► Đạt 15 điểm mới đủ điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển vào trường ĐH Hà Nội
► Xét tuyển đại học: Nếu không thận trọng thí sinh sẽ trượt ngay từ đầu!
Quang cảnh buổi tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ.
Ngày hội tư vấn xét tuyển Đại học - Cao đẳng (ĐH - CĐ) do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức diễn ra ở Hà Nội từ 8h đến 17h ngày 23/7, tại khuôn viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (số 1 Đại Cồ Việt, Q.Hai Bà Trưng).
Thay mặt Bộ GD-ĐT, PGS Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học đánh giá, Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH – CĐ là hoạt động tư vấn hướng nghiệp hỗ trợ thí sinh với quy mô rộng, chất lượng cao, thu hút sự của thí sinh, có sức lan tỏa rộng trong xã hội. Đây là nơi cung cấp thông tin bổ ích, tháo gỡ thắc mắc cho thí sinh cùng phụ huynh vào thời điểm quan trọng nhất khi thí sinh cầm kết quả thi trên tay, băn khoăn trong việc lựa chọn ngành đăng ký xét tuyển.
Khâu xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ năm nay có nhiều điểm thay đổi, do đó ông Tuấn lưu ý thí sinh “cân nhắc nhiều, cân nhắc kỹ, đừng vội vàng đăng ký xét tuyển sớm”: “Đối với các thí sinh việc đầu tiên là phải chọn được ngành nghề mình yêu thích, cân nhắc dựa trên kết quả thi của mình, cân nhắc mức điểm dự kiến của các trường trên cơ sở so sánh mức điểm trúng tuyển của năm ngoái”.
Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Trần Văn Nghĩa cho biết, phổ điểm các ngành năm nay không thay đổi quá nhiều so với 2015.
TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, năm nay có 2 điểm quan trọng cần lưu ý. Một là, thí sinh nộp hồ sơ vào thì không được rút hồ sơ ra. Hai là, sau khi các trường công bố kết quả xét tuyển, thí sinh phải nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi để khẳng định nhập học tại trường đã trúng tuyển.
Trước những thay đổi này, ông Nghĩa khuyên các thí sinh phải cân nhắc cẩn thận khi nộp hồ sơ. Hai căn cứ để các em cân nhắc là nguyện vọng (các em thích ngành nào, năng lực phù hợp ngành nào) và điểm số của mình. Một ngành có rất nhiều trường, có điểm xét tuyển khác nhau do đó các em phải căn cứ vào kết quả thi của mình để chọn trường phù hợp. Ống Nghĩa nhấn mạnh, cơ sở quan trọng mà các em có thể tham khảo được để đăng ký xét tuyển thành công là điểm trúng tuyển năm ngoái của các ngành.
“Với phổ điểm năm nay, chúng tôi đang tiếp tục phân tích nhưng về cơ bản sẽ không có những thay đổi quá nhiều so với năm 2015. Do đó, các em có thể tham khảo thông tin, điểm trúng tuyển của các ngành năm ngoái để đưa ra lựa chọn đăng ký vào trường phù hợp nhất”, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục nói. Ông Nghĩa lưu ý thêm, các em phải tận dụng tối đa 4 cái nguyện vọng xét tuyển và phân biệt 2 mẫu đăng ký xét tuyển vào 2 nhóm trường (Nhóm GX và Nhóm ngoài GX).
Các thí sinh được giải đáp, tháo gỡ khúc mắc để có cho mình lựa chọn sáng suốt trước khi đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ.
Điểm thi THPTQG 2016 được làm tròn đến 2 chữ số thập phân
“Điểm thi THPTQG 2016 làm tròn thế nào?” là câu hỏi được nhiều học sinh, phụ huynh tại ngày hội quan tâm. Giải đáp thắc mắc này, TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho hay: Quy chế thi THPTQG 2016 quy định điểm bài thi trắc nghiệm vẫn được tính trên thang điểm 10 nhưng được làm tròn đến 2 chữ số thập phân. Theo đó, hội đồng chấm thi sẽ phải lấy từ 0,01 đến 0,99 điểm đối với bài thi trắc nghiệm.
Nếu thí sinh được 4,99 điểm thi THPT Quốc gia 2016 cũng không được cộng tròn thành 5 mà sẽ giữ nguyên. Trong trường hợp đạt từ 4,991 đến 4,994 sẽ được làm tròn thành 4,99 điểm. Chỉ từ 4,995 đến 4,999 thì mới được cộng tròn thành 5 điểm.
Chính vì vậy, đối với những môn thi trắc nghiệm, thí sinh có thể thấy điểm thi của mình lẻ đến hai chữ số thập phân hoặc lẻ ở những mức như 7,3 hay 9,6 hoặc 9,8 (chứ không tròn 7,5 hay 9,5 hoặc 9,75 như năm trước).
Đối với những môn thi tự luận, có thể thí sinh cũng có điểm thi lẻ. Đó là những trường hợp bài thi có kết quả chấm của 3 cán bộ chấm thi lệch nhau. Trong trường hợp này, điểm của bài thi là tổng điểm 3 lần chấm chia 3. Tuy nhiên, số trường hợp này không nhiều. Kết quả cuối cùng cũng chỉ làm tròn đến hai chữ số thập phân.
Ví dụ như bài thi được 6,257 sẽ làm tròn lên thành 6,26 điểm, còn nếu là 6,254 điểm sẽ làm tròn xuống thành 6,25 điểm, thay vì làm tròn thành 6,3 như trước đây. Với cách làm tròn điểm như năm nay, sẽ có những thí sinh có điểm rất lẻ.
Thí sinh sẽ không được làm tròn điểm từng môn thi mà khi xét tuyển, cộng tổng điểm ba môn mới được làm tròn đến 0,25 điểm. Ví dụ thí sinh được 23,35 điểm sẽ được làm tròn thành 23,25. Nếu thí sinh được 17,55 hay 17,60 sẽ được làm tròn thành 17,5 điểm.
Thí sinh có cơ hội tiếp cận thông tin của các trường ĐH, CĐ tại gần 70 gian tư vấn của các trường.
Trong khuôn khổ Ngày hội tại Hà Nội, BTC bố trí hai khu vực tư vấn xét tuyển chuyên sâu gồm: Tư vấn nhóm ngành Khoa học tự nhiên, điện – điện tử, cơ điện tử, công nghệ thông tin, dầu khí, ô tô, cơ khí, giao thông vận tải, xây dựng, nông lâm... và Tư vấn nhóm ngành Khoa học xã hội, ngoại ngữ, sư phạm, luật, công an, quân đội, y dược, kinh tế, tài chính, ngân hàng, ngoại thương, kế toán – kiểm toán, marketing, quản trị kinh doanh. Không những thế, thí sinh có cơ hội tiếp cận thông tin của các trường ĐH, CĐ tại gần 70 gian tư vấn của các trường. Đây cũng là cơ hội để các trường giới thiệu về môi trường đào tạo của mình, cung cấp cho thí sinh những thông tin cần thiết về tuyển sinh của nhà trường. Lần đầu tiên các trường thuộc nhóm GX (nhóm GX chỉ xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2016) gồm 12 trường ĐH, học viện lớn ở phía Bắc đã tham gia tư vấn. Ngay sau Hà Nội, Ngày hội vấn xét tuyển ĐH- CĐ sẽ diễn ra tại TP.HCM từ 8h-17h ngày 24/7/2016 ở trường ĐH Bách khoa – ĐHQG TP.Hồ Chí Minh. |
Tác giả bài viết: Lệ Thu