Xã hội

Giảm nguy cơ tái nghèo: "Đòn bẩy" giảm nghèo bền vững

Theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Nghệ An còn 12,10%, cao hơn mức bình quân cả nước. Trong giai đoạn 2016 -2020, Nghệ An phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2-3%/năm, trong đó các huyện, xã nghèo giảm bình quân từ 4 -5%/năm. Đây thực sự là những thách thức không hề nhỏ nhưng thách thức lớn hơn là kết quả đạt được sau 5 năm giảm nghèo phải là những con số thực chất, giảm hẳn nguy cơ tái nghèo.

Ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã từ năm 2014, nhưng cho đến giờ, trong nhà chị Đặng Thị Tám ở xóm 2, xã Trù Sơn, huyện Đô Lương cũng chẳng có thứ gì đáng giá. Tài sản lớn nhất của vợ chồng chị Tám là 3 đứa con. Chẳng biết nên vui hay buồn cho chị bởi cả 3 đứa đều học giỏi, trường chuyên, lớp chọn nên chi phí rất tốn kém. Ngoài chạy ăn từng bữa, hiện nay anh chị đang phải lo cho cô con gái lớn đang học đại học Y, một đứa đang học lớp 12 và đứa út đang học lớp 5. Ngay chuyện gia đình chị Tám ra khỏi hộ nghèo cũng chẳng phải vì đã thoát nghèo bền vững.


Trong nhà chị Tám chẳng có thứ gì đáng giá dù đã ra khỏi hộ nghèo từ năm 2014

Tình cảnh tương tự cũng diễn ra đối với gia đình anh Lô Văn Tuyên ở bản Na Lượng, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn. Khó khăn vì thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất, các con cũng đang trong tuổi ăn học nên gia đình anh Tuyên được xét vào diện hộ nghèo trong 2 năm từ 2013 đến 2014. Ra khỏi hộ nghèo năm 2015 nhưng gặp lúc vợ ốm đau thường xuyên, con học xong lớp 12 chưa có việc làm khiến gia đình anh chị lại đang phải đối mặt với nguy cơ tái nghèo nguy cơ tái nghèo của gia đình hiện rõ trước mắt.


Gia đình anh Tuyên đã ra khỏi hộ nghèo từ năm 2015, nhưng đến nay vẫn chạy ăn từng bữa trong tình cảnh vợ ốm đau thường xuyên, con học xong lớp 12 thì chưa có việc làm

Đã 10 năm làm xóm trưởng, không ít trường hợp ra khỏi hộ nghèo khiến ông Nguyễn Tất Xuân - xóm trưởng xóm 2, xã Trù Sơn, huyện Đô Lương băn khoăn. Vì ra khỏi hộ nghèo nhưng nhiều hộ vẫn thu nhập bấp bênh, không ổn định. Ông Xuân nói: Tôi thấy nhiều trường hợp buộc ra khỏi hộ nghèo nhưng chưa thoát nghèo được. Nhà nước phải có chính sách chi sau đó để hỗ trợ họ chớ làm ri thì chỉ là vì thành tích giảm nghèo thôi.

Thực tế, nhiều hộ sau khi vừa ra khỏi hộ nghèo chưa thể tự đứng vững trên đôi chân của mình nhưng đã thiếu sự quan tâm của cộng đồng nên nguy cơ tái nghèo rất cao.


Nhiều hộ ra khỏi hộ nghèo nhưng chưa đứng vững trên đôi chân của mình nên nguy cơ tái nghèo là rất cao

Nhân rộng thực tiễn những cách làm hay, hiệu quả để giảm nghèo bền vững cho những hộ đã ra khỏi hộ nghèo là bài học cần rút ra từ chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 để áp dụng cho giai đoạn mới; Hỗ trợ vốn, kiến thức để phát triển gia trại hay đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư và xuất khẩu lao động để tạo thêm việc làm, thu nhập cho người nghèo... là cách mà khá nhiều địa phương đã làm hiệu quả trong thời gian qua.


Theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Nghệ An còn 12,10%, cao hơn mức bình quân cả nước.

Có đất nhưng thiếu vốn, thiếu vật nuôi nên ngay từ khi còn thuộc diện hộ nghèo anh Lương Văn Trọng đã chọn cách nhận nuôi trâu bò cho những hộ có điều kiện. Vì thế, ra khỏi hộ nghèo 3 năm, anh đã có 5 con trâu, 6 con bò và một đàn dê. Cùng với diện tích lúa nương khai hoang được, cái đói, cái nghèo đã dần thoát khỏi gia đình anh.

Khơi dậy tinh thần tự thân, lao động sáng tạo, cần cù vươn lên thoát nghèo và làm giàu đồng thời kết hợp phát huy tiềm năng của cộng đồng, tuyên truyền để cả xã hội vì người nghèo và quan tâm đến người nghèo để cùng nhau vươn lên là cách làm mà các địa phương cần chú trọng. Ông Vi Văn Oanh - Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Kỳ Sơn cho hay: Huyện đã tổ chức xây dựng mô hình như: rau sạch ở Khe Ninh, chanh leo ở xã Bắc Lý và Mỹ Lý đã cho hiệu quả bước đầu. Trong thời gian tới, huyện sẽ mở rộng thêm nhiều mô hình cùng chính sách cho vay vốn của huyện để thực hiện giảm nghèo bền vững.


Triển khai các mô hình kinh tế hiệu quả và tạo công ăn việc làm là yếu tố tiên quyết cho việc thực hiện giảm nghèo bền vững (Trong ảnh: Mô hình nuôi cá lồng ở Tương Dương đã tạo điều kiện cho nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững)

Ở huyện Đô Lương, trường hợp như gia đình chị Đặng Thị Tám, tuy vẫn còn nhưng cũng có không ít hộ vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động, thu hút đầu tư của địa phương. Gia đình ông Nguyễn Quang Sâm ở xóm 2, xã Trù Sơn trước đây vốn nghèo nhất xóm nhưng cũng từ nguồn vốn con đi xuất khẩu lao động nay gia đình đã phát triển kinh tế gia trại ổn định. Nhiều gia đình nghèo trong huyện cũng đang được tạo cơ hội việc làm, kiếm thêm thu nhập. Ông Ngọc Kim Nam - Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: Trước mắt, trên địa bàn huyện Đô Lương, các công ty Prex Vinh, Xi măng Đông Lương, Khu công nghiệp Thượng Sơn đang được thu hút lao động địa phương vào làm việc. Việc làm là yếu tố tiên quyết để thực hiện thành công việc giảm nghèo bền vũng.


Anh Lô Văn Tuyên (Hữu Kiệm - Kỳ Sơn) trả lời phỏng vấn của PV NTV trong nỗi lo tái nghèo - điều mà anh không hề mong muốn

Theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Nghệ An còn 12,10%, cao hơn mức bình quân cả nước. Trong giai đoạn 2016 -2020, Nghệ An phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2-3%/năm, trong đó các huyện, xã nghèo giảm bình quân từ 4 -5%/năm. Đây thực sự là những thách thức không hề nhỏ nhưng thách thức lớn hơn là kết quả đạt được sau 5 năm giảm nghèo phải là những con số thực chất, giảm hẳn nguy cơ tái nghèo.

Tác giả bài viết: Xuân Hướng – Trường Ca

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP