở khách được kéo bởi ôtô, máy kéo; xe vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ nằm trong danh mục bắt buộc phải trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy. Nếu thiếu các trang bị theo quy định, lái xe có thể chịu mức phạt từ 300.000 - 500.000 đồng.

Tác giả bài viết: Nam Hải

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP