Giáo dục

Phòng ngừa xâm hại trẻ em: Đừng để 'mất bò mới lo làm chuồng'!

Xâm hại trẻ em, không phải đến bây giờ mới được đề cập song vấn đề này vẫn đang diễn biến phức tạp. Thực tế cho thấy, để phòng ngừa và giảm thiểu xâm hại trẻ em, bên cạnh công tác bảo vệ, can thiệp, hỗ trợ, phòng ngừa của các cấp chính quyền, đoàn thể, gia đình và cộng đồng xã hội là vô cùng quan trọng.

Diễn biến phức tạp

Theo số liệu từ Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, hiện trên địa bàn có 1.852.454 trẻ em, chiếm 24,9% dân số. Do là đô thị lớn, đông dân, tỷ lệ dân nhập cư tăng nhanh, trong đó có nhiều đối tượng hình sự… nên độ tuổi của trẻ bị xâm hại, đối tượng xâm hại, tính chất, mức độ nghiêm trọng của các vụ việc cũng có những diễn biến phức tạp.

Các hành vi xâm hại trẻ em cần phải được ngăn chặn (Ảnh minh họa)

Qua thống kê, tính từ năm 2015 đến tháng 6/2019, trên địa bàn đã có 322 trẻ em bị xâm hại, trong đó 51 trẻ là nạn nhân của hành vi bạo lực; 29 trẻ bị xâm hại tình dục; 7 trẻ là đối tượng của hành vi mua bán trẻ em.

Ở các địa phương trên địa bàn Hà Nội, tình trạng xâm hại trẻ em dù đã nỗ lực giảm thiểu song vẫn có những phức tạp, khó lường, Theo báo cáo từ Ủy ban Nhân dân huyện Chương Mỹ, từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, trên địa bàn huyện có 15 trẻ em bị xâm hại. Đặc biệt, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, có 8 trẻ bị xâm hại, 1 trẻ tử vong do bị xâm hại.

Thời gian qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực vào cuộc ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em. Cụ thể, Thành phố đã ban hành 15 văn bản chỉ đạo, liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Thành phố cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân các địa phương xảy ra các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em nghiêm trọng phải có trách nhiệm báo cáo ngay sau khi vụ việc xảy ra và báo cáo bằng văn bản về kết quả giải quyết chậm nhất sau 3 ngày vụ việc được phát hiện. Công tác hỗ trợ, can thiệp khi trẻ có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại cũng đặc biệt được quan tâm.

Trẻ em trong các vụ việc xâm hại đều được đánh giá, xác định mức độ tổn thương, các vấn đề cần can thiệp hỗ trợ và lập kế hoạch can thiệp, hỗ trợ. Bên cạnh đó, nhiều mô hình như: “Ngôi nhà an toàn”, “Cộng đồng an toàn”, “Trường học an toàn” và xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em cũng được chú trọng triển khai.

Nhờ những nỗ lực đồng bộ này, đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã; 540/584 xã, phường, thị trấn thuộc Hà Nội đã có quyết định thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo công tác trẻ em.

Lo ngại hơn, có tới 14/15 vụ xâm hại trẻ em do chính người thân trong gia đình, người quen gây ra. Thủ đoạn của các hành vi xâm hại ngày một tinh vi, diễn ra trong thời gian dài và chỉ bị phát hiện khi đã xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Địa bàn xảy ra các hành vi xâm hại thường là tại cộng đồng, nhà trường và thậm chí ngay trong chính gia đình của trẻ.

Qua đánh giá của các cơ quan chức năng, mặc dù phương thức thủ đoạn của đối tượng không mới, nhưng do nhận thức, đặc điểm tâm lý còn non nớt… nên trẻ em vẫn là nhóm tuổi dễ bị xâm hại. Cá biệt, có những trường hợp bị xâm hại không tố giác ngay, dẫn tới khó khăn cho công tác điều tra, thu thập chứng cứ.

Bàn về vấn đề xâm hại trẻ em, tại Talkshow “Xâm hại trong học đường” Thạc sĩ Tâm lý Đinh Đoàn cho biết, có rất nhiều biện pháp để phòng chống xâm hại trẻ em, tuy nhiên có thể khẳng định gia đình là chủ thể chịu trách nhiệm trong phòng, chống xâm hại trẻ, thực hiện quyền trẻ em khỏi mọi hình thức bị lạm dụng, xâm hại.

Để bảo vệ an toàn trẻ em, tránh những nguy cơ bị xâm hại, giúp các em yên vui học tập phát triển con người toàn diện, mỗi gia đình phải tăng cường quan tâm con em của mình, phối hợp với nhà trường, các cơ quan chức năng, không ngừng năng cao giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ rủi ro bản thân cho trẻ em và các thành viên trong gia đình.

Cần nhiều nỗ lực

Từ hoạt động bản thân và nghiên cứu thực tiễn, theo Thạc sĩ Tâm lý Đinh Đoàn ngay sau cánh cổng trường học, không ít giáo viên vẫn còn khuyết thiếu những kiến thức cơ bản liên quan. Chẳng hạn, sau nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, nhiều trường mới cấp tập mời chuyên gia nói chuyện về phòng chống xâm hại tình dục.

Lúc này mới nhận ra rằng, nhiều thầy cô giáo không hề biết cách phòng, chống và các luật liên quan. Hệ lụy nhãn tiền là, học sinh ở các cấp học, do còn non nớt, thiếu khả năng bộc lộ ý chí đúng đắn, thiếu kỹ năng tự bảo vệ mình, lại trong quan hệ phụ thuộc, tâm lý e sợ thầy cô giáo… dễ trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm. Chính những nguy cơ này cần phải được nhận diện và tìm giải pháp ứng phó.

Theo các chuyên gia nghiên cứu, hiện nhiều gia đình cho con tham dự các khóa học hè, kỹ năng phòng chống xâm hại… điều này là hết sức cần thiết song vẫn chưa đủ. Bởi, bên cạnh các kiến thức cứng nhắc được truyền tải, các phụ huynh cần trò chuyện với con hàng ngày về các vấn đề pháp luật liên quan, cùng với con giải quyết các tình huống nếu nó chẳng may nảy sinh. Đặc biệt, ngay trong gia đình, cha mẹ cần thường xuyên để mắt, quan tâm, chia sẻ với con em mình để kịp thời nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết.

Trên khía cạnh pháp lý, bàn về vấn đề xâm hại trẻ em trong đó có hành vi xâm hại tình dục, theo Luật sư Nguyễn Văn Tú (Giám đốc Công ty Luật Fanci) hiện luật pháp trong lĩnh vực này đang còn nhiều “khoảng trống”. Và chính điều này khiến khâu xử lý đối tượng vi phạm còn hạn chế.

Chẳng hạn, Luật Hình sự 2015 nêu rõ các hành vi được coi là nghiêm trọng nhất như: Hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô, khiêu dâm thì mới bị xử lý. Nhưng thực tế, trong đời sống tình dục lại có hàng trăm hành vi khác nhau chưa được đưa vào. Đó chính là điểm thiếu, gây nên việc khó kết tội.

Khách quan nhìn nhận, quanh câu chuyện phòng ngừa, xâm hại trẻ em thời gian qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực vào cuộc. Cụ thể, Thành phố đã ban hành 15 văn bản chỉ đạo, liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Thành phố cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân các địa phương xảy ra các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em nghiêm trọng phải có trách nhiệm báo cáo ngay sau khi vụ việc xảy ra và báo cáo bằng văn bản về kết quả giải quyết chậm nhất sau 3 ngày vụ việc được phát hiện.

Công tác hỗ trợ, can thiệp khi trẻ có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại cũng đặc biệt được quan tâm. Trẻ em trong các vụ việc xâm hại đều được đánh giá, xác định mức độ tổn thương, các vấn đề cần can thiệp hỗ trợ và lập kế hoạch can thiệp, hỗ trợ. Bên cạnh đó, nhiều mô hình như: “Ngôi nhà an toàn”, “Cộng đồng an toàn”, “Trường học an toàn” và xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em cũng được chú trọng triển khai. Nhờ những nỗ lực đồng bộ này, đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã; 540/584 xã, phường, thị trấn thuộc Hà Nội đã có quyết định thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo công tác trẻ em. Tính đến hết tháng 6/2019, trên địa bàn có 1.694 cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

Rõ ràng, trước sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa của Hà Nội, trước sự phát triển như vũ bão của thế giới công nghệ số đã và sẽ tiếp tục tác động rất lớn tới tư duy, nhận thức, quan điểm, hành vi, đạo đức, lối sống của cả người lớn và trẻ em, cả mặt tích cực và tiêu cực... thì sự nỗ lực vào cuộc của Hà Nội là đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, để được hiệu quả cao nhất, ngoài sự nỗ lực của các cấp chính quyền, của gia đình, thì việc phòng ngừa, chống xâm hại trẻ em rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Có như vậy mới góp phần giảm bớt các vụ xâm hại trẻ em, không để tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp hơn không chỉ ở Hà Nội mà ở tất cả các địa phương khác trên cả nước.

Trồng cả vườn chuối, rải thuốc sâu trong trường ngăn học sinh đến lớp

Tác giả: Luyện Đinh

Nguồn tin: Báo Lao động Thủ đô

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP