Trong nước

Vì sao một số địa phương phải bầu cử thêm đại biểu HĐND?

Điều này cho thấy cử tri ngày càng có trách nhiệm hơn với lá phiếu của mình, đại biểu nào xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri thì sẽ được cử tri tin tưởng, đánh giá cao và chọn lựa.

Theo quy định, chậm nhất đến ngày 2/6 sẽ công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đến nay, theo báo cáo của nhiều địa phương, kết quả bầu đại biểu HĐND cấp tỉnh, thành phố, cấp huyện cơ bản đạt yêu cầu, đảm bảo đúng cơ cấu, thành phần. Tuy nhiên, ở một số địa phương, số đại biểu HĐND cấp xã bầu còn thiếu so với quy định, nên phải tiến hành bầu cử thêm.

Cử tri bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Tại Bắc Ninh, vào ngày 30/5, 11 Tổ Bầu cử thuộc 9 xã ở các huyện Lương Tài, Quế Võ, Yên Phong và Thuận Thành đã tổ chức bầu cử thêm 19 đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là các đơn vị có số đại biểu HĐND cấp xã trúng cử chưa đủ 2/3 số đại biểu được bầu đã được ấn định.

Tại Thái Bình, Ủy ban bầu cử tỉnh ấn định ngày chủ nhật 6/6/2021 sẽ tổ chức bầu cử thêm 5 đại biểu HĐND cấp xã của xã An Hiệp huyện Quỳnh Phụ, xã Việt Hùng huyện Vũ Thư, xã Hà Giang huyện Đông Hưng. Tỉnh Nam Định cũng có tới 18 đơn vị bầu cử phải tổ chức bầu cử thêm do bầu chưa đủ số lượng đại biểu. Hay ở Kiên Giang cũng có 5 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã, 1 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện bầu không đủ 2/3 số lượng đại biểu nên sẽ tổ chức bầu thêm vào ngày 6/6 tới.

Lý giải về việc vì sao một số địa phương phải bầu cử thêm đại biểu HĐND cấp xã, huyện, ông Nguyễn Trường Giang – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, theo quy định của pháp luật về bầu cử, bầu cử thêm do Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh quyết định cho đơn vị bầu cử mà ở lần bầu cử đầu tiên có số người trúng cử chưa đủ số lượng đại biểu được ấn định.

Một điểm bầu cử tại Quảng Ngãi.

Ví dụ ở một đơn vị bầu cử có 7 ứng cử viên, được bầu 5 người. Trong trường hợp cử tri gạch tên 2 người thì đó là phiếu hợp lệ, gạch 1 người thì phiếu không hợp lệ, nhưng cử tri cũng có quyền gạch tên 3 người, 4 người, thậm chí là 6 người. Đại biểu nào có số phiếu bầu hợp lệ không quá bán thì không trúng cử.

“Đây là quyền của cử tri, nếu cử tri cảm thấy ứng cử viên không xứng đáng thì họ có quyền không lựa chọn. Ở đây không ai bắt buộc cử tri phải bầu đủ, bầu đúng số lượng được bầu” – ông Nguyễn Trường Giang cho biết.

Cùng bàn về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp khóa XIV) cho rằng, việc bầu không đủ số lượng đại biểu HĐND cấp xã, cấp huyện là câu chuyện hết sức bình thường trong bầu cử. Nếu theo dõi ở các nhiệm kỳ trước có hiện tượng “quân xanh, quân đỏ” trong danh sách các ứng cử viên, thì ở nhiệm kỳ này, ông Hòa cho rằng, tiêu chuẩn của các ứng cử viên đều ngang nhau về năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức, trong đó tỷ lệ nữ, tỷ lệ trẻ, tỷ lệ ngoài Đảng đều đạt.

Đại biểu Phạm Văn Hòa

Ngoài những đơn vị bầu cử bầu đúng, bầu đủ số lượng đại biểu thì cũng có những đơn vị, có đại biểu không đạt quá một nửa tổng số phiếu hợp lệ. Ví dụ, đơn vị bầu cử có 5 đại biểu được bầu 3 người, tuy nhiên chỉ có 2 đại biểu đạt tỷ lệ phiếu bầu quá bán, đại biểu thứ 3 không đạt nên không trúng cử.

“Đây là việc bình thường trong bầu cử, điều đó cho thấy cử tri rất công bằng, vô tư, khách quan trong việc lựa chọn những người mà họ thấy đủ trình độ, năng lực để đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của mình ở cơ quan dân cử. Qua việc bầu cử lần này ở Đồng Tháp cũng cho thấy, đại biểu trúng cử và đại biểu không trúng cử không chênh lệch quá nhiều về tỷ lệ phiếu bầu” – đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.

Theo Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, việc bầu không đủ số đại biểu HĐND cho thấy cử tri quan tâm nhiều đến HĐND cơ sở, đặt kỳ vọng vào từng đại biểu nên có sự cân nhắc, lựa chọn kỹ càng. Cử tri biết rất rõ đại biểu ở địa phương họ như thế nào nên họ quyết định bầu hay không bầu, cho nên người trúng cử và người không trúng cử chỉ chênh lệch vài lá phiếu, chứ không có chuyện chênh lệch quá nhiều phiếu bầu.

Một điểm bầu cử tại Yên Bái.

Từ kết quả bầu cử HĐND cấp xã, phường vừa qua, ông Phạm Văn Hòa cũng cho rằng cần phải rút kinh nghiệm từ công tác tuyên truyền, vận động bầu cử. Theo đó, các phương tiện thông tin tuyên truyền cần tăng cường vận động để cử tri đi bỏ phiếu, vận động cử tri nghiên cứu lý lịch cũng như tiếp cận nhiều hơn với ứng cử viên, để từ đó có đánh giá khách quan, toàn diện hơn trước khi bỏ phiếu. Kỳ bầu cử lần này diễn trong bối cảnh đặc biệt khi dịch Covid-19 tái bùng phát với diễn biến phức tạp, khó lường, cho nên công tác vận động bầu cử của từng cử ứng cử viên cũng có phần hạn chế.

“Việc bầu không đủ số lượng đại biểu HĐND cấp xã, phường sẽ được Ủy ban bầu cử ở địa phương chỉ đạo tổ chức bầu cử thêm để đảm bảo đủ số lượng đã được ấn định. Điều này cũng cho thấy cử tri ngày càng có trách nhiệm hơn với lá phiếu của mình, đại biểu nào xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri thì sẽ được cử tri tin tưởng, đánh giá cao và chọn lựa” – ông Phạm Văn Hòa nhấn mạnh./.

Tác giả: Kim Anh

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP