|
Tham gia nêu ý kiến tại diễn đàn người lao động năm 2023, đề xuất về cơ chế, chính sách cho một số ngành đặc thù, ông Trần Mạnh Hùng, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Dân Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết là giáo viên một huyện miền núi, gần biên giới, nên ông phải đi làm cách nhà 70km.
Do đó, ông rất đồng cảm và thấu hiểu đời sống của giáo viên mầm non, giáo viên cắm bản vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn, nhất là về nhà ở, nơi sinh hoạt cho các thầy cô.
Để các thầy giáo, cô giáo yên tâm “gieo con chữ”, ông Trần Mạnh Hùng đề nghị Nhà nước tiếp tục quan tâm về nhà công vụ cho giáo viên cắm bản; có chính sách lương phù hợp cho giáo viên mầm non; xây dựng quy định giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc.
Công nhân, người lao động tham gia nêu ý kiến, kiến nghị tại diễn đàn người lao động năm 2023. |
Cùng nêu ý kiến tại diễn đàn, PGS.TS Phạm Thị Huyền - Trưởng Bộ môn Marketing, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nêu với Quốc hội vấn đề mà tất cả các trường đại học đều đang rất quan tâm là hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học đang từng bước thực hiện tự chủ đại học theo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi).
Đây là một chủ trương đúng để khơi thông các nguồn lực, nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, còn vướng mắc về cơ chế, chính sách do sự thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể đó là giữa Luật Giáo dục đại học với các luật: Luật Viên chức, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách. Do vậy mà nhiều nội dung, nhiệm vụ, các trường không thể triển khai được…
Bà Huyền đề nghị Quốc hội tiến hành rà soát, sớm sửa đổi, hoàn thiện đồng bộ các quy định của pháp luật về thực hiện tự chủ đại học.
Trả lời ý kiến của ông Trần Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục có lực lượng giáo viên, cán bộ gần 1,6 triệu người, chiếm số lượng đáng kể so với người lao động cả nước. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đến lực lượng nhà giáo.
Đối với những nhà giáo công tác tại vùng núi, biên giới, hải đảo… còn được thêm một số chính sách ưu đãi khác, như phụ cấp trách nhiệm, tuỳ theo từng đối tượng.
Đối với giáo viên mầm non ngoài công lập, Bộ trưởng cho biết, trải qua ảnh hưởng dịch Covid-19, các trường mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng, Bộ đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội ban hành Nghị quyết 103 hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập, đã chi trả cho hơn 50.000 người với số tiền là 158 tỉ đồng. Đây là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với giáo viên mầm non ngoài công lập.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời tại diễn đàn. |
“Tuy nhiên, so với những vất vả, hy sinh của giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, chính sách cần phải có ưu tiên nhiều hơn để động viên được giáo viên.
Bộ đang tham mưu Chính phủ thực hiện một số chính sách, như đẩy mạnh kiên cố hoá trường học, trong đó ưu tiên xây nhà công vụ cho giáo viên ở điểm trường, vùng khó khăn; phối hợp với Bộ Nội vụ kiến nghị xem xét nâng phụ cấp ưu đãi với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học. Hai Bộ bước đầu thống nhất và đang làm việc các bộ ngành khác để sớm triển khai trong thời gian tới”, ông Sơn nói.
Ngoài ra, Bộ cũng đang phối hợp Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét đưa đối tượng giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại.
Ngoài ra, Bộ đang chủ trì xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó lưu ý các chính sách đối với nhà giáo vùng sâu, vùng xa, khó khăn để động viên đối tượng này.
Người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo lưu ý, hiện nay cả ước có 16.000 nhóm trẻ độc lập, trong đó có nhiều giáo viên làm việc chưa được tham gia bảo hiểm xã hội, nên rất cần được quan tâm để bảo đảm quyền lợi của họ.
Tác giả: Hoàng Bích – Hữu Thắng
Nguồn tin: nguoiduatin.vn