Xã hội

Rét đậm, lại lo ngộ độc than củi khi sưởi ấm

Hiện nay, thời tiết tại một số tỉnh thành miền Bắc và Bắc miền Trung đang trong tình trạng rét đậm, rét hại nên một số hộ dân đã đốt than củi để sưởi ấm khi ngủ.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận 3 người trong một gia đình nhập viện cấp cứu do ngộ độc khí CO, gồm anh N.Đ.P. (SN 1988, trú tại xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), chị N.T.B. (SN 1988) và con trai N.Đ.T. (1 tháng tuổi).

Ảnh minh họa.

Theo lời kể của người thân, chị B. vừa sinh con trai được 1 tháng, do trời trở rét nên gia đình thường đốt than củi trong phòng ngủ để sưởi ấm.

Sáng 22/12, người thân không thấy anh P. dậy đưa 2 đứa con đầu đi học nên sang nhà gọi nhưng không được. Mọi người phá cửa vào thì phát hiện cả 3 người đều bất tỉnh.

Được biết, gia đình này đã đốt than sưởi ấm, tuy nhiên, do phòng ngủ kín nên cả 3 người trên đã bị ngạt khí dẫn đến ngất xỉu. Các bệnh nhân nhanh chóng được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, thở nhanh, huyết áp cao, mệt, buồn nôn. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân bị ngộ độc khí CO.

Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2017-2022, Bệnh viện đã tiếp nhận tổng cộng trên 15 bệnh nhân nhập viện do bị ngộ độc khí CO trong đó có 1 trẻ em bị tử vong. Còn tại Nghệ An, liên tiếp trong các năm 2016-2022 đều ghi nhận các trường hợp ngộ độc khí khi dùng than sưởi ấm.

Trước đó, tại Hà Nội đã xảy ra vụ việc người đàn ông tử vong nghi do đốt lửa sưởi ấm trong nhà. Cụ thể, vào khoảng 4 giờ sáng 8/12, người dân phát hiện vụ cháy tại số nhà 19, ngách 36, ngõ Linh Quang (phường Văn Chương, quận Đống Đa). Khi phát hiện vụ việc, người dân đã sử dụng nước dập tắt đám cháy.

Ngay sau đó, người dân phát hiện ông Nguyễn Chí D. (sinh năm1972, trú tại địa chỉ trên) đã tử vong. Theo lực lượng chức năng, bước đầu nhận định nguyên nhân vụ cháy nghi do ông D. đốt lửa sưởi ấm, gây ra cháy nhà.

Hồi tháng 2/2022, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận 3 người trong một gia đình ở huyện Tuần Giáo, Lai Châu nhập viện vì ngộ độc khí CO, khi đốt than tổ ong để sưởi ấm.

Theo các chuyên gia y tế, khi bị ngộ khí, tùy vào thời gian lâu hay mau, các bệnh nhân có biến chứng nặng nhẹ khác nhau. Cấp cứu ban đầu rất quan trọng như mở cửa phòng thông thoáng, đưa đi cấp cứu kịp thời để có thể cứu sống nạn nhân.

Hiện thời tiết tại một số địa phương trên cả nước vẫn đang còn rét đậm nên các bác sĩ khuyến cáo người dân, trong điều kiện thời tiết lạnh rét mùa đông, tuyệt đối không được sưởi ấm bằng đốt than, củi trong phòng kín nhằm chống ngộ độc khí CO và tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và gia đình.

TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, CO không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện. Khi hít phải CO sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và lấy oxy trong máu, làm nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thấy yếu, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn.

Hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính.

40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…

Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe người dân, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo một số biện pháp an toàn để làm ấm cơ thể trong mùa lạnh như: Thường xuyên tập luyện thể thao; thêm gia vị vào các món ăn như gừng, tiêu, tỏi; sử dụng trà quế, trà gừng, vừa giữ ấm cơ thể, vừa làm tăng sức đề kháng hiệu quả; sử dụng các thiết bị sưởi ấm an toàn hơn.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng ở địa phương, nhất là vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về việc sử dụng than đốt sưởi ấm đúng cách để tránh xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản.

Tác giả: D. Ngân

Nguồn tin: baodautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP