Trong nước

Thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão số 3

Chiều 5/9, Chính phủ tổ chức cuộc họp trực tuyến triển khai công tác ứng phó với bão số 3 năm 2024. Đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp.

Tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh.

Quang cảnh điểm cầu Nghệ An

Bão số 03 tiếp tục mạnh lên cấp 16 (cấp siêu bão)

Sáng nay (05/9), bão số 03 tiếp tục mạnh lên cấp 16 (cấp siêu bão). Hồi 10 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 490km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10km/h.

Dự báo, khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 11-14, vùng gần tâm bão đi qua cấp 15-16, giật trên cấp 17; biển động dữ dội. Từ khoảng trưa ngày 06/9, vùng biển phía Đông của vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7. Từ đêm 06/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.

Từ gần sáng ngày 07/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11.

Từ đêm 06/9 đến sáng 09/9, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, lốc và gió giật mạnh cả trước và trong khi bão đổ bộ.

Các đồng chí chủ trì điểm cầu Nghệ An

Tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh, thành ven biển báo cáo công tác chỉ đạo ứng phó với bão số 3 trên địa bàn các địa phương.

Bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân

Tính đến 9 giờ ngày 05/9/2024, Nghệ An có 2.052 tàu thuyền đang neo đậu tại bến với 9.286 lao động; 01 tàu thuyền neo đậu ngoại tỉnh. 781 phương tiện đang hoạt động trên biển với 4.352 lao động; hiện không có tàu cá của tỉnh hoạt động trên vùng nguy hiểm. Tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông báo về vị trí, hướng di chuyển của Bão số 3.

Vụ Hè Thu - Mùa có hơn 40 ha lúa đã thu hoạch và hiện nay các địa phương đang khẩn trương thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Đối với Vụ Đông, Nghệ An đã gieo trồng được hơn 5.000 ha/KH 33.200 ha.

Hiện tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của Nghệ An 20.298 ha; có 4.040 lồng, bè, dàn. UBND tỉnh đã chỉ đạo tuyệt đối không để người dân ở trên lồng bè khi có bão, mưa lũ.

Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn cục bộ tại một số huyện miền núi, nên khi mưa lớn tiếp tục xảy ra thì nguy cơ sạt lở vùng miền núi, trung du, vùng hạ du hồ đập là rất lớn; hiện các địa phương đã xây dựng với các kịch bản để ứng phó. Trong phương án Ứng phó thiên tai năm 2024 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã xây dựng 5 kịch bản sơ tán dân vùng ven biển phòng tránh nước dâng do bão. Tùy vào cấp bão, các địa phương sẽ tổ chức sơ tán dân theo kịch bản.

Tỉnh tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân. Tổ chức trực ban theo dõi chặt chẽ tình hình, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế; báo cáo, đề xuất Trung ương chỉ đạo, xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền...

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phải thường xuyên cập nhật thông tin về cơn bão để người dân chủ động phòng ngừa

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phải thường xuyên cập nhật thông tin; thường xuyên tham khảo thông tin từ các nước để cung cấp, chuyển tải đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về cơn bão để người dân chủ động phòng ngừa. Trong truyền tải thông tin cần đưa các nội dung gần gũi để người dân hình dung được sức ảnh hưởng của cơn bão theo từng cấp độ để nắm bắt và phòng tránh; không thể bó buộc dự báo chỉ bằng số liệu.

Các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng triển khai 2 Công điện của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó bão số 3, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất. Tăng cường công tác phối hợp, phân công các nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; các cấp, từ lãnh đạo, đều phải nêu cao tinh thần chủ động, “Sai ở đâu phải quy rõ trách nhiệm”; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các vùng trọng điểm, xung yếu, nguy cơ cao để đôn đốc công tác ứng phó, kịp thời bổ sung các phương án phòng chống.

Theo dự báo, đến trưa ngày 6/9 bão số 3 sẽ ảnh hưởng vào đất liền, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị cần chú ý đến hoàn lưu bão số 3 với sức gió mạnh, tầm ảnh hưởng rộng. Bởi khi ấy, tình trạng ngập úng, lũ ống, lũ quét có thể xảy ra. Cơ quan khí tượng gấp rút làm bản đồ về lũ, gửi cho địa phương, tránh ảnh hưởng đến các công trình giao thông.

Phó Thủ tướng Chính phủ đồng tình về việc thành lập đoàn trực tiếp thị sát các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão. Đồng thời, yêu cầu cơ quan thường trực phối hợp chặt chẽ với địa phương giúp người dân phòng ngừa, tránh tổn thất về tài sản, cũng như con người khi ứng phó bão số 3.

Tác giả: Kim Oanh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP