Trong nước

Sớm kết luận, xử nghiêm sai phạm ở Cục Lãnh sự, tội phạm bán giấy tờ giả

Trong phiên họp ngày 15/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo công tác dân nguyện. Cử tri kiến nghị cần sớm kết luận và xử lý nghiêm nhiều sai phạm...

Quy định cụ thể nhiệm vụ chống bạo loạn, khủng bố

Sáng 15/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 8. Ngay sau phiên khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát cơ động. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc quy định quyền hạn cho cảnh sát cơ động “được vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, nơi ở của cá nhân để giải cứu con tin, trấn áp khủng bố” cần được quy định ở các trường hợp cụ thể để đảm bảo thực hiện theo đúng Hiến pháp, pháp luật.

Bà Nga cho rằng, nên cân nhắc khi dùng từ “hỗ trợ” trong vấn đề HĐND, UBND cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí hoạt động cho cảnh sát cơ động, vì Luật Ngân sách hiện nay không có quy định về việc “hỗ trợ”. Một số đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, cần làm rõ một số khái niệm như “biện pháp vũ trang” vì vấn đề này liên quan rất lớn đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...

Hành vi nhận hối lộ liên quan tới xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao. Ảnh minh họa: VNN

Trao đổi thêm một số vấn đề, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nói rằng, dự án luật đã được điều chỉnh các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, một số quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động của cảnh sát cơ động theo hướng chặt chẽ, phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật, tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội. Theo ông Lâm, năm 1959, khi công an vũ trang được thành lập, đây chính là lực lượng thực hiện các nhiệm vụ vũ trang. Sau 35 năm, lực lượng công an vũ trang này chuyển sang quân đội để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, thành Bộ đội Biên phòng. “Trong Công an vẫn phải còn lực lượng để thực hiện các biện pháp vũ trang, từ đó hình thành lực lượng cơ động”, ông Lâm nói. Ông cho rằng, việc dùng từ “giúp đỡ của nhân dân với cảnh sát cơ động” thể hiện sự gần gũi. Nhân dân giúp đỡ nhiều thì sẽ thắng lợi, thành công nhiều. Bộ trưởng Bộ Công an cũng cảm ơn các địa phương chia sẻ với lực lượng công an, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho cảnh sát cơ động, bởi lúc dân cần, lúc dân khó thì có công an.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói rằng, trong việc tiếp thu, điều chỉnh dự án Luật Cảnh sát cơ động, cần tiếp tục bám sát Nghị quyết 40 ngày 8/11/2004 của Bộ Chính trị. Nghị quyết có nêu việc tăng cường lực lượng cảnh sát cơ động chống bạo loạn, khủng bố; bố trí lực lượng này ở các địa bàn trọng điểm với trang bị phù hợp và sự chỉ huy thống nhất. “Cần rà lại xem toàn bộ dự án luật này đã đảm bảo yêu cầu này hay chưa”, ông Huệ nói.

Theo ông Huệ, cần rà soát lại, các nhiệm vụ của cảnh sát cơ động cần nêu cụ thể, nhưng cần nhấn mạnh chức năng, nhiệm vụ chống bạo loạn, khủng bố. “Lực lượng cảnh sát, an ninh làm nhiệm vụ thường xuyên theo lĩnh vực, địa bàn rồi, nhưng khi xảy ra bạo loạn, khủng bố thì lực lượng cảnh sát cơ động với tính tinh nhuệ, cơ động cao tham gia”, ông Huệ nói.

Phòng ngừa từ sớm, từ xa

Về công tác dân nguyện tháng 1, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần chủ động vào cuộc “từ sớm, từ xa” đã tổ chức thành công kỳ họp bất thường lần thứ nhất. Trên cơ sở Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã khẩn trương, kịp thời ban hành nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. “Việc ban hành nghị quyết này được đánh giá là phù hợp với bối cảnh hiện nay của Việt Nam và cả quốc tế, là quyết sách chiến lược quan trọng, toàn diện cụ thể hóa chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 43 của Quốc hội”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, cử tri kiến nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành T.Ư và chính quyền địa phương chủ động nắm tình hình khiếu nại, tố cáo, nhất là đối với các vụ việc đông người, phức tạp để kịp thời giải quyết dứt điểm không để phát sinh điểm nóng; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tiếp công dân, nghiên cứu, xây dựng mô hình tiếp công dân trực tuyến trong tình hình dịch bệnh COVID - 19 vẫn đang diễn ra phức tạp. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ động rà soát, giải quyết dứt điểm đối với số đơn thư do các cơ quan của Quốc hội chuyển đến hoặc đã có kiến nghị giám sát và báo cáo kết quả giải quyết theo quy định.

Đặc biệt, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các bộ, ngành hữu quan khẩn trương, quyết liệt trong việc điều tra, truy tố, kết luận sớm, xử lý nghiêm vụ việc sai phạm của một số cán bộ, công chức Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; có những biện pháp xử lý nghiêm minh đối với loại hình tội phạm sử dụng mạng xã hội để rao bán các loại bằng cấp, giấy tờ, tài liệu giả.

Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan kịp thời có giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm xăng dầu, bình ổn giá xăng dầu để đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống của người dân. Chỉ đạo Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan sớm có giải pháp căn cơ, hiệu quả, chủ động và linh hoạt hơn để tránh tình trạng dịch bệnh bùng phát trở lại; nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện trước khi triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi.

Tác giả: Trường Phong

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP