Bắt nguồn từ môn thể thao do tướng Phạm Ngũ Lão (đời Trần) đặt ra để rèn luyện quân sỹ, lâu ngày người dân làng Kim Sơn (Kiến Thụy, Hải Phòng) đưa môn vật cầu trở thành lễ hội truyền thống đầu năm để đón xuân mới. Mùng 6 âm lịch hàng năm, lễ hội vật cầu Kim Sơn thu hút hàng nghìn người dân địa phương, khách du lịch tới chiêm ngưỡng màn đấu ồn ã, rực lửa của các trai làng.
Để chuẩn bị cho lễ hội vật cầu truyền thống lớn nhất trong năm từ ngày 30 tết, người dân làng Kim Sơn đã tất bật chuẩn bị cổng chào làm bằng tre quấn rơm với câu đối "Kiến như đại tân, anh hùng trần lực, vật ngã giai xuân" (Ngày gặp gỡ lớn, toàn sức vật cầu, quyết giành phần thắng). |
Theo một người dân làng Kim Sơn chia sẻ: "Chúng tôi rất tự hào và mong muốn duy trì lễ hội này qua nhiều đời hơn nữa. Tôi sống nửa đời người, tham gia nhiều lần lễ hội vật cầu mà vẫn háo hức đến sớm để giành chỗ đẹp. Ba năm lẽ hội mới tổ chức một lần nên dân làng hay khách du lịch tới rất đông, đến muộn là không nhìn thấy được trận đấu". |
Từ 7h sáng ngày 30/1 tức ngày mùng 6 âm lịch, hàng trăm người dân làng đã tập trung tại đình làng Kim Sơn (xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) để tham gia lễ rước cầu từ trong đình ra ngoài sân đình và ban lộc cho các giai vật cầu. |
|
Mở đầu lễ hội là màn múa rồng, múa cờ được biểu diễn bởi các thanh thiếu niên làng Kim Sơn. |
Lễ hội vật cầu Kim Sơn năm nay có sự tham gia của 24 dòng họ chia làm 3 giáp: giáp Đông, giáp Nam và giáp Bắc với ba màu phục trang đỏ, vàng, xanh. Mỗi giáp cắt cử 5 đô vật cùng 1 ông tổng cờ tham gia lễ hội trong đó các đô vật đều là những thanh niên khỏe mạnh, chưa lập gia đình. |
Quả cầu trong lễ hội được làm bằng củ chuối hột gọt tròn với đường kính khoảng 40cm và nặng 20kg. Để hoàn thiện cầu, ông trưởng làng phải đi tìm củ chuối thật lớn, đảm bảo tươi, nhẵn sau đó được các nghệ nhân bọc giấy hồng điều, trang trí hình tứ linh (Long, Ly, Qui, Phượng). |
Sau tiếng báo hiệu, 15 đô vật lao vào giữa sân đình dùng mưu trí, sức mạnh để đưa cầu (được đặt trước tại lỗ cầu cái giữa sân) về lỗ cầu quân của giáp mình. Do những lễ hội trước việc đưa cầu về lỗ phụ rất khó nên hình thức tính điểm được thay đổi. Giáp nào đưa cầu về gần lỗ 10m được tính 5 điểm, 5m được tính 10 điểm. |
Hàng chục đô vật lăn xả vào trận chiến trong tiếng trống thúc, tiếng reo hò, cổ vũ của người xem. |
Quả cầu tròn nhẵn, khó bám lại nặng 20kg nhiều khi được tung lên cao, khi thì lăn lông lốc, lớp vỏ bọc cầu sau các hiệp phủ kín bùn đất cho thấy sự sức mạnh của các đô vật cũng như sự khốc liệt của trận đấu. Tuy nhiên sau 3 hiệp đấu, các giáp vẫn không ghi được điểm. |
Trận đấu kết thúc, quả cầu được đưa xuống ao đình để tắm rửa. "Năm nay các giáp kém may mắn hơn một chút và trận đấu này vốn rất khắc nghiệt nên việc ghi điểm chẳng dễ dàng. Toàn trai tráng trong làng mới có sức nâng quả cầu chứ người già chúng tôi thì chịu. Hơn nữa lễ hội mang ý nghĩa tinh thần chứ thắng thua không phải tiêu chí hàng đầu. Người dân chúng tôi năm mới có dịp tham gia như này rất phấn khởi" một cụ ông tới xem lễ hội chia sẻ. |
Tác giả: HOÀNG DƯƠNG - PHƯƠNG LINH
Nguồn tin: Báo Tiền phong