Pháp luật

Vay 16 tỉ, trả 20 tỉ mà vẫn còn nợ 11 tỉ

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, cho biết mới triệt phá đường dây hoạt động ở TP.HCM cho vay với lãi suất tới 1.700%/năm. Khoản vay 16,2 tỉ đồng, đã trả 20 tỉ nhưng vẫn còn nợ tới 11 tỉ.

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, lo ngại tội phạm tín dụng đen sẽ gia tăng trong bối cảnh một số người giảm thu nhập, kinh doanh khó khăn do dịch COVID-19 - Ảnh: CTV

Tọa đàm nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn, do Hiệp hội Ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chủ trì tổ chức hôm 2-12.

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, nhận định tình hình tội phạm "tín dụng đen" thời gian qua tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 làm thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Cụ thể, trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tại một số địa phương liên tiếp xảy ra một số vụ án giết người, đe dọa giết người, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, cướp, cướp giật… có nguyên nhân từ "tín dụng đen" do các đối tượng, băng nhóm tội phạm thực hiện, gây bức xúc dư luận.

Lo ngại tội phạm ‘tín dụng đen’ gia tăng

Theo thiếu tướng Trần Ngọc Hà, tình trạng tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi, nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt và tái cơ cấu sản xuất kinh doanh tăng cao. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ thanh niên còn có nhu cầu vay tiền để phục vụ tiêu xài cá nhân, thậm chí mua ma túy, chơi cờ bạc...

Các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" lợi dụng công nghệ, mạng xã hội… mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên… vay tiền.

Công an các địa phương đã phát hiện tiếp nhận 539 vụ cho vay nặng lãi, trong đó đã khởi tố 314 vụ với 541 bị can; xử phạt hành chính 153 vụ trên 249 đối tượng.

Gần đây, Cục Cảnh sát hình sự đã triệt phá nhóm đối tượng người gốc Hải Phòng hoạt động ở TP.HCM cho vay với lãi suất cao nhất lên tới 1.700%/năm. Có 1 bị hại vay của nhóm đối tượng này 16,2 tỉ đồng và đã trả trên 20 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn còn nợ hơn 11 tỉ đồng.

Ngân hàng cần ưu tiên cho vay đối với người thu nhập thấp

Để ngăn chặn "tín dụng đen", thiếu tướng Hà kiến nghị UBND các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kịp thời giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội trong và sau thời gian dịch bệnh COVID-19.

Ông Nguyễn Văn Tất - phó vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, án trật tự xã hội - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - đề xuất ngân hàng, các tổ chức tài chính tiêu dùng cần có thêm nhiều sản phẩm cho vay nhỏ, ngắn hạn đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng chính đáng của người lao động thu nhập thấp.

Nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn tiêu dùng chính đáng của người dân, ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cam kết thời gian tới ngành ngân hàng khai thác cơ sở dữ liệu định danh dân cư để phục vụ cho vay tiêu dùng nhanh, không cần thế chấp .

Do tính nguy hiểm của loại tội phạm "tín dụng đen", ông Nguyễn Đình Tiến - phó chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân TP Hà Nội - đề nghị phải nâng cao mức phạt tù tối đa lên 15 năm đối với đối tượng vi phạm. Hiện mức hình phạt còn thấp, tối đa phạt tiền là 1 tỉ đồng và phạt tù 3 năm chưa đủ tính răn đe.

Điều căn cơ nhất để đẩy lùi "tín dụng đen", theo ông Tiến, là các tổ chức tín dụng nghiên cứu cho vay các đối tượng như người lao động nghèo, học sinh sinh viên với thủ tục đơn giản.

Tác giả: LÊ THANH

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP