Kinh tế

Quỳnh Lưu: Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm mùa mưa lũ

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn, thời gian tới thời tiết tiếp tục có những thay đổi phức tạp, diễn biến khó lường; đặc biệt là mùa mưa lũ đang đến gần - Là thời điểm nhạy cảm với đàn vật nuôi, nên dịch bệnh ở gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát và lan ra diện rộng. Vì vậy, công tác quản lý, giám sát và phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi là rất quan trọng.

Toàn huyện hiện có hơn 10.300 con trâu, trên 14.100 con bò, đàn hươu, nai trên 14.000 con, tổng đàn gia cầm hơn 2,1 triệu con. Giao mùa là thời điểm đàn vật nuôi dễ bị nhiễm bệnh do thời tiết thay đổi thất thường, đặc biệt là khi có mưa lũ. Vào mùa mưa, mầm bệnh theo nước lũ sẽ lan đi khắp nơi. Lũ lụt càng lớn, quy mô càng rộng thì sự lan truyền mầm bệnh càng tăng, mức độ nguy hiểm càng lớn. Mặt khác, trong khi có sự di chuyển đàn gia súc, gia cầm tránh lũ sẽ đem theo các mầm bệnh từ nơi này tới nơi khác. Các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh tẩy uế chuồng trại cũng không được thực hiện tốt, làm suy giảm đáng kể sức chống chịu bệnh tật ở vật nuôi, khiến cho các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, dịch tả, thương hàn… dễ lây lan và bùng phát. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi trong thời điểm giao mùa, người chăn nuôi cần chú trọng các biện pháp phòng trừ bệnh dịch cho đàn vật nuôi bằng các biện pháp sau:
ga+quynh+lâm
Trang trại nuôi gà của chị Nguyễn Thị Huyền, xóm 9, xã Quỳnh Lâm

Thứ nhất: Người chăn nuôi cần kiểm tra, nâng cấp, cải tạo chuồng nuôi trước khi mùa mưa lũ đến. Nên xây chuồng nuôi, trang trại cách xa khu dân cư nhằm hạn chế nguy cơ truyền bệnh cho người, vật nuôi. Chuồng nuôi nên chọn nơi cao ráo, thoáng mát, chắc chắn, chống dột, ngập lụt, có tấm che chắn mưa gió để bảo vệ gia súc, gia cầm khi mưa to, gió lớn.

Thứ hai: Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc, gia cầm để tăng sức khỏe, giúp chúng có đủ khả năng chống lại các tác động bất lợi, hạn chế phát sinh dịch bệnh. Thực hiện tốt kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, phù hợp với giống, lứa tuổi, tính riêng biệt và mục đích sản xuất của từng loại gia súc, gia cầm. Cần chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm đảm bảo đầy đủ trong mùa mưa bão. Bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa vào thức ăn khi thời tiết bất lợi để tăng cường sức đề kháng và phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Đảm bảo vệ sinh thức ăn, cung cấp đủ nước uống, có thể sử dụng Chloramin-B, T khử trùng nước đối với những nơi nguồn nước bị ô nhiễm, đảm bảo cung cấp đủ nước cho vật nuôi.

Thứ ba: Thường xuyên vệ sinh phòng bệnh cho gia súc, gia cầm như: Quét dọn, vệ sinh sạch sẽ trong và ngoài chuồng nuôi; định kỳ vệ sinh máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi; phun sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi gia súc, gia cầm để diệt mầm bệnh có trong môi trường. Chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh của chính quyền địa phương và quy định của pháp luật về thú y. Hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm không giấu dịch, không bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh, không vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm bị bệnh, không ăn thịt gia súc, gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc, không vứt xác gia súc, gia cầm ốm, chết ra ngoài môi trường xung quanh.

Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện chưa có bệnh dịch nào xuất hiện trên đàn vật nuôi. Vì vậy, việc phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trong mùa mưa bão cần phải được thực hiện thường xuyên và liên tục để giảm thiệt hại cho người chăn nuôi./.

Tác giả bài viết: Lam Quỳnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP