Kinh tế

Nước mắt chủ đầm bãi ngang sau lũ

Đầu tư hàng trăm triệu đồng máy móc, xây hồ đập, mua con giống nhưng chỉ sau cơn lũ lớn tràn qua, những chủ đầm nuôi thủy sản tại huyện Nghi Lộc đã trắng tay.

Những ngày giữa tháng 10, sau trận lũ lớn do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, trời đã hửng nắng nhưng đi dọc qua hàng trăm đầm, hồ nuôi trồng thủy, hải sản các xã bãi ngang Nghi Quang, Nghi Tiến, Nghi Thiết… (huyện Nghi Lộc) chúng tôi nhận thấy một cảnh hoang vắng lạ thường.

Chỉ lâu lâu mới gặp một đôi hồ tôm có những nhóm người đang dọn dẹp lại bạt, đắp lại bờ đập. Thường thời điểm này là lúc các hồ nuôi trồng thủy sản đang tấp nập nhất bởi chuẩn bị đến vụ thu hoạch.

Chị Nguyễn Thu Hà xót xa khi nhìn lại 2,2 nuôi tôm và cua của gia đình gần đến thời điểm thu hoạch trong chốc lát đã trôi theo dòng nước lũ ra biển. Ảnh: Xuân Hòa

Nguyên nhân, do sau trận bão số 10 và trận lũ vừa qua các hồ đập bị ngập, bị vỡ bao nhiêu tôm, cua, cá mà các chủ hồ thả xuống đã bị cuốn theo nước lũ ra biển lớn. Gặp vài chủ hồ nuôi trồng thủy sản vẻ mặt thất thần đứng nhìn những guồng quay nước nằm lặng yên giữa hồ nước mênh mông.

“Hết! Hết rồi chẳng có chi nữa. Mấy trăm triệu bạc đổ vào hồ tôm, hồ cua giờ chẳng còn chi nữa. Tôm đã đến vụ thu hoạch, vượt qua được trận bão số 10 những tưởng đợt này chỉ mưa đôi ba ngày nhưng ai ngờ …”, lau giọt nước mắt chị Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1968, trú tại xóm Tân Lập 2, xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc) nói.

Gia đình chị Hà nuôi 2,2 ha tôm và cua nước mặn. Vụ này, gia đình chị thả 46 vạn con tôm giống, 1,6 vạn con cua giống cùng sắm sửa máy móc hết hơn 250 triệu đồng. Chỉ còn thời gian ngắn nữa, số cua, tôm trên sẽ được thu hoạch. Nhưng trọng trận lũ giữa tháng 10 vừa qua, nước lên cao đột ngột, bờ hồ nuôi bị vỡ toàn bộ tôm trôi theo nước ra lạch nước lớn. Số cua nuôi cùng hồ tôm theo đó cũng ra gần hết. Ước tính trận lũ vừa qua gia đình chị thiệt hại khoảng hơn 400 triệu đồng.

Trong cơn bão số 10 và trận lũ giữa tháng 10 vừa qua 6 hồ nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 5,1ha của gia đình anh Trần Văn Bình đã bị nước cuốn phăng ra biển với thiệt hại ước tính hơn 500 triệu đồng. Ảnh: Xuân Hòa

Tiếp tục đến những dọc các hồ nuôi tôm khác trên địa bàn xã Nghi Quang, tình cảnh cũng không khác gì gia đình chị Hà. Có gia đình còn vay được ít vốn đang cố đắp lại các hồ nuôi bị vỡ để thả giống cho đợt nuôi tiếp kịp bán tết Nguyên Đán mong vớt vát được phần nào thiệt hại. Nhưng cũng có hộ trắng tay giờ không còn một đồng vốn, bao nhiêu của cải cũng đã cầm cố vay mượn để mua con giống, làm hồ đập giờ thì chỉ còn những hồ nước không.

Cùng chung cảnh ngộ như tại xã Nghi Quang, hàng chục hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc cũng chỉ còn những đầm không. Những hồ đập bạt tốc trắng bờ cát, bể khô khốc không giọt nước, các chủ hồ nuôi cũng không thèm ngó bởi đã trắng tay. Đôi ba hồ còn lại các chủ hồ đang cố sửa chữa lại từ những thứ còn sót lại để đổ lại giống đợt mới mong vớt vát được phần nào đó.

Gia đình anh Trần Văn Bình (SN 1969, trú tại xóm 5, xã Nghi Tiến) là một trong những chủ hồ có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng lớn nhất tại đây với diện tích 6 hồ 5,1ha. Trong mùa nuôi này, khi gia đình anh vừa xử lý xong hồ nuôi, đầu tư máy móc thì cơn bão số 10 ập vào xé tan hết toàn bộ bờ đập, máy móc bị hư hỏng hoàn toàn.

Không nản chí sau bão anh ngay lập tức với số vốn còn lại anh quay trở lại cải tạo hồ nuôi cùng máy móc. Nhưng khi mẻ tôm hơn 50 vạn con vừa được thả ở hai hồ với diện tích hơn 6000m2 chưa được 15 ngày thì đợt lũ giữa tháng 10 ập đến. Toàn bộ hồ nuôi và số tôm vừa thả lại bị nước lũ kèm nước triểu từ biển dâng vào cuốn trôi ra biển.

Một số hộ nuôi thủy, hải sản dọc các xã bãi ngang của huyện Nghi Lộc còn chút vốn liếng cuối cùng đang cố cải tạo lại hồ nuôi sau thiệt hại do mưa lũ nhưng vẫn canh cánh nỗi lo tiếp tục mất trắng khi mùa mưa bão vẫn đang còn diễn biến phức tạp. Ảnh: Xuân Hòa

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, 2 đợt bão và lũ đã khiến gia đình anh gần như trắng tay với thiệt hại ước tính hơn 500 triệu đồng. Giờ chỉ còn mỗi căn nhà và bìa đất là thứ duy nhất sót lại anh đã vay cầm cố để sửa lại hồ nuôi cầu mong mưa bão không cướp đi nữa để anh kiếm lại chút vốn phục hồi lại diện tích nuôi tôm của gia đình.

“Nhưng vừa làm lại hồ vừa lo khi mùa mưa bão chưa hết mà cơn bão số 11 lại đang trên đường vào. Giờ mà bị mất thêm lần nữa chắc cả nhà tôi ra đường ở”, anh Bình thở dài tâm sự.

Nhiều gia đình nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Nghi Tiến còn bi đát hơn anh Bình khi những số vốn còn lại đã bị hai trận mưa bão cuốn phăng ra biển giờ tay trắng không có vốn đề đầu tư lại nên hồ nuôi bỏ không trong khi tiền vay lãi mẹ lãi con đang ngày càng tăng lên.

Theo báo cáo nhanh trong đợt lũ vừa qua các địa phương trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã có hơn 929 ha nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại. Trong đó, có 75.58ha nuôi các loại thủy hải sản nước mặn, lợ bị thiệt hại nặng từ 30 đến 70%. Ngoài ra còn có hơn 36ha nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại từ 70% trở lên, tập trung tại khu vực nuôi thủy hải sản nước mặn, lợ dọc các xã bãi ngang như: Nghi Quang, Nghi Tiến, Nghi Yên …

Tác giả: Xuân Hòa

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP