Giáo dục

Đừng nhân giống ‘Kền kền’ trong môi trường giáo dục!

Phải chăng cái mầm mống “Kền kền” từ cú poll do ông Mai Phan Lợi lập ra cũng ăn sâu, bén rễ trong tâm hồn một nhà giáo?

Một người chiến sĩ khoác áo Không quân Việt Nam đã hóa sếu trắng bay giữa trời xanh bao la. Một người vợ góa chưa khô dòng lệ nơi khóe mắt. Một đứa trẻ bốn tuổi ngơ ngác trước linh cữu. Một bé con chưa kịp chào đời đã chịu cảnh mồ côi cha… Bi kịch của một gia đình đã bắt đầu từ ngày chiếc máy bay Su-30MK2 mất liên lạc.

Bao nhiêu tiền bạc mới bù đắp được mất mát lớn lao ấy? Bao nhiêu sự tương trợ mới san sẻ hết nỗi đau mất người thân? Mọi sự đặc cách, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cũng như các cơ quan đơn vị đều là những nỗ lực đáng trân trọng nhằm tri ân người đã ngã xuống để bảo vệ sự bình yên cho vùng trời, vùng biển Việt Nam. Người dân bình thường như ta có thể làm gì cho họ ngoài những lời chia buồn, động viên và lời chúc tốt lành cho người thân của các chiến sĩ.

Ấy vậy mà vẫn có những con người ích kỉ, nhỏ nhen, so đo, tính toán trước nỗi đau của người khác. Đắng lòng hơn, người ấy lại đang khoác áo nhà giáo, ngày ngày rao giảng các bài học về đạo đức, luân lí: Bà Trần Thị Mỹ Hà, tổ trưởng tổ Văn trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) đã đăng đàn “phản pháo” quyết định tuyển dụng đặc cách vợ đại tá Trần Quang Khải – cô Trần Thị Hà – vào trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).


Những dòng "bức xúc" của cô giáo Hà trên trang cá nhân. Ảnh: Chụp màn hình

Quyết định đặc cách của Chủ tịch UBND Hà Nội vừa ban hành, bao người trên khắp đất nước hoan hỉ bởi tính nhân văn và kịp thời. Nhưng hãy xem cách “cô giáo” Hà mượn “tự do ngôn luận” để nhận xét rằng: “Giống cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học. Ku Tây không thích điều này”. Phải chăng cái mầm mống “Kền kền” từ cú poll do ông Mai Phan Lợi lập ra đã mọc rễ trong sâu thẳm con người ấy?

“Văn học là nhân học”. Giáo viên dạy văn có thâm niên làm tổ trưởng một trường có tiếng ở thủ đô lẽ nào lại chẳng thẩm thấu lấy một phần tư tưởng “tương thân tương ái” và đạo lí “uống nước nhớ nguồn” vĩnh hằng của dân tộc. Trong khi cả nước đang nỗ lực san sẻ nỗi đau li biệt, mất mát thì phát ngôn vô tình của một cô giáo lại hoàn toàn đi ngược với dòng chảy tình người, tình đồng bào của cả dân tộc. Đằng sau sự “vô tình” ấy chính là sự vô tâm và vô cảm với nỗi bất hạnh của người khác!

Xin hỏi “cô giáo” Hà, việc đặc cách cô giáo Trần Thị Hà có điểm nào bất hợp lí và khập khiễng không? Một người phụ nữ đơn côi với một đứa con nheo nhóc và bụng mang dạ chửa đang ở trọ, chưa có việc làm liệu có đủ để ta thông cảm? Cô Trần Thị Hà vốn là thạc sĩ Sinh học, vượt tiêu chuẩn đứng lớp THPT. Cùng là dân một nước, cùng là phận chân yếu tay mềm, lẽ nào chẳng có chút từ tâm?

Xin hỏi “cô giáo” Hà, cô có dám đánh đổi thân phận với cô Trần Thị Hà không? Cô đủ can đảm gánh gồng trong hoàn cảnh vợ góa con côi? Cô đã đóng góp gì cho đất nước này? Cô đang hưởng cuộc sống bình yên để ngồi đó gõ phím là nhờ ai?

Lòng ích kỉ, sự nhỏ nhen và đố kị thì ai cũng có. Chỉ khác ở lượng nhiều hay ít, chất còn trong trẻo hay đã hoen ố, vẩn đục. Và tôi xin cô đừng bao giờ nhân giống “Kền kền” trong môi trường giáo dục nữa!

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Tác giả bài viết: Nguyễn Ngọc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP