Giáo dục

Nhân viên y tế trường học: Vừa thiếu vừa yếu

Với xu thế các trường học tiến tới học ngày 2 buổi hay bán trú thì vai trò nhân viên y tế nhà trường đang trở nên ngày càng quan trọng. Tuy nhiên, ở Nghệ An hiện nay, có đến gần 80% nhân viên y tế trường học không đạt chuẩn theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016 của Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc nhân viên y tế vừa thiếu vừa yếu đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học và mầm non.

Có mặt trong giờ ra chơi của các em học sinh tại trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai- TT Hưng Nguyên - Qua phản ánh, phóng viên được biết: Trường hợp học sinh bị thương tích trong lúc vui đùa cũng đã từng xảy ra dưới ngôi trường này. Với chị Đàm Thị Thu Hương – nhân viên y tế kiêm nhiệm, trong những tình huống như vậy, cách xử lý nhanh nhất là chở học sinh chạy thật nhanh sang Bệnh viện huyện gần đó. Vì thế, các thầy cô giáo mới gọi vui với chị là “Nhân viên chở chạy”.
Tủ thuốc trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai - TT Hưng Nguyên với ít bông băng và vài lọ dầu gió sơ sài

Chị Hương chia sẻ: Tiêm thì tôi chưa làm được vì tôi chưa đi học. Chỉ có khi trẻ nóng thì chị đắp khăn cho trẻ rồi chuyển lên bệnh viện. Khi trẻ đau bụng thì tôi cho bôi dầu gió, sau đưa trẻ lên Bệnh viện.

Trường Mầm non Giai Xuân 2 nằm cách trung tâm huyện Tân Kỳ 20 km. Đây được coi là đơn vị có cơ sở vật chất vào hàng kém nhất của huyện Tân Kỳ. Trường có hơn 320 trẻ theo học thì có tới 80% là con em dân tộc Thổ. Cha mẹ sáng ra đã lên rẫy, tối mịt mới trở về nên con em thường phó thác cho cô giáo, kể cả khi trẻ bị cảm, sốt. Vì vậy, mà với “chú Long bảo vệ”, việc khám, cặp nhiệt độ cho các cháu là việc làm khá thường xuyên, khi mà bảo vệ trường kiêm luôn y tế.

Nhân viên bảo vệ kiêm y tế tại trường Mầm non Giai Xuân – huyện Tân Kỳ

Cô giáo Nguyễn Thị Hà - Hiệu trưởng trường Mầm non Giai Xuân - Tân Kỳ cho biết: Theo thông tư quy định không cho phép hợp đồng nhân viên, giáo viên dưới mọi hình thức, sau đó vì nhu cầu nhân viên y tế trong trường rất quan trọng, đặc biệt với bậc học mầm non. Năm học 2015-2016 trường đã hợp đồng nhân viên bảo vệ. Anh này cũng có bằng của y tế. Trong hợp đồng là bảo vệ nhưng trong thỏa thuận anh cũng nhất trí kiêm nhiệm thêm công tác y tế trường học.

Nhân viên y tế có trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì làm việc theo hợp đồng danh nghĩa khác trong khi nhân viên y tế kiêm nhiệm chính thức thì lại không có chuyên môn. Thực tế này không chỉ ở ngành giáo dục của huyện Hưng Nguyên hay Tân Kỳ mà là ở hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh. Trong số 1.570 trường học ở cả 4 cấp của Nghệ An thì có đến 80% nhân viên y tế không đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong đó có tới 648 giáo viên, thư viện viên, thủ quỹ và thậm chí là bảo vệ kiêm nhiệm công việc của nhân viên y tế. Mặc dù biết tầm quan trọng của nhân viên y tế nhưng với các trường “cái khó đành bó cái khôn”.

Tại các trường mầm non, các bé rất hào hứng với trò chơi "tập làm bác sỹ"

Thầy giáo Hoàng Văn Thụ-Trưởng phòng GD- ĐT huyện Hưng Nguyên cho biết thêm: Tôi thấy thực sự là rất cần thiết ở tại các trường từ mầm non, tiểu học kể cả THCS cũng thế thôi. Bình thường thì không có vấn đề gì nhưng khi có sự cố thì ai là người giải quyết. Muốn vậy thì phải bố trí biên chế thì mới có nhân viên được chứ không có thì phải chịu rồi.

Với xu thế các trường học tiến tới học ngày 2 buổi hay bán trú thì nhân viên y tế nhà trường, ngoài nhiệm vụ theo dõi, phát hiện, chẩn đoán bệnh cho học sinh còn phải là người biết sơ cứu, xử lý thành thạo các tình huống đột xuất. Nên chăng, việc tìm ra giải pháp tối ưu giữa ngành y tế, giáo dục và các đơn vị liên quan là rất cần thiết nhằm đảm bảo phát triển tốt cả về thể chất và tinh thần cho các em.

Tác giả bài viết: An Duyên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP