Xã hội

Vụ tiêu hủy đàn chó khi chủ nhiễm Covid-19: "Anh em xã tiêu hủy đàn chó là gấp, có sai sót... mong bà con thông cảm"

"Chúng tôi động viên ông H. và nói rõ việc tiêu hủy đàn chó là để phòng chống dịch do bị áp lực nhiều quá chứ không có ý gì khác", Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời bày tỏ trên tờ Tri thức trực tuyến.

Ông H. trên đường chở 15 con chó về quê tránh dịch. Ảnh cắt từ clip sự việc

Liên quan vụ việc Cà Mau tiêu hủy đàn chó gồm 13 con của vợ chồng ông H., khi họ mang theo về địa phương tránh dịch, ông Trần Tấn Công (Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) vừa có thông tin mới nhất trên tờ Tri thức trực tuyến.

Ông Công trả lời nguồn trên, thời điểm ông H. từ Bình Dương về có đi cùng nhóm người cùng làm thợ hồ, trong đó có hai vợ chồng và con của anh D.K. (em vợ ông H.) Anh K. có mang theo 3 con chó và một con mèo.

Sau đó vợ chồng ông H. và K đều dương tính với SARS-CoV-2. Bà con trong khu cách ly thấy chó của những người nhiễm Covid-19 chạy quanh nên rất sợ. Anh K. khi đó nói toàn bộ chó, mèo là của anh ấy nên bắt bỏ vào bao.

Theo ông Công, khi đó, lực lượng làm nhiệm vụ tại đây thông báo sẽ tiêu hủy đàn chó và anh K. không có ý kiến gì. Ông H. sau đó biết sự việc đã phản ứng và cho rằng không nhận được thông báo gì.

"Qua điện thoại, anh em đã giải thích với ông H. là do anh K. nói đàn chó, mèo là của anh ấy nên không xin ý kiến ông H. Chúng tôi động viên ông H. và nói rõ việc tiêu hủy đàn chó là để phòng chống dịch do bị áp lực nhiều quá chứ không có ý gì khác. Anh em xã tiêu hủy đàn chó là gấp, có sai sót, sẽ rút kinh nghiệm và sửa sai, mong bà con thông cảm", tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến dẫn lời Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Trần Tấn Công.

Ông H. cho biết trên Thanh niên online, vợ chồng ông quê ở Bình Dương nhưng đi làm thợ hồ ở tỉnh Long An. Khi dịch bệnh căng thẳng, vợ chồng ông phải nghỉ việc đưa nhau về quê người em dâu của vợ ông H. ở xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau để tránh dịch. Ông bày tỏ, cả nhà đều thương bầy chó, dù khó khăn nhưng chưa ngày nào vợ chồng để cho đàn chó phải đói.

"Những lúc kiệt quệ quá, tui với bả xách lưới đi vòng vòng mấy cái mương giăng để kiếm cá về cho vợ chồng và tụi nhỏ (đàn chó - PV) nó ăn, nhiều lúc mình ăn gì là nó ăn đó tại coi tụi nó như con trong nhà mà", ông H. kể với báo Thanh niên.

Ông H. trên chuyến xe chở đàn chó đi tránh dịch cùng. Ảnh: Facebook

Trong chia sẻ với tờ Người lao động trước đó, Chủ tịch Công nói rằng, trong hơn chục con chó mà vợ chồng ông H. mang về có một con được xét nghiệm dương tính với một loại virus nào đó. Do chó bị bệnh nên lực lượng làm nhiệm vụ đã trao đổi với chủ nuôi đem đi tiêu hủy con chó bị bệnh và được sự đồng ý.

Còn ông Nguyễn Đức Thánh (Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau) trả lời Người lao động: "Tôi tìm hiểu văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì nhận thấy những con vật nghi nhiễm bệnh thì lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, không biết lực lượng làm nhiệm vụ tại đây ứng xử như thế nào. Tôi đã giao cơ quan chuyên môn về lĩnh vực trên phối hợp cùng địa phương rà soát để khẳng định việc này đúng sai thế nào rồi sẽ đưa ra hướng xử lý".

Theo Tuổi trẻ, Tiến sĩ Võ Trung Tín (Đại học Luật TP.HCM) cho rằng, trong vụ việc này, để xử lý thì đơn vị chức năng cần xác định xem những con chó có phải là vật nuôi có thể truyền bệnh hay nguy cơ tiềm ẩn rủi ro về virus corona không? Việc mang các con chó di chuyển với số lượng lớn có được xem là hành vi phải xử lý không?

Với người nuôi chó, nghĩa vụ được xác định theo thông tư 07 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn. Nếu người nuôi chó vi phạm thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Trong đó có việc "buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường" được áp dụng như biện pháp khắc phục hậu quả.

"Trong vụ việc cơ quan chức năng ở Cà Mau tiêu hủy bầy chó thì không rõ họ dựa vào quy định nào, cách thức ra sao. Nếu chủ chó có vi phạm hành chính thuộc trường hợp phải buộc tiêu hủy chó thì cần tuyên truyền cho người dân hiểu trước khi thực hiện", Tuổi trẻ online dẫn lời Tiến sĩ Võ Trung Tín.

Trả lời báo điện tử Phụ nữ TP.HCM, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, cần phải xác định việc tiêu hủy đàn chó có phải được thực hiện theo quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính hay không. Nếu đúng thì chủ sở hữu của đàn chó này có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính theo quy định pháp luật.

"Theo quy định tại Điều 10, Thông tư số 07/2016 (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 24/2019) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì việc áp dụng biện pháp tiêu hủy bắt buộc phụ thuộc vào từng loại bệnh động vật và hiện chưa có quy định động vật mắc bệnh Covid-19 sẽ bị tiêu hủy. Chưa nói, việc 15 con chó này có mắc bệnh hay không thì trách nhiệm chứng minh thuộc về người ban hành quyết định hoặc thực hiện hành vi hành chính", luật sư Chánh phân tích trên báo Phụ nữ TP.HCM.

Cũng theo vị luật sư, trong trường hợp việc ra quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính sai, đơn vị chức năng phải có trách nhiệm bồi thường cho chủ sở hữu đàn chó.

Trả lời trên Tuổi trẻ online, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai (Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM) nói rằng, thành phố hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý vật nuôi của người nhiễm Covid-19. Phương án xử lý chung tại TP.HCM là người nhiễm Covid-19 tự thu xếp việc chăm sóc vật nuôi trong thời gian đi cách ly, điều trị, bằng cách gửi người thân, bạn bè. Sau khi xuất viện, người bệnh sẽ được đón vật nuôi.

Trong một bài viết đăng ngày 8/9/2021, tờ Người lao động dẫn lời PGS-TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế) trả lời một độc giả: Đến nay, chưa có bằng chứng thật rõ ràng về việc chó, mèo hay vật nuôi khác là vật chủ trung gian truyền bệnh Covid-19 cho người, song đã có những công bố xét nghiệm cho thấy virus SARS-CoV-2 trong chó, mèo và nguy cơ lây lan theo cơ chế qua đường hô hấp của vật nuôi là thấp.

Song theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguy cơ lây bệnh Covid-19 từ chó, mèo là có nếu như người mắc Covid-19 ôm ấp, vuốt ve, chăm sóc chó, mèo. Khi đó, người nhiễm có thể ho, hắt hơi, lây dính nước bọt mang virus SARS-CoV-2 lên lông, da của vật nuôi. Người không mắc bệnh ôm ấp chó, mèo thì có thể lây dính virus lên tay, đưa lên mũi, miệng và lây nhiễm Covid-19 hoặc lông chó, mèo mang virus có thể lây dính lên các đồ vật khác và có nguy cơ lây sang người khác.

Ông cho rằng, chó, mèo và các vật nuôi khác có thể giống như "vật dụng" lây dính virus và lây nhiễm qua người khác khi sờ, nắm phải. Do vậy, giống như các biện pháp phòng chống lây nhiễm virus SARS-CoV-2, mọi người, đặc biệt là F0, không nên ôm ấp chó, mèo không dùng chung các đồ vật khác với người nhà nếu cách ly tại nhà.

Tác giả: PV

Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP