Tại nhiều địa phương, học sinh vẫn phải đến trường trên những cây cầu khỉ chênh vênh hay những cầu tạm xuống cấp trầm trọng, còn cô giáo phải mất bốn tiếng đồng hồ mới đến được điểm trường… Để hành trình tri thức của học sinh, cô giáo bớt gian nan, Grab rất mong nhận được nhiều tấm lòng sẻ chia từ cộng đồng để cùng thực hiện dự án “Xây cầu đến lớp”.
Gian nan đường đến trường
Những ngày qua, đoàn khảo sát dự án “Xây cầu đến lớp” tới một số địa phương thuộc tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang. Tại đây, hệ thống sông và kênh rạch chằng chịt, đường giao thông hạn chế, vẫn còn nhiều cây cầu khỉ, cầu tạm thô sơ khiến cho cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Điển hình, tại ấp Phước Thái B, xã Bình Phước, huyện Mang Thít (Vĩnh Long), người dân, học sinh hàng ngày phải di chuyển qua cây cầu khỉ được dựng tạm bợ trong suốt 18 năm qua nhưng lại là phương tiện lưu thông ngắn nhất nối các ấp với đường chính. Chưa hết, nhiều người dân nơi đây cũng phải đi trên những cây cầu bê tông xuống cấp trầm trọng và chỉ cần một bước chân của trẻ nhỏ cũng khiến cây cầu rung lên như có động đất.
Tương tự, người dân tại xã Phú Quới, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) vẫn mơ ước một ngày có được cây cầu để đường đến trường của học sinh được gần hơn. Anh Nguyễn Văn Khá, người thường xuyên túc trực tại cây cầu Út Ốm, cho biết cả ấp chỉ có một cây cầu. Trong khi sông rất sâu, cầu cao, người lớn đi lại không quen còn run cầm cập nói gì đến trẻ nhỏ.
Chú Khá hỗ trợ người dân đi qua cầu tạm Út Ốm trong những ngày mưa. |
“Những em quá nhỏ tuổi ba mẹ phải dẫn qua chứ không tự đi được, còn nếu đi bộ thì xa lắm, đường đất bùn lầy rất khó đi. Đặc biệt, những hôm trời mưa, cầu Út Ốm càng trơn trượt hơn, nhìn tụi nhỏ đi qua mà xót, chỉ sợ có đứa nào té xuống thì khổ”, anh Khá nói và chỉ tay về phía dòng nước đang chảy với mong ước một ngày không còn nhìn cảnh các cháu đối diện với “thủy thần”.
“Bò” qua sông, suối gieo chữ
Nhiều học sinh tại tỉnh Hà Giang hằng ngày phải vượt qua các con suối, khe núi để đến lớp. |
Còn tại nơi địa đầu Tổ quốc Hà Giang là địa phương có đặc thù địa hình khá phức tạp, vùng dân cư bị chia cắt bởi nhiều ngọn núi cao, thung lũng, sông suối.
Cô Hoàng Thị Nhất, giáo viên tiểu học tại xã Tân Lập, huyện Bắc Quang (Hà Giang), cho biết đường từ nhà đến trường dài 30km. Vào mùa khô cô mất hai tiếng đồng hồ đi xe máy, nhưng mùa mưa lũ mất khoảng bốn tiếng mới đặt chân được đến trường.
Nhiều em học sinh tại huyện Bắc Quang, huyện Quang Bình, huyện Hoàng Su Phì... đều chia sẻ về con đường đi học vất vả, nguy hiểm và mong mỏi sớm có cây cầu bắc qua để các em không phải bỏ học những khi mưa lũ kéo về…
Đến khảo sát các địa phương vào đúng mùa mưa, chúng tôi đã thực sự căng thẳng khi di chuyển trên những cây cầu khỉ, cầu tạm chênh vênh, rung lắc, trơn trượt hay các con suối nước chảy xiết, những con đường đá nhỏ xíu và quanh co. Bởi vậy, chúng tôi càng hiểu rằng, mong ước sớm có một cây cầu vững chắc của người dân nơi đây thiết tha, mãnh liệt đến nhường nào.
Chia sẻ những câu chuyện này, Grab và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, hai đơn vị đang đồng triển khai dự án “Xây cầu đến lớp”. Theo đó, chúng tôi rất mong đón nhận được nhiều hơn nữa những tấm lòng hảo tâm nhằm sớm thực hiện ước mơ của anh Khá, cô Nhất… Đó là việc sớm có cây cầu vững chắc để con đường đến trường không còn nguy hiểm, giúp hành trình đến với tri thức của các em học sinh được thuận lợi hơn.
“Xây cầu đến lớp” là dự án thiện nguyện với mục đích xây dựng cầu nông thôn tại các vùng hẻo lánh, giúp người dân dễ dàng hơn trong việc di chuyển, đặc biệt giúp các em học sinh đến trường một cách an toàn. Chương trình được triển khai vào cuối tháng 5 vừa qua bởi sự phối hợp giữa Grab và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Để tham gia hoạt động ý nghĩa này, bạn chỉ cần thực hiện các bước đơn giản: (1) mở ứng dụng Grab; (2) vào mục GrabRewards, chọn mức đóng góp mong muốn (từ 115 đến 2.300 điểm, tương ứng số tiền từ 5.000 đến 100.000 đồng); (3) đổi điểm (phần đóng góp của bạn sẽ được ghi nhận). |
Tác giả: PHÚ PHONG
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM