Một lần, tôi gặp một người phụ nữ rất thanh lịch trong phòng tập Gym. Bà ấy đã ngoài 50 tuổi, nhìn bề ngoài thì tưởng chừng như mới 30 nên mọi người trìu mến gọi là chị Lý. Chị Lý là giám đốc tài chính của một công ty, với mức lương hàng năm là một triệu NDT (hơn 3 tỷ đồng) và có sự nghiệp thành công. Mỗi lần xuất hiện ở phòng tập, chị ấy đều rất vui vẻ, thần thái.
Tôi tò mò hỏi chị Lý: “Chị có sự nghiệp tốt và ngoại hình đẹp, người đàn ông nào lấy được chị chắc có phúc lắm”. Chị thẳng thắn và tự nhiên nói với tôi: “Chồng chị là một công nhân vệ sinh”. Tôi nghe mà không dám tin vào tai mình. Tôi nghĩ một lúc, vẫn đoán là mình nghe nhầm hoặc chị Lý nói đùa. Hầu hết các cuộc hôn nhân trong đó người phụ nữ mạnh mẽ và người đàn ông yếu đuối đều kết thúc trong thất bại.
Ảnh minh họa |
Tôi hỏi chị Lý với vẻ mặt nghi ngờ: “Chị có vui không? Bình thường chị làm sao để hòa hợp được?”. Chị Lý cười ngọt ngào nói: “Nếu chị không vui, em nghĩ chị có thể trẻ đẹp thế này sao?”.
Chị Lý kể với tôi rằng, chị và chồng, anh Lưu, từng là đồng nghiệp. Chị làm kế toán và anh Lưu là công nhân kỹ thuật vận hành máy móc ở nhà xưởng. Hai người cũng được gọi là đôi lứa xứng đôi, yêu nhau và kết hôn sau một năm hẹn hò. Ba năm sau khi kết hôn, nhà máy đóng cửa và cả hai đều không có việc làm. Chị Lý nghe theo lời khuyên của bố mẹ và có con đúng vào giai đoạn kinh tế khó khăn nhất. Chị Lý có khả năng làm việc xuất sắc và kinh nghiệm phong phú. Chị nhanh chóng tìm được công việc khác và leo lên trở thành giám đốc tài chính. Công việc khiến chị vô cùng bận rộn. Thấy vợ quá bận, anh Lưu chọn một công việc bình thường, linh hoạt thời gian để hỗ trợ chị chăm sóc con cái. Cuối cùng anh chọn làm công nhân dọn vệ sinh.
Trong ba năm đầu, chị Lý đi làm về mỗi ngày mệt mỏi đến mức không còn tâm trạng để nói chuyện. Nếu con bám lấy mẹ và đòi chơi cùng, chị dễ nổi giận với chồng: “Mau đưa con đi để em nghỉ một lát. Cả ngày mệt quá! Anh đang rảnh mà”.
Anh Lưu lúc đầu cũng hiểu và thông cảm với vợ, nhưng theo thời gian tích tụ, anh không khỏi bùng nổ cảm xúc. Anh tức giận phản kháng: “Chăm con không hề dễ dàng, anh còn phải đi làm, cũng vất vả khổ sở lắm chứ”. Chị Lý nghe vậy liền tỏ ra không vui: “Anh làm công việc quét đường thì kiếm được bao nhiêu tiền?”. Cảm thấy nhân phẩm bị chà đạp, anh Lưu tức giận, chị Lý không chịu nhượng bộ, tình hình ngày càng căng thẳng.
Ảnh minh họa |
Sau đó, mỗi ngày gặp nhau, họ như 2 người xa lạ, nhìn nhau lạnh lùng. Tình trạng công việc của chị Lý ngày càng sa sút, thường xuyên mắc lỗi và bị sếp chỉ trích, ngủ không ngon, mặt mũi hốc hác, xanh xao. Chị Lý bắt đầu nhận ra rằng nỗi bất hạnh của gia đình đã ảnh hưởng lớn đến chị như vậy và chồng chị có lẽ cũng bị thế. Vì vậy, chị đã chủ động xin lỗi, làm hòa với chồng. Hai người bàn bạc cách giải quyết căn bản cuộc cãi vã.
Ba ngày sau, trong nhà của họ có những thay đổi chấn động, tâm trạng mọi người đều vui vẻ, tràn ngập hạnh phúc. Không khí gia đình bỗng trở nên rất hòa thuận, không còn cãi vã nữa. Hóa ra giải pháp mà họ thống nhất là dán một tờ giấy lớn lên tường với nội dung: “Hãy vứt bỏ danh vọng, địa vị và lo lắng, chỉ mang lại sự bình đẳng, hạnh phúc sau khi bước vào mà thôi”.
Chị Lý nói với tôi rằng tờ giấy đó thật kỳ diệu. Vợ chồng chị luôn hạnh phúc và chị không bao giờ nói điều gì xúc phạm đến công việc của chồng mình nữa. Hôn nhân là ngân hàng tình cảm, nếu cái gốc của việc tiết kiệm là tôn trọng và bình đẳng, hiểu biết và bao dung thì lãi thu được là hạnh phúc. Nếu số năm tiết kiệm là cả đời thì cái bạn có được là không bao giờ phải nói chia ly.
Tác giả: VỸ ĐÌNH
Nguồn tin: phunumoi.net.vn