Kinh tế

47 dự án đầu tư ra nước ngoài của các "ông lớn" Nhà nước lỗ hơn 1 tỷ USD

Trong số các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư ra nước ngoài, hiện có 47 dự án đang có số lỗ lũy kế hơn 1 tỷ USD.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và việc quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp năm 2019 lên Quốc hội.

Dự án khai thác muối mỏ Kali tại Lào của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) điển hình cho thua lỗ

Theo báo cáo, điểm đáng chú ý là đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang gặp khó khăn, nhiều dự án đã bị thua lỗ.

Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2019, có 27 doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối có dự án đầu tư ra nước ngoài, chủ yếu trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản, xây lắp và vận tải hàng không, bệnh viện, chế biến dược phẩm,...

Tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp có vốn Nhà nước chủ đạo hiện là 12 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đến hết năm 2019 là 6,5 tỷ USD.

Riêng là các ông lớn như PVN, Viettel và VRG có vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện lớn nhất với giá trị đầu tư ra ngoài lần lượt là 3,4 tỷ USD (chiếm 52%); 1,8 tỷ USD (chiếm 27,54%) và hơn 930 triệu USD (chiếm 14,36%).

Về tình hình thu hồi vốn đầu tư ra nước ngoài, trong năm 2019, các dự án đầu tư ra nước ngoài đã chuyển về nước tổng số tiền là 435 triệu USD.

Lũy kế đến hết năm 2019, có 10/27 doanh nghiệp đã có thu hồi vốn đầu tư từ các dự án tại nước ngoài với số tiền 2,9 tỷ USD, bằng 45,72% vốn đầu tư đã thực hiện, gồm: PVN đã thu hồi 2,1 tỷ USD (bằng 61,38% vốn đầu tư thực hiện); Viettel đã thu hồi 810 triệu USD (bằng 45,12% vốn đầu tư thực hiện); 8 Tập đoàn, Tổng công ty (VRG, VNPT, Petrolimex, Vinachem, Mobifone, Tổng công ty Hàng không Việt Nam,...) chuyển về nước 56,45 triệu USD.

Năm 2019, có 87/130 dự án báo cáo về doanh thu, lợi nhuận với tổng doanh thu tại nước ngoài là hơn 7.021,88 triệu USD, bằng 127,16% so với năm 2018.

Theo báo cáo, đáng mừng nhất là hiện có 53 dự án có lợi nhuận với tổng lợi nhuận 565 triệu USD, tăng 39 triệu USD và bằng 107,42% so với năm 2018; 33 dự án bị lỗ với số lỗ là 156 triệu USD giảm 201 triệu USD và bằng 43,74% so với năm 2018. Số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam là 206,3 triệu USD, giảm 25,04 triệu USD và bằng 89,18% so với năm 2018.

Tuy nhiên, vẫn còn 47 dự án bị lỗ lũy kế với số lỗ 1 tỷ USD. Ngoài ra, còn một số dự án chưa báo cáo doanh thu, lợi nhuận nên chưa có cơ sở để đánh giá về hiệu quả đầu tư của các dự án này.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ trình Quốc hội, hiện các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư ra nước ngoài hoặc các dự án đầu tư ở nước ngoài còn có những dự án khó khăn, tiềm ẩn rủi ro và tồn tại, chưa có hiệu quả đầu tư.

Nhiều dự án khai thác, thăm dò dầu khí phải dừng, giãn tiến độ hoặc thực hiện thủ tục kết thúc (có tỷ trọng vốn đầu tư cao); Các dự án trồng và chế biến cây cao su, một số dự án vẫn còn trong giai đoạn đầu tư hoặc mới đưa vào khai thác và đang lỗ kế hoạch, tiềm ẩn rủi ro (chính sách đất đai, thuế, lao động, rủi ro thị trường,...); Một số dự án viễn thông có số lỗ lũy kế lớn hoặc mất quyền kiểm soát và rủi ro tỷ giá.

Đáng lo ngại, một số dự án không hiệu quả thuộc các lĩnh vực khác vẫn đang hoạt động hoặc dừng triển khai như Dự án khai thác muối mỏ Kali tại Lào, Dự án thành lập Hãng hàng không quốc gia Campuchia...

"Nhìn chung, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DNNN và DN có vốn nhà nước chưa đạt được như kỳ vọng đầu tư. Ngoài những nguyên nhân khách quan (như chính trị, chính sách đầu tư nước sở tại...) thì nguyên nhân chủ quan là vấn đề về năng lực quản lý, quản trị rủi ro, năng lực dự báo thị trường và kinh nghiệm trong đầu tư ra nước ngoài", báo cáo nêu rõ.

Tác giả: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP