Trong nước

Hà Tĩnh: Nước mắt ngậm ngùi của vợ liệt sỹ trót tin vào lời hứa từ cán bộ xã

3 năm trước, cán bộ xã ráo riết vận động bà - một người vợ liệt sỹ đầy khó khăn - phá bỏ căn nhà cũ, xây căn nhà mới để có có chỗ sinh sống an toàn và có nơi thờ tự chồng. Xã động viên bà vay mượn làm trước, khi nhà làm xong có nhà tài trợ, xã sẽ chi trả cho bà 50 triệu...

Bà cắn răng vay nóng kịp hoàn thành căn nhà ấy, nhưng nhà xây xong tiền của xã chẳng thấy đâu. Vậy là 3 năm qua, người vợ liệt sỹ khốn khổ nhất xóm phải còng lưng trả nợ.

Câu chuyện uất nghẹn, đắng cay ấy là của bà Trương Thị Hòa, SN 1949, là vợ liệt sỹ, trú tại xóm 1, xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Còn bộ ván đóng quan tài rồi cũng bán nốt...

Nhận được lá đơn trình bày đẫm nước mắt, khó tin của bà Hòa, sáng ngày 8/7, PV Dân trí đã về xã Kỳ Phong để rõ thực hư câu chuyện. Đến xóm 1, hỏi về bà, nhiều người tận tình chỉ: “Anh theo con đường bê tông ấy đi thẳng, nhìn bên phải thấy ngôi nhà nào bé như cái hộp diêm, trơ trọi không mái lợp che nắng, tường mới chỉ trát vữa sơ sơ, cửa chính, cửa số chỉ mấy tấm ván đóng lại, ấy là nhà của bà Hòa”.

Như lời chỉ dẫn, không khó để nhận ra “ngôi nhà” của người vợ liệt sỹ viết đơn kêu cứu. Căn nhà như cái lô cốt bê tông trơ trọi, buồn tạnh. Gọi mãi không thấy tiếng trả lời, nghĩ bà không có nhà, nhưng đi vòng ra phía sau mới biết bà Hòa bị ốm, đang nằm nghỉ trong căn phóng bé nhỏ, nóng phả hầm hập. Bà thất thểu mở cửa đón người lạ với nét mặt buồn bã.

Bà Hòa nhói đau khi trình bày với PV nỗi thống khổ kéo dài suốt 3 năm qua mà chưa biết ngày chấm dứt.

Thấy chúng tôi rút lá đơn do chính tay bà gửi tới văn phòng, bao uất nghẹn dồn nén lâu nay mới có dịp trải lòng, bà òa khóc nức nở. “Sao bác khổ thế này. Cả cuộc đời bác hi sinh cho đất nước, cuối đời rồi mà vẫn chưa được yên thân”- người phụ nữ hốc hác, cuồng thâm đôi mắt sụt sùi khóc.

“Tất cả là vì căn nhà này đấy cháu à”- bà Hòa chua chát bắt đầu câu chuyện về nỗi uất ức kéo dài suốt 3 năm qua.
Người vợ liệt sỹ bật khóc khi nhắc đến khoản nợ mà bà phải oằn lưng trả trong 3 năm qua. Tưởng có nơi thờ tự, hương khói, báo đáp công ơn hy sinh của ông ấy, nào ngờ bác phải chịu quá nhiều tủi nhục. Biết thế, Bác đã không làm cái nhà này - bà Hòa khóc sụt sùi kể.

Người vợ liệt sỹ bật khóc khi nhắc đến khoản nợ mà bà phải oằn lưng trả trong 3 năm qua. "Tưởng có nơi thờ tự, hương khói, báo đáp công ơn hy sinh của ông ấy, nào ngờ bác phải chịu quá nhiều tủi nhục. Biết thế, Bác đã không làm cái nhà này" - bà Hòa khóc sụt sùi kể.

Theo bà Hòa, tháng 7 năm 2012, vì căn nhà xây tạm bợ lâu ngày đã quá xuống cấp, sập đổ bất cứ lúc nào, bà đã trình bày với xóm, xã muốn sửa sang lại, vừa có nơi trú ngụ, vừa có chỗ thờ tự người chồng là liệt sỹ, hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Sau đó, một đoàn công tác của xã đã xuống kiểm tra. Nhiều người xuống, họ không tin là bà lại có thể sống trong căn nhà tồi tàn đến thế. Họ ghi chép, đo đạc rồi nói, bác xứng đáng được Đảng, Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, sửa chữa hoặc xây mới nhà. Họ nói thế, nhưng cả năm sau bà không thấy gì.

“Bẵng đi một thời gian, độ tháng 4 năm 2013, ông Đặng Thế Long, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã chạy xe đến nhà thông báo, bác nằm trong diện được hỗ trợ xây nhà. Bác nói, đến miếng ăn chưa đủ thì lấy chi để xây nhà. Ông ấy bảo bác, bà cứ vay mượn xây trước, làm xong sẽ có tiền hỗ trợ của nhà nước và nhà tài trợ. Thấy bác vẫn chần chừ, ông ấy thúc, bà cứ mạnh dạn vay mượn mà làm, rồi có tiền hỗ trợ”.

Bà Hòa đứng bên căn nhà cũ đã đập bỏ một phần để xây ngôi nhà mới theo sự đốc thúc của ông Chủ tịch MTTQ xã Kỳ Phong.

“Vì quá khó khăn, sợ không kham nổi, nên bác đã hai lần tìm đến nhà riêng ông chủ tịch mặt trấn ấy hỏi cho chắc chắn. Gặp lần nào ông ấy cũng thúc, luôn nhắc lại lời hôm trước: Bà cứ mạnh dạn mà làm, làm mới có tiền hỗ trợ, đã có nhà tài trợ bên dầu khí hứa hỗ trợ 50 triệu rồi” - người vợ liệt sỹ khốn khổ kể tiếp.

Tận trong đáy lòng bà Hòa cũng muốn có chỗ thờ tự đàng hoàng cho người chồng đã hi sinh vì đất nước, nay tin lời ông Chủ tịch MTTQ xã, bà đã bấm bụng cho phá dỡ căn nhà cũ, làm lại căn nhà mới. Không có tiền, bà dạo một vòng quanh xóm xin nợ tiền công, tiền vật liệu xây dựng. “Ai cũng biết là bác khó có khả năng chi trả, vì hoàn cảnh của bác nghèo khó ai người ta cũng biết. Nhưng họ thương bác, họ tin làm xong chính quyền sẽ chi trả, nên họ cho bác nợ để làm”- bà Hòa lớm rớm nước mắt thuật lại.

Nhưng, chẳng ai ngờ, căn nhà mới này đã khởi đầu cho chuỗi ngày khốn khổ của người vợ liệt sỹ ốm yếu thường xuyên. Sau khi hoàn thành xong căn nhà với tổng kinh phí hết 80 triệu đồng, bà Hòa thông báo với chính quyền và cá nhân ông Chủ tịch MTTQ xã Kỳ Phong, nhưng xã bảo chưa có tiền. Năm lần bảy lượt khốn khổ đi hỏi, bà luôn bị xã khất lần.

Sau khi hoàn thành xong căn nhà với tổng kinh phí hết 80 triệu đồng, năm lần bảy lượt bà Hòa khốn khổ đi hỏi tiền để trả nợ. Nhưng bà chỉ nhận được câu trả lời "chưa có tiền".

“Có lần bà con ở đây người ta đòi nợ bác dữ quá, thấy tủi thân, bác lên gặp trực tiếp ông Long để hỏi. Chưa có tiền đã rồi, ông ấy còn nặng lời với bác, tiền chưa về, khi nào có tôi đưa. Bác nghe mà nghẹn lòng, tim như muốn ngừng đập, đêm nào cũng nằm khóc một mình”- người vợ liệt sỹ uất ức kể.

Chờ mãi không thấy tiền bà Hòa đành đội nón đến gõ cửa một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn để vay nợ, nhưng bà bị ngân hàng nọ khước từ. “Bác không có tài sản thế chấp, lại tuổi già sức yếu nên họ không cho vay. Cực chẳng đã, bác đã phải nhờ đứa con trai cũng là hộ nghèo ở tận Cần Thơ vay cho 40 triệu đồng từ ngân hàng chính sách, gửi về cho mẹ trả nợ. Chừng ấy tiền của con vay mới trả được phân nửa, số còn lại bác đành khất nợ, trả dần” – giọng bà Hòa nghẹn ngào.

Tin lời chính quyền xã, bà Hòa đã vay nợ xây cái nhà nhỏ này để có nơi thờ tự người chồng liệt sỹ. Nhưng cái giá mà bà phải trả là chuỗi ngày còng lưng trả nợ chưa biết khi nào chấm dứt?

Như lời bà Hòa kể, chuỗi ngày sống trong cảnh nợ nần của bà khốn khổ đủ đường. 1,3 triệu tiền hương khói liệt sỹ cho chồng hàng tháng, hay nuôi được con gà nào bà cũng bán, gom góp dành hết để lo trả nợ, trả lãi. Trả cho dân chưa hết, vừa rồi đã quá kỳ hạn trả, đứa con trai của bà Hòa lại gọi về hỏi mẹ, xã đã có tiền chưa để gửi vào hoàn trả ngân hàng. Bà Hòa cũng cho biết, đã 3 kỳ họp Hội đồng nhân dân xã, cả bà và xóm đều đã có ý kiến, nhưng xã không giải quyết cho.

"Bác giờ sức tàn lực kiệt rồi, có làm chi được nữa. Còn bộ ván đóng quan tài bác mua mấy năm trước, khó khăn chưa đóng được, chắc sắp tới bác cũng bán nốt để trả nợ cho người ta. Như thế, không chỉ bác, mà ông ấy ở dưới suối vàng cũng không thể ấm lòng” – bà Hòa nước mắt lưng tròng lau mấy tấm ván, tài sản quý nhất bà nói với chúng tôi.

Vì nợ nần chồng chất, không còn gì để bán, bà Hòa tính bán đi mấy tấm ván quan tài mà bà chưa kịp đóng để góp thêm trả nợ.

Lời hứa gió bay?

Đã ở cái tuổi gần đất xa trời, nỗi khốn khổ, cùng cực của bà Hòa khó có thể kéo dài thêm được nữa. Vậy mà buổi làm việc với những người có trách nhiệm của chính quyền, mặt trận tổ quốc xã Kỳ Phong sau đó, chúng tôi đã không khỏi giật mình.

Ông Đặng Thế Long, vừa mới nghỉ việc, người trực tiếp vận động, đốc thúc bà Hòa vay nợ, phá bỏ nhà cũ, xây căn nhà như đã nói, thừa nhận những lời tường trình của bà Hòa với chúng tôi là chính xác. Vậy nhưng khi được đề cập, ông là người vận động, hứa chi trả một phần chi phí xây mới căn nhà của bà Hòa, vị này liền phủi tay: “Không, không. Tôi chỉ là người vận động thôi. Hồi ấy anh Viên cán bộ văn phòng UBND xã bảo tôi về vận động bà Hòa và hai trường hợp chính sách khác làm nhà rồi có tiền hỗ trợ từ Tập đoàn dầu khí. Xã bảo thì tôi chỉ biết vận động thôi. Việc thanh toán kinh phí thì tôi không có trách nhiệm, mà phải hỏi xã. Anh hỏi anh Phụ hồi ấy là Chủ tịch, giờ là Bí thư xã là rõ nhất”.

Gặp ông Trần Văn Phụ, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Phong, vị cán bộ này dường như không hay biết nỗi khốn khổ mà người vợ liệt sỹ Trương Thị Hòa đang phải gánh chịu. Phải hỏi cán bộ văn phòng, trực tiếp gọi điện thoại cho ông Long mà chúng tôi đề cập ở trên, vị bí thư này mới nắm lại phần nào sự việc.

Ông Trần Văn Phụ gọi điện cho ông Long, vị chủ tịch MTTQ xã đã nghỉ hưu để hỏi về ngôi nhà xây của bà Hòa.

Trái ngược với lời vị cán bộ mặt trận đã nghỉ việc, ông Phụ nói, việc xây nhà cho bà vợ liệt sỹ Trương Thị Hòa không phải là chủ trương của xã, mà là do mặt trận triển khai. “Xã không có chủ trương, mà do mặt trận thực hiện. Hồi ấy nghe đâu có đơn vị của Tập đoàn dầu khí có chủ trương hỗ trợ làm nhà cho đối tượng chính sách, ông Long ông đi họp, tiếp thu đâu trong huyện rồi về vận động người dân làm. Làm ra rồi, họ (nhà tài trợ) lại không chuyển tiền về nên mặt trận không có tiền thanh toán như đã hứa với bà Hòa”- ông Phụ phân trần. Vị Bí thư nói thêm, vì không có chủ trương nên dẫu biết bà Hòa là đối tượng chính sách, hoàn cảnh khó khăn, nhưng xã cũng không biết lấy đâu nguồn để thanh toán.

PV nêu thẳng vấn đề với vị Bí thư đảng ủy xã về việc tìm nhà tài trợ đã hứa để đòi tiền cho đối tượng có công. Vị bí thư Đảng ủy xã một lần nữa khiến chúng tôi tá hỏa khi cho biết, việc đòi tiền từ nhà tài trợ là rất khó, vì khi triển khai nhà tài trợ chỉ nói bằng miệng mà không có văn bản cam kết gì!

Như vậy là đã rõ. Nỗi thống khổ của của bà Hòa, vợ một liệt sỹ đã mấy chục năm chưa tìm được hài cốt, xuất phát từ việc làm “cầm đèn chạy trước ô tô” của mặt trận, chính quyền xã Kỳ Phong. Cuộc sống của bà Hòa có thể khó khăn, nhưng sẽ không ở vào cảnh cùng cực như 3 năm qua nếu không có sự đốc thúc cùng lời hứa của chính quyền xã.

Nhớ lại giây phút bà Hòa ngồi khóc, lau mấy tấm ván quan tài- thứ tài sản quý giá nhất bà nói là sẽ bán đi để trả nợ- mà quá xót xa.

Tác giả bài viết: Văn Dũng – Tiến Hiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP