Người thân của ông B. cho biết, sáng 20/4, ông B. điều khiển xe máy đến địa phận xóm Lam Thủy, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân thì đâm vào cọc tiêu bên đường. Hậu quả, ông B. bị đập đầu xuống đất bất tỉnh.
Sau đó, ông B. được mọi người đưa tới bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân cấp cứu. Do vết thương quá nặng, ông B. được chuyển lên bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An điều trị.
Theo anh Nguyễn Duy T. con trai ông B., tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An, các bác sĩ chẩn đoán ông B. bị chấn thương sọ não, tiên lượng xấu. Cho nên đến trưa ngày 21/4, gia đình đã quyết định đưa ông B. về nhà.
Ngay sau đó, gia đình và bà con hàng xóm đã khẩn trương mua áo quan chuẩn bị tang lễ cho ông B. Khi thấy ông B. đã nằm bất động, gia đình quyết định rút ống thở bình ôxy thì ông B. đột nhiên tỉnh lại.
Người nhà đút cháo, ông B. ăn được nên gia đình đã gọi bác sĩ đến kiểm tra. Thấy ông B. vẫn còn sống, bác sĩ đã khuyên người nhà đưa ông B. đến bệnh viện điều trị.
Sau đó, gia đình đưa ông B. đến bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân nhập viện. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành điều trị truyền dịch, dùng thuốc chống phù não… cho bệnh nhân. Sau 3 ngày được điều trị tích cực, ông B. đã mở mắt, nói chuyện được và ăn được cháo.
Bác sĩ Trần Đức Linh, Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân thừa nhận, trước đó ông B. được đưa vào nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, bị chấn thương ở vùng đầu, mặt, mí mắt, chân trái bị gãy. Đây là trường hợp hy hữu. Hiện sức khỏe của ông B. đang dần phục hồi.
“Bệnh viện đã làm hết trách nhiệm”
Sáng 27/4, trao đổi với PV, bác sĩ Quế Anh Trâm, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An cho biết, sau khi ông B. được đưa vào viện, bệnh viện đã kịp thời cấp cứu và tiến hành hội chẩn. Việc hội chuẩn bao gồm lãnh đạo của nhiều khoa: Chấn thương, cấp cứu, bệnh nhiệt đới, khoa phẫu thuật thần kinh cột sống không can thiệp phẫu thuật.
Các bác sĩ chẩn đoán, ông B. bị hôn mê, đa chấn thương, dập não, chấn thương sọ não, vỡ mâm chày trái; hướng điều trị là theo dõi và phẫu thuật thần kinh cột sống không can thiệp phẫu thuật. Do từ năm 2012, bệnh nhân B. cũng từng điều trị bệnh mãn tính về bệnh truyền nhiễm nên bệnh viện quyết định chuyển ông B. về bộ phận cấp cứu của khoa Bệnh nhiệt đới.
Tại khoa Bệnh nhiệt đới, sau khi được điều trị, các bác sĩ thông báo với người nhà ông B. là tiên lượng bệnh xấu. Người nhà nghe vậy nên đã viết cam kết xin được đưa ông B. về nhà và bệnh viện chấp nhận.
Khi PV đặt câu hỏi: Các bác sĩ tiên lượng bệnh xấu nhưng tại sao sau khi về nhà, ông B. lại đột nhiên sống lại, bác sĩ Quế Anh Trâm trả lời: “Có thể quá trình điều trị ở bệnh viện thuốc chưa phát huy tác dụng. Mặt khác đây là trường hợp hy hữu mà trình độ bác sĩ không thể giải thích được”.
Tiếp tục câu hỏi có phải do ông B. có bệnh nhạy cảm nên bệnh viện đẩy trách nhiệm, khuyên người nhà đưa ông B. về nhà hay không, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Quế Anh Trâm khẳng định: “Bệnh viện đã làm hết trách nhiệm. Người nhà viết cam kết xin bệnh nhân ra viện nên bệnh viện đồng ý. Bệnh viện không hề khuyên người nhà đưa ông B. về nhà”.
Tác giả bài viết: Tuệ Minh
Nguồn tin: