Giáo dục

Sóc Sơn 'chống lệnh' Chủ tịch Hà Nội: 256 giáo viên sốc nặng

256 giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội vừa có đơn khiếu nại gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội khi nhận được kết luận của Huyện ủy Sóc Sơn thông báo tổ chức thi tuyển viên chức.

Giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn trước nguy cơ thất nghiệp

Ngày 11/7, Huyện ủy Sóc Sơn đã có văn bản thông báo kết luận của Ban Thường vụ Huyện ủy về công tác tuyển dụng viên chức giáo dục 2019.

Theo bản thông báo này, sau khi nghe ông Lê Hữu Mạnh, Phó chủ tịch UBND huyện báo cáo kết quả đăng ký tuyển dụng, các hình thức tuyển dụng và tình hình công tác tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019, Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn kết luận thống nhất lựa chọn hình thức thi tuyển đối với việc tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019 theo đề xuất của UBND huyện.

Ngay sau khi nhận được thông báo này, các giáo viên hợp đồng đang công tác tại huyện Sóc Sơn đã có đơn khiếu nại gửi chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Trong đơn, tập thể giáo viên hợp đồng của Sóc Sơn cho biết, ngày 23/5, Bộ Nội vụ có công văn số 2267/BNV-CCVC về hình thức tuyển dụng viên chức giáo dục của thành phố Hà Nội năm 2019. Theo đó Bộ Nội vụ có ý kiến: Việc ban hành hình thức tuyển dụng viên chức giáo dục thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố Hà Nội. UBND Thành phố Hà Nội có thể lựa chọn 1 trong 3 phương thức: Thi tuyển, xét tuyển, xét tuyển đặc biệt.

Đến ngày 28/6, UBND Thành phố Hà Nội kí Quyết định số 3455/QĐ-UBND về việc sửa đổi bổ sung Khoản 3 Điều 1 và khoản I Phần B kế hoạch ban hành kèm theo quyết định số 1076/QĐ-UBND ngày 07/03/2019 của UBND thành phố Hà Nội. Tại văn bản này, UBND Thành phố Hà Nội giao: UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê số lượng giáo viên hiện đang hợp đồng lao dộng làm công tác giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn để xem xét thực hiện tuyển dụng đặc biệt vào viên chức đối với những trường hợp đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định điều kiện được xét tiếp nhận vào viên chức đối với các trường hợp đặc biệt.

Thành phố nói một đằng, huyện làm một nẻo

Chính vì vậy, tập thể 256 giáo viên dạy hợp đồng cấp Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội tiếp tục kiến nghị đến Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn những nội dung sau đề nghị xét tuyển đặc biệt (đặc cách) cho 256 giáo viên hợp đồng trên địa bàn huyện Sóc Sơn vào viên chức giáo dục huyện Sóc Sơn năm 2019 không qua thi tuyển theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội tại Quyết định số 3455/QĐ-UBND ngày 28/06/2019.

Đối với những trường hợp không đủ điều kiện được quy định thì đề nghị UBND huyện Sóc Sơn xét đặc cách những trường hợp đó theo Khoản a Mục 1 Điều 14 Nghị định Số: 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ.
Trong trường hợp cần thiết đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối thoại trực tiếp với 256 giáo viên dạy hợp đồng chúng tôi trước khi đưa ra phán quyết về số phận của chúng tôi.

Cũng theo nội dung đơn khiếu nại này thì sáng ngày 9/7, UBND huyện Sóc Sơn mời lãnh đạo các phòng ban liên quan, hiệu trưởng các trường THCS, Tiểu học và 256 giáo viên hợp đồng trên địa bàn huyện Sóc Sơn để đối thoại và đưa ra phương án xét tuyển viên chức giáo dục.

Tại buổi đối thoại, nguyện vọng của 256 giáo viên hợp đồng mong muốn UBND huyện Sóc Sơn xét tuyển đặc biệt (đặc cách) cho giáo viên theo Quyết định bổ sung của UBND Thành phố Hà Nội hôm 28/6.

Nhưng nguyện vọng của tập thể giáo viên hợp đồng không được UBND huyện Sóc Sơn chấp thuận. Lý do là các phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung, các đại biểu Quốc hội, Bộ Nội Vụ chỉ là lời nói, chưa có văn bản chỉ đạo cụ thể!!!

Còn quyết định bổ sung số 3455/QĐ-UBND ngày 28/06/2019 của UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn không áp dụng được vì trên địa bàn huyện Sóc Sơn không có trường công lập tự chủ nào, vị trí tuyển dụng yêu cầu bằng đại học (Tiểu học chỉ yêu cầu bằng trung cấp, THCS yêu cầu bằng cao đẳng).

Theo quy định hiện hành thì giáo viên hợp đồng trên địa bàn huyện Sóc Sơn không thuộc đối tượng được xét tuyển đặc biệt vì vậy UBND huyện Sóc Sơn đã thống nhất phương án xét tuyển (bỏ vòng 1, thi vòng 2), không phân biệt giáo viên hợp đồng hay thí sinh tự do. Giáo viên hợp đồng không được hướng bất kỳ một ưu tiên nào. Ngày 20/7/2019 huyện sẽ trình phương án xét tuyển này với thành phố.

Trong khi đó, chiều ngày 09/07/2019 tại phiên chất vấn HĐND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung - chủ tịch UBND thành phố cho biết: UBND thành phố Hà Nội giao sở Nội vụ phối hợp với quận, huyện, thị xã thành lập hội đồng xét tuyển đặc biệt cho GVHĐ thỏa mãn những tiêu chí: Hợp đồng huyện từ 5 năm trở lên, có đóng bảo hiểm xã hội, có sức khỏe phù hợp, có vị trí việc làm phù hợp. Sau khi xét tuyển hết số GVHĐ này thành phố sẽ tổ chức thi tuyển cho số thí sinh còn lại.

Như vậy UBND huyện Sóc Sơn và UBND thành phố Hà Nội đang có cách làm trái chiều nhau về phương án tuyển dụng đối với giáo viên hợp đồng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đối với quyền và lợi ích hợp pháp của giáo viên hợp đồng trên địa bàn huyện Sóc Sơn nói riêng và 2700 giáo viên hợp đồng của thành phố nói chung.

Từ những lí do trên 256 giáo viên hợp đồng của huyện Sóc Sơn không đồng ý với phương án xét tuyển mà huyện đưa ra vào sáng 9/7/2019 và kiến nghị UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản hướng dẫn UBND huyện Sóc Sơn thực hiện chỉ đạo của chủ tịch UBND thành phố Hà Nội hôm 9/7/2019 để xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng vào viên chức giáo dục huyện Sóc Sơn năm 2019 không qua thi tuyển.

Không những thế, ngay sau khi nhận được thông báo, nhiều giáo viên hợp đồng của Sóc Sơn đã rất sốc khi biết sẽ phải thi tuyển như các thí sinh tự do mà không nhận được bất cứ ưu tiên nào sau rất nhiều năm gắn bó với giáo dục.

Tác giả: NGHIÊM HUÊ

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP