Thói quen thức khuya, ngủ nướng
Các nhà khoa học gọi nhóm người thích thức khuya - ngủ nướng là "cú đêm" bởi họ có đặc điểm phân bổ thời gian trong ngày chẳng khác gì loài cú. Họ thường cảm thấy rất hăng hái vào buổi tối nhưng đến sáng lại uể oải. Thường xuyên đi ngược quy luật tự nhiên nên đồng hồ sinh học của cơ thể bị đảo ngược hoàn toàn làm cho sức khỏe giảm sút, hệ thống miễn dịch yếu đi, bệnh tật càng nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đó là lý do "cú đêm" thường phàn nàn về tình trạng đau đầu, chóng mặt, hay quên, chán ăn, buồn nôn, loạn nhịp tim, tức ngực khó thở, giảm năng suất lao động cũng như kết quả học tập.
Ảnh minh họa: Medicalnewstoday.
Ngủ nhiều hơn 9 giờ mỗi ngày
Các nhà khoa học cảnh báo những người ngủ nhiều hơn 9 tiếng đồng hồ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột cao hơn từ 1,4 đến 2 lần bình thường. Thời gian ngủ quá dài kết hợp với tình trạng thừa cân hoặc ngáy ngủ càng làm tăng nguy cơ ung thư.
Chứng ngáy ngủ có thể gây ngưng thở khi ngủ. Tình trạng này mang tính cục bộ nhưng dễ dẫn đến suy giảm chất lượng giấc ngủ, thiếu oxy máu, tăng nguy cơ phát triển khối u. Mất ngủ, thiếu ngủ khiến con người cần thêm thời gian ban ngày để ngủ bù, rồi đến ban đêm lại mất ngủ. Cứ thế tạo nên một vòng luẩn quẩn rất có hại cho sức khỏe.
Các nhà khoa học khuyên mọi người cần đảm bảo chất lượng của giấc ngủ, đó là điều kiện tiên quyết để có sức khỏe tốt. Đối với người lớn, thời gian ngủ ban đêm tốt nhất từ 7 đến 8 giờ, nhiều hơn hay ít hơn đều có hại cho sức khỏe. Nếu bị khó ngủ, nên đến bệnh viện điều trị càng sớm càng tốt.
Ăn tối muộn
Nghiên cứu của cho thấy những người ăn tối muộn tăng nguy cơ đau dạ dày, trào ngược dạ dày, viêm tụy, ung thư ruột kết. Thói quen ăn khuya còn khiến lượng cholesterol trong máu cao. Đây là lý do hàng đầu gây xơ vữa động mạch, tiền đề cho hàng loạt vấn đề nguy hiểm khi về già như bệnh tim mạch vành, các cơn đau tim và đột quỵ.
Cấu tạo của cơ thể con người thích hợp để làm việc ban ngày và ngủ ban đêm. Trời càng về đêm, hệ miễn dịch thể chất và thần kinh càng yếu. Lúc này, nếu bạn ăn quá muộn hoặc quá nhiều sẽ gây áp lực cho hệ tiêu hóa khiến cơ thể mệt mỏi, căng thẳng và không được nghỉ ngơi đúng mực dẫn đến stress, trầm cảm. Tốt nhất, hãy ăn tối trước 19h, muộn nhất là 20h để dạ dày có thời gian nghỉ ngơi.
Bỏ bữa sáng
Trong 3 bữa ăn chính hàng ngày, bữa sáng là quan trọng nhất bởi nó cung cấp năng lượng cho các hoạt động suốt cả ngày. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA của Mỹ cho thấy nam giới thường xuyên bỏ bữa sáng tăng 27% nguy cơ kéo dài cơn đau tim so với bình thường. Người nhịn bữa sáng trở nên nhạy cảm với chứng tăng huyết áp, tắc nghẽn động mạch và các bệnh tim mạch mạn tính, trong đó có đột quỵ.
Phụ nữ quen nhịn ăn sáng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn so với người ăn sáng đầy đủ. Nữ trong độ tuổi làm việc mà không ăn sáng thường xuyên tăng 54% nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2.
Bỏ bữa sáng dễ khiến bạn tăng cân. Khi cơn đói lên cao trào, bạn có xu hướng ăn bù nhiều hơn, đặc biệt là tăng cảm giác thèm thực phẩm giàu chất béo và đồ ngọt. Trẻ em quên ăn sáng dễ bị giảm khả năng nhận thức, đau đầu, rụng tóc, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất.
Hút thuốc
Hút thuốc làm tăng nguy cơ bệnh tim, ung thư phổi, đột quỵ... Vì vậy, bạn nên bỏ thói quen thuốc lá trước khi bước sang 40 tuổi để tránh nguy cơ tử vong sớm do các bệnh này.
Ăn mặn
Ngoài làm gia vị trực tiếp, muối còn có trong bánh mì, thịt chế biến sẵn, súp, phô mai, nước sốt, dưa chua… Nghiên cứu cho thấy hầu hết người Việt Nam tiêu thụ muối nhiều hơn nhu cầu của cơ thể. Lượng muối được khuyến cáo tối đa cho một người mỗi ngày là khoảng nửa muỗng cà phê. Ăn quá nhiều natri có thể gây ra cao huyết áp là nguyên nhân chính dẫn đến đau tim và đột quỵ.
Uống ít nước
Nước nuôi dưỡng từng tế bào và các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả làn da. Càng lớn tuổi, cảm giác khát càng ít đi nên rất nhiều người không nạp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng.
Thiếu nước, máu sẽ trở nên đậm đặc hơn, làm cho tim khó đẩy máu đến nuôi các bộ phận trong cơ thể. Tim phải hoạt động mạnh hơn để đẩy máu đi qua các động mạch nên áp suất máu sẽ tăng cao, dễ dẫn đến cao huyết áp.
Thận có chức năng bài tiết, trong đó nước là thành phần thiết yếu đảm bảo cho cơ quan này hoạt động tốt. Nếu thiếu nước, thận sẽ bị nhiễm độc và không thể bài tiết các chất bẩn ra khỏi cơ thể, lâu ngày dễ dẫn đến sỏi thận.
Ruột cần có nước để đẩy thức ăn đi nhanh. Nếu thiếu nước, thức ăn sẽ trôi chậm hơn, dần dần gây ra táo bón. Khi bị táo bón, chất độc tích tụ trong ruột già sẽ ngấm ngược trở lại vào máu. Nếu có các triệu chứng khó tiêu, ợ chua, loét da có thể là dấu hiệu bạn đang bị thiếu nước.
Đặc biệt khi trời nóng, nhiệt độ cơ thể tăng cao, mồ hôi tiết ra để làm mát. Nếu bạn uống quá ít nước sẽ không có đủ nước để tản nhiệt cho cơ thể dễ gây chóng mặt, choáng váng, ngất xỉu, sốc nhiệt...
Các bác sĩ khuyên mỗi người nên uống từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày hoặc căn cứ vào trọng lượng cơ thể (trung bình khoảng 50 ml/kg cân nặng).
Lười tập thể dục
Một chế độ vận động thể chất khoa học sẽ giúp duy trì và bảo vệ sức khỏe tối ưu cho dù bạn ở độ tuổi nào. Rèn luyện thể chất không những giúp cơ bắp săn chắc, thúc đẩy sự trao đổi chất, xương chắc khỏe mà còn nâng cao sức khỏe tinh thần. Nếu lười biếng, bạn phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng như mất ngủ, stress, tăng cân, giảm tuần hoàn máu, rối loạn trao đổi chất, béo phì...
Tập thể dục càng quan trọng hơn đối với người già. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ 50 tuổi trở lên thường xuyên vận động thể chất phù hợp sẽ giảm nguy cơ đau hông và cổ tay, gãy xương cột sống.
Lười "yêu" ở tuổi trung niên
Duy trì đời sống tình dục lành mạnh khi bước vào tuổi trung niên góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe. Nghiên cứu cho thấy đàn ông xuất tinh ít (dưới 3 lần trong một tháng) thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như trầm cảm, ung thư tuyến tiền liệt, giảm tuổi thọ.
Các nhà khoa học giải thích: Xuất tinh ở nam giới giúp làm sạch' cơ quan sinh dục trong, đồng thời mang lại sự cân bằng nội tiết, ngăn chặn sự tích tụ của các tế bào già, giảm nguy cơ mắc bệnh và kéo dài tuổi thọ.
Ngồi nhiều
Ngồi nhiều làm máu không lên não đủ, giảm lượng oxy và chất dinh dưỡng đến não. Tình trạng này khiến bạn ngày càng mệt mỏi, mất ngủ, giảm trí nhớ, đau cơ, cứng cổ, đau đầu, chóng mặt.
Ăn ít rau
Các dưỡng chất trong rau củ quả rất cần thiết cho cơ thể. Vitamin E giúp điều hòa chức năng sinh lý, vitamin A tốt cho mắt, vitamin C tăng tốc độ phục hồi vết thương, vitamin B chống lão hóa, vitamin K chống ung thư. Ăn ít rau dẫn đến thiếu hụt vitamin khiến bạn đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh về xương, tâm sinh lý và bệnh tim mạch.
Hầu hết rau xanh chứa hàm lượng sắt cao, là một trong các yếu tố tạo máu. Người ăn ít rau đối diện với nhiều nguy cơ bệnh lý liên quan đến thiếu máu, hạ đường huyết, choáng, ngất.
Chất xơ trong rau củ quả rất quan trọng cho quá trình tiêu hóa. Ăn ít rau dễ gây táo bón, lâu ngày có thể gây bệnh trĩ hoặc viêm ruột thừa. Thiếu xơ cũng làm tăng nguy cơ bệnh về tim mạch như xơ vữa động mạch...
Xem tivi, máy vi tính nhiều
Nghiên cứu cho thấy cứ mỗi giờ ngồi một chỗ xem tivi hoặc máy vi tính sẽ tăng 18% nguy cơ bệnh tim mạch ở trẻ em. Xem truyền hình quá nhiều còn làm thay đổi thói quen nghỉ ngơi bình thường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tổng thể.
Đặc biệt vào ban đêm nếu tiếp xúc với ánh sáng từ tivi và thiết bị điện tử, cơ thể giảm tiết melatonin, một loại hormone được sản xuất vào ban đêm giúp an thần, ngủ ngon, làm giảm chất lượng giấc ngủ.
Các nhà khoa học cảnh báo trẻ em dành quá nhiều thời gian xem truyền hình có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 lên tới 14% sau mỗi 2 giờ ngồi trước tivi. Ngồi hàng giờ liền trước màn hình tivi còn làm chậm khả năng trao đổi chất của cơ thể, khiến chất béo được dự trữ nhiều hơn, từ đó gây béo phì ở cả người lớn và trẻ em.
Khi bạn xem các chương trình càng hấp dẫn, mắt càng phải điều tiết nhiều và không chớp trong thời gian dài hơn sẽ gây ra hàng loạt nhiều vấn đề như khô mắt, giảm thị lực, cận thị... Do vậy, nên giãn cách thời gian tiếp xúc với thiết bị điện tử để mắt được nghỉ ngơi.
Tác giả bài viết: Thi Trân
Nguồn tin: