Cuộc sống

Tai nạn nhớ đời của mẹ con tôi từ chiếc khóa quần

Do sơ ý và vội chuẩn bị đi ăn tiệc, bố đã kéo khoá mà quên đưa quần ra xa khiến phần da "con chim" của bé Kẹo bị mắc kẹt, vô cùng đau đớn.

Tai nạn vừa xảy ra với bé Kẹo, 2 tuổi, con trai của chị Quỳnh Như, làm kinh doanh tại TP HCM, do một phút bất cẩn của người lớn. Chia sẻ câu chuyện của gia đình mình, người mẹ 30 tuổi mong các bậc cha mẹ cẩn thận hơn khi chăm sóc con trai nhỏ.

Ảnh minh họa: etsy.

Kẹo mới hơn hai tuổi, tôi hiểu vai trò của quần lót nhưng vẫn nghĩ bé còn quá nhỏ để mặc. Vì sự chần chừ này, tôi đã không tránh được tai nạn khoá quần cho con. Vẫn là nguyên nhân muôn thuở, do sơ ý và vội chuẩn bị đi ăn tiệc nên chồng tôi đã kéo khoá mà quên kéo quần ra xa hay lấy vạt áo che chim của con, làm phần da bị kẹt vào, khiến con vô cùng đau đớn. Tôi nhìn con đau mà bủn rủn, trào nước mắt. Sau một phút lấy lại bình tĩnh, tôi bắt đầu tìm cách xử lý. Tôi tiến hành các việc sau ngay lập tức (mà sau đó tìm hiểu lại, tôi biết là mình đã làm đúng):

1. Tỏ thái độ bình tĩnh và trấn an con để con không vì đau mà quẫy đạp, có thể khiến vết thương trầm trọng hơn. Tôi cũng không hấp tấp cố kéo khoá lên khi chưa nhìn rõ vết thương của con, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

2. Dùng kéo cắt ngay cái quần ra. Vừa cắt, tôi vừa giải thích cho con nghe: "Con ngồi yên nhé, mẹ cắt quần ra là con sẽ đỡ đau ngay nè", "Mình sẽ có quần mới đẹp hơn cho con nhé". Trò chuyện để phân tán sự chú ý của con khỏi vết thương cũng là một cách tốt.

Về thao tác cắt quần: Đầu tiên tôi dùng tay giữ chặt chỗ tiếp giáp giữa quần và chim con, vì khi đưa kéo cắt có thể kéo vải làm đau con. Sau đó cắt quần ra, vừa giảm sức nặng của quần lên khoá kéo, vừa giúp mẹ nhìn rõ hiện trạng vết thương.

Nếu bé chỉ bị dính mép vào phần dây đã kéo khoá qua, hãy cắt dây khoá bên dưới rồi tách hai bên dây khoá ra để giải phóng chim con mà không cần đưa con đến bác sĩ.

Tuy nhiên, vì Kẹo bị kéo da vào hai bên khoá kéo nên việc cắt một đầu dây kéo và tách phần dây ra không có ý nghĩa.

3. Bôi dầu ăn vào khoá kéo, đổ càng nhiều càng tốt với hi vọng chim con sẽ tự tuột ra. Ở trường hợp con của Kẹo, chim không tự tuột ra được do bị kéo quá nhiều da vào khoá.

4. Chườm đá lạnh giúp con đỡ đau và ngay lập tức đến bệnh viện, không được cố sức lôi chim con ra bằng lực mạnh. Cách tốt nhất là giữ con bình tĩnh, nằm im để rồi đưa con đến bệnh viện.

5. Hãy tỉnh táo trước yêu cầu của bác sĩ. Tôi đưa con đến bệnh viện vì tôi sợ ở nhà nếu kéo khoá hay bẻ khoá có thể làm con bị chảy máu mà không có dụng cụ y tế hỗ trợ kịp thời. Vậy mà ở bệnh viện đầu tiên, tôi thấy bác sĩ loay hoay một hồi, rồi đề nghị gây mê. Lúc này tôi thật sự rối bời, nhưng với những gì tôi thấy, tôi tin con có thể vượt qua đau đớn này mà không cần thiết phải gây mê. Tôi từ chối và cho con đến bệnh viện khác lớn hơn, nhờ các bác sĩ có kinh nghiệm trong thủ thuật này hơn. Bác sĩ chỉ cần xịt gây tê ngoài da giúp Kẹo đỡ đau khi bác sĩ đưa tay vào khoá kéo, sau đó kéo dứt khoát khoá lên trên.

Dĩ nhiên, Kẹo đã rất đau, nhưng vì đã được mẹ chia sẻ thông tin về tình huống đang gặp phải và tất cả mọi người thể hiện thái độ bình tĩnh nên con nhanh chóng lấy lại tinh thần. Dù bị xây xát và sưng do phần da bị nghiến khoảng 15 phút, nhưng chim con không bị chảy máu, không phải khâu vá mũi nào và con không bị gây mê. 30 phút sau con đã có mặt ở bữa tiệc trong tâm trạng hớn hở, chạy nhảy.

Sau việc này, tôi nhận thấy, không nên cho trẻ mặc quần kéo khoá, hãy mặc quần thun hoặc cài cúc và nên cho bé mặc quần lót càng sớm càng tốt. Nếu cho mặc kéo khóa thì đừng quên quần lót cho con. Khi xảy ra tai nạn, kinh nghiệm của tôi là cha mẹ phải thật bình tĩnh, con cũng sẽ hợp tác hơn.

Tác giả bài viết: Quỳnh Như

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP